GS.TS Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi rất lo ngại làn sóng thứ 2

Trong nước - Ngày đăng : 08:45, 25/04/2020

Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống COVID-19 xác định có thể tồn tại một số trường hợp người lành mang virus trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra được. Vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn.
GS.TS Nguyễn Thanh Long: Vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng COVID-19 lây nhiễm trở lại là rất lớn.

Chưa có miễn dịch cộng đồng, khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, các cơ quan chuyên môn đặc biệt là các chuyên gia nói rằng mặc dù chúng ta không còn hoặc có rất ít ca bệnh mới nhưng vẫn có thể có mầm bệnh, có người mang virus. Bởi vì qua tổng kết có nhiều trường hợp mắc virus không có triệu chứng lâm sàng hoặc những triệu chứng lâm sàng rất mờ nhạt, chỉ đau mỏi cơ thể, triệu chứng của cảm cúm, dấu hiệu rất mơ hồ nên rất dễ bỏ qua...

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 xác định có thể tồn tại một số trường hợp người lành mang virus trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra được. Vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn.

“Chúng tôi rất lo ngại làn sóng thứ 2 đối với dịch COVID-19. Bài học từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Sinapore, bị làn sóng thứ 2 xâm nhập vào và tồn tại phát triển trong một cộng đồng mà không biết được. Đến khi xảy ra trên diện rất lớn thì lúc đó mới phát hiện ra. Nếu chúng ta cũng như vậy thì lúc đó hệ thống y tế của ta sẽ trong tình trạng rất khó khăn”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Điều chỉnh vấn đề xét nghiệm với cộng đồng

Do đó, cần phải kiên quyết ngăn chặn với đường hàng không, kiểm soát với từng chuyến bay, từng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác phòng chống dịch. Nếu không làm thế dễ bỏ qua và dễ gây ra tình trạng làn sóng thứ 2.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin thêm: Đối với cộng đồng, cơ quan chuyên môn đã điều chỉnh lại vấn đề xét nghiệm.

Theo đó, tất cả những trường hợp có triệu chứng mơ hồ hoặc liên quan bệnh cúm thông thường thì lập tức xét nghiệm. Tiếp đến là tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ như khu công nhân, khu nhà trọ công nhân, khu tập trung nhiều lao động tự do, người yếu thế...

5 việc cần làm tốt để phòng chống COVID-19.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm sau để phòng chống COVID-19:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

7 thói quen cần thay đổi trong mùa dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo khuyến cáo người dân 7 thói quen cần thay đổi trong mùa dịch COVID-19:

1. Trước gặp nhau tay bắt mặt mừng, nay gặp nhau không vồ vập, không bắt tay.

2. Trước hay vô thức đưa tay lên mặt, nay không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

3. Trước về tới nhà là sà vào người thân, nay cần thay ngay quần áo, tắm rửa.

4. Trước ăn xong đánh răng là đủ, nay thêm súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.

5. Trước hay giao lưu gặp gỡ, nay không mời khách tới nhà và cũng không tới nhà người khác.

6. Trước ốm đau đến ngay bệnh viện, nay gọi điện thoại trước cho nhân viên y tế để được tư vấn.

7. Cuối cùng, tự giác và nhắc nhau thực hiện các quy định và khuyến cáo phòng chống dịch.

 

Theo Chinhphu.vn