Sức sống xanh ở đảo Trường Sa sau 45 năm giải phóng
Văn hóa - Ngày đăng : 16:39, 25/04/2020
Chen giữa hàng trăm công trình trúc hạ tầng vững chắc là hàng ngàn cây xanh đâm chồi nảy lộc vươn mình trong nắng gió mặn mòi. Không chỉ những đảo nổi như Trường Sa lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây màu xanh mới phủ kín, mà cả những đảo chìm như Cô Lin, Len đao, Đá Lớn, Đá Lát.. màu xanh cây cối vẫn xanh tốt trên sỏi cát Trường Sa. Màu xanh ấy không chỉ là kết quả sáng tạo, cần cù từ bàn tay khối óc của những chiến sĩ “áo vằn cánh sóng”, mà còn là sự khát vọng hòa bình, chung sức đồng lòng xây Trường Sa mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, thắm tình quân dân như cá với nước của những người lính biển ở xa nhất của Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 29-4-1975, quần đảo Trường Sa hoàn toàn được giải phóng bởi “cánh quân thứ 6”. Đó là đội quân chủ lực của những chiến sĩ đặc công nước Lữ đoàn Đặc Công 126 Hải quân. Dưới sự chỉ huy của Trung tá Mai Năng, những chiến sĩ “biệt động nước” đã chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây. Cùng với đó là giải phóng các đảo Trường Sa lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông.
Không thể kể xiết những khó khăn những ngày đầu tiên Trường Sa mới giải phóng. Dưới cái nắng cháy da cháy thịt, hàng trăm cán bộ chiến sĩ gồng mình vác đá xây dựng với tinh thần “kê cao nền Tổ quốc giữa đại dương bao la”. Và cũng không thể nói hết những khó khăn gian khổ của bộ đội Trường Sa ngày ấy chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng bó rau xanh, ngày “lăn lê bò trườn” dưới lắng lửa, tối vác đá xây dựng đảo dưới mưa rào. Cả đảo không có màu xanh, chân người chiến sĩ phồng rộp vì cát mặn.
Còn nay ở “quần đảo bão tố”, màu xanh bạt ngàn phủ khắp triền đảo, nước ngọt dồi dào trong những bể chứa cả trăm khối. Di dưới hàng cây bàng quả vuông mát rượi, chẳng khác gì đi ở công viên ở đất liền. Chỉ khác đó là công viên xanh giữa nắng gió Trường Sa. Và chủ nhân của nó là bộ đội Cụ Hồ khoác áo màu của biển.
Sau 45 năm xây dựng và phát triển, Trường Sa hôm nay như “thành phố giữa ngàn khơi”. Thế hệ cán bộ chiến sĩ ở 21 đảo, điểm đảo/33 đang ngày đêm hi sinh thầm lặng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình vì bình yên chủ quyền biển đảo.
Đi dưới những hàng cây xanh mướt ở đảo Sơn Ca, hay Nam Yết; trên xuồng CQ cao tốc tuần tra ở đảo Sinh Tồn hay vùng biển Cô Lin, cán bộ chiến sĩ Trường Sa đều thấu hiểu rằng, để có những cột mốc chủ quyền sừng sững hiên ngang và trường tồn mãi mãi như hiện nay, nhiều sĩ quan, binh nhất, binh nhì đã anh dũng hi sinh. Có người mãi mãi nằm lại dưới tầng tầng san hô biển mặn, thi thể hòa lẫn biển khơi, hòa vào sóng gió, thành khúc quân ca Trường Sa 45 năm qua
Nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về Trường Sa sau 45 năm kể từ ngày giải phóng.
Cảnh bình yên thanh bình trên đảo Song Tử Tây |
San hô đảo chìm một mài xanh biếc |
Cá heo ở biển Trường Sa |
Phút giải lao sau giờ huấn luyện của chiến sĩ mới |
Mưa biển Trường sa |
Ôn bài dưới gốc phong ba |
Khách đất liền ra thăm lính đảo |
Tuần tra |
Học sinh Trường Sa làm duyên dưới tán bàng vuông |
Tình yêu lính đảo |
Song Tử Tây dưới hoàng hôn rực rỡ |
Màu xanh của đảo Sinh Tồn |
Cá lồng ở đảo Đá Tây A |
Công viên xanh giữa lòng cát trắng |
Thủ phủ Trường Sa |