Chính sách thu hút đầu tư tại Nghệ An – Những điều bất cập: Bài 2: Nhiều dự án “cầm đền chạy trước ô tô”

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 07:44, 25/04/2020

(TN&MT) - Mặc dù mới đang ở trong giai đoạn làm các thủ tục pháp lý, thế nhưng nhiều dự án vì nhiều lý do khác nhau đã tiến hành ồ ạt thi công. Tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô” trong quá trình triển khai một số dự án lớn ở tỉnh Nghệ An đã và đang xảy ra khá phổ biến.

Dự án “thu hút đầu tư” thi công “trộm”

Tháng 5/2018, mặc dù chỉ mới được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư, đang trong giai đoạn thỏa thuận giải phóng mặt bằng (GPMB), chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường và dĩ nhiên chưa được cấp phép xây dựng..., nhưng Công ty Cổ phần Trung Đô, có trụ sở tại số 205, đường Lê Duẩn, phường Trung Đô, TP.Vinh đã ngang nhiên phá rừng, san lấp mặt bằng tại xóm 1, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc để xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng. 

Được biết, dự án Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng tại xã Nghi Văn của Công ty Cổ phần Trung Đô có tổng mức đầu tư là 1.025 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc diện thu hút đầu tư của UBND tỉnh Nghệ An.

Thời điểm đó, tại công trường mà đơn vị này “cầm đèn chạy trước ô tô”, nhiều héc ta bạch đàn, thông nằm trên những ngọn đồi đã bị san phẳng để lấy đất phục vụ cho việc san lấp mặt bằng, xây dựng nhà máy. Tại đây, Công ty Cổ phần Trung Đô còn cho dựng lên nhiều nhà tạm tại công trường cho công nhân ở và tập trung máy móc phục vụ cho việc xây dựng.

Nhà máy may Minh Anh tại huyện Tân Kỳ chưa hoàn thành thủ tục nhưng đã ồ ạt thi công nhiều tháng nay nhưng chưa bị xử lý

Tại thòi điểm đó, theo UBND xã Nghi Văn, dự án xây dựng nhà máy của Công ty Cổ phần Trung Đô mới chỉ được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có ĐTM, chưa được cấp phép xây dựng. Lúc đầu, công ty xin phát quang đường băng, nhưng khi phát hiện họ san lấp mặt bằng thì UBND xã đã ra lập biên bản và đình chỉ.

Những ngày đầu tháng 6/2018, khi người dân phản ánh, chính quyền và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử phạt và yêu cầu công ty Cổ phần Trung Đô tạm đình chỉ thi công. Tuy nhiên, sau đó công ty này lại bất ngờ lén lút huy động máy móc, ô tô và nhân công để tiếp tục thi công vào ban đêm. Việc làm này của Công ty Cổ phần Trung Đô khiến người dân địa phương hết sức bức xúc.

Dự án Nhà máy in, thêu Dong A được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 01/03/2018 tại QQĐ số 711/QĐ.UBND, với mục tiêu để in, thêu các sản phẩm may mặc. Dự án có tổng số vốn đầu tư 110 tỷ đồng diện tích 4ha, đặt tại Khối 13, phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai). Vào thời điểm giữa năm 2018, mặc dù dự án này chỉ mới được chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh và một số hồ sơ thủ tục khác, chưa được giao đất, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có giấy phép xây dựng…nhưng chủ đầu tư cũng đã rầm rồ tiến hành san đồi, bạt núi san lấp mặt bằng khiến người dân cực kỳ bức xúc.

Dự án Nhà máy in, thêu Dong A tại thị xã Hoàng Mai san đồi rừng thông thi công nhà máy dù chưa có ĐTM, giấy phép xây dựng

Mới đây nhất, Dự án xây dựng Nhà máy may Minh Anh của Công ty CP may Minh Anh xây dựng tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4673/QĐ-UBND ngày 13/11/2019. Theo Quyết định được phê duyệt, tổng mức đầu tư cho dự án là 300 tỉ đồng, sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 6.500 lao động. Dự án được khởi công vào đầu năm 2020 với tổng diện tích khoảng 9,8 ha và dự kiến đến tháng 8/2021, chủ đầu tư phải hoàn thành đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, từ tháng 2/2020 dự án Nhà máy may Minh Anh được chủ đầu tư tiến hành việc san lấp mặt bằng ồ ạt, mỗi ngày có hàng chục xe tải vận chuyển đất từ địa bàn xã Tân Long về đổ tại chân công trình.

Qua tìm hiểu tính pháp lý của dự án, chính quyền địa phương xã Kỳ Tân cho hay, đến nay công tác giải phóng mặt bằng của dự án cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, dự án hiện vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục để được Nhà nước bàn giao đất theo quy định; đặc biệt, giấy phép xây dựng chưa hoàn thành. “Dự án chưa hoàn thành thủ tục đã thi công là sai. Tuy nhiên, vì áp lực về tiến độ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án đi vào hoạt động nên chúng tôi để cho doanh nghiệp thi công sớm” - Ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Kỳ, giải thích. 

Phải “tuýt còi” nhiều dự án

Tháng 1/2020, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra tại nhà máy của Công ty CP Đầu tư Đại Gia Phát thì phát hiện công ty chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định.

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Đại Gia Phát đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng “không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định”.

Theo đó, Công ty CP Đầu tư Đại Gia Phát đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành dự án nhà máy Đại Gia Phát Nghệ An tại Cụm công nghiệp Thung Khuộc, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp khi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”

Với hành vi vi phạm trên, Công ty CP Đầu tư Đại Gia Phát bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt 300 triệu đồng và phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của Nhà máy Đại Gia Phát Nghệ An tại cụm công nghiệp Thung Khuộc, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp với thời gian 6 tháng, có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ ngày 16/1/2020.

Hay như năm 2019, Công ty CP công nghiệp nhựa Á Châu cũng bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt 300 triệu đồng vì lý do chưa có ĐTM nhưng đã xây dựng nhà máy chế biến bột đá CaCO3 và đi vào hoạt động tại Cụm công nghiệp Nghĩa Long, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn.

Ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghê An, cho biết, thời gian qua một số dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An vì nhiều lý do khác nhau mà xây dựng khi chưa làm đủ thủ tục theo quy định, nhất là thủ tục về ĐTM. Vì thế, khi phát hiện ra trường hợp nào thì Sở TN&MT luôn xử lý kiên quyết và nghiêm minh để các chủ đầu tư có ý thức hơn trong quá trình đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Nhà máy của Công ty CP Đầu tư Đại Gia Phát xây dựng và đưa vào vận hành dù chưa hoàn thành thủ tục theo quy định nên bị phạt 300 triệu đồng

Có thể nói chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An là rất đúng đắn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước cải thiện đời sống người dân…

Tuy nhiên, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Địa phương luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ yếu là về mặt cơ chế, chính sách nhưng không nên bao che, dung túng cho các sai phạm của doanh nghiệp như đang diễn ra tại một số dự án nêu trên. Đó là chưa kể đến việc để tình trạng trên diễn ra kéo dài sẽ gây ra tiền lệ xấu về sau, điều đó không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý của nhà nước mà còn khiến dư luận bức xúc!

Đình Tiệp