Điện Biên: Chủ động phương án đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ
Xã hội - Ngày đăng : 09:00, 24/04/2020
Thi công kè chống sạt lở đường giao thông trên địa bàn thị trấn Ðiện Biên Ðông. |
Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 8.337km đường giao thông các loại. Trong đó mới có hơn 1.080km đường bê tông xi măng, hơn 400km đường bê tông nhựa, 1.310km đường đá dăm láng nhựa còn lại gần 5.600km đường cấp phối và đường đất. Ðến nay 100% xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến được trung tâm; trong đó có 121 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được các mùa trong năm (đạt tỷ lệ 93,8%); còn 8 xã đường ô tô chỉ đi được trong mùa khô (6,2%).
Với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa, phương án phòng, chống thiên tai và bảo đảm giao thông đã được chính quyền các cấp đẩy mạnh triển khai. Trong đó, chú trọng phương án chủ động, phòng ngừa; đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu, điểm dễ gây mất an toàn giao thông để chuẩn bị lực lượng, bố trí phương tiện, máy móc thiết bị, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ðiện Biên Ðông là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng do mưa lũ gây ra, nhất là đối với các tuyến đường liên xã. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 12 tuyến đường nội thị, liên xã với tổng chiều dài hơn 226km, song mới có gần 106km được bê tông hóa hoặc nhựa hóa. Hệ thống đường từ trung tâm các xã đến các bản, liên bản dài 527km hầu hết đường đất, đường dân sinh. Mới có 10/14 xã, thị trấn có đường ô tô đi được đến trung tâm xã các mùa trong năm; còn 4 xã chỉ đi được vào mùa khô.
Ông Ðinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Qua rà soát, thống kê, hiện nay toàn huyện có 3 tuyến xung yếu, với nhiều điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở cao trong mùa mưa, gồm: Háng Lìa - Tìa Dình; Phình Giàng - Pú Hồng; Na Son - Xa Dung. Ðây là những tuyến mặt đường đất và mặt đường cấp phối nhưng đã xuống cấp.
Ðể đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ, thời gian qua huyện Điện Biên Đông đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã tu sửa và thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng các tuyến đường, đặc biệt những vị trí có nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, huyện đã hợp đồng với các doanh nghiệp trên địa bàn tập trung nhân lực, vật lực, phương tiện tại các điểm xung yếu, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Trong đó chú trọng các tuyến: Na Son - Chóp Ly, ngã tư Phì Nhừ - Xa Dung, Phì Nhừ - Chiềng Sơ, Phình Giàng - Pú Hồng - Mường Nhà, Pá Vạt - Háng Lìa - Tìa Dình... Tại một số điểm, cung đường hay xảy ra sụt, sạt, chính quyền cơ sở thành lập tổ xung kích thường xuyên tuần tra nhằm phát hiện sớm sự cố để thông báo cho các cơ quan chức năng xử lý.
Các tuyến đường được bê tông hóa đảm bảo an toàn giao thông. |
Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có 6 tuyến quốc lộ với chiều dài hơn 620km và 8 tuyến tỉnh lộ có chiều dài hơn 212km. Qua rà soát các tuyến quốc lộ có khoảng 30 điểm có nguy cơ sạt lở cao; trong đó, quốc lộ 12 có 9 điểm, quốc lộ 4H có 13 điểm, quốc lộ 279C có 3 điểm và quốc lộ 6 có 5 điểm. Trên các tuyến tỉnh lộ có khoảng 24 điểm xung yếu cao chủ yếu trên các tuyến: Tỉnh lộ 140 (Huổi Lóng - Tủa Chùa), tỉnh lộ 143 (Noong Bua - Pú Nhi - Na Son), tỉnh lộ 145B (Km45 - Nà Hỳ) mỗi tuyến 3 điểm; tỉnh lộ 144B (quốc lộ 12 - Hừa Ngài - Nậm Nèn) có 5 điểm và tỉnh lộ 150 (Chà Tở - Chà Cang) có 10 điểm.
Ông Phạm Văn Phúc, Trưởng phòng Kỹ thuật - Quản lý giao thông (Sở Giao thông vận tải) cho biết: Quan điểm của Sở là luôn chủ động trong mọi tình huống thiên tai; khi xảy ra mưa, lũ sẽ kịp thời ứng cứu bảo đảm giao thông nhằm thông đường trong thời gian sớm nhất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Vì vậy, trước mùa mưa, Sở đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra các tuyến đường, rà soát cụ thể các vị trí xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Sau khi đã xác định các vị trí xung yếu, Sở yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ bảo đảm đường bộ, như: Công ty Cổ phần Ðường bộ II Ðiện Biên; Công ty Cổ phần Ðường bộ 226… chuẩn bị đầy đủ máy móc, nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” và trực đảm bảo giao thông 24/24 giờ để ứng cứu kịp thời.
Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Giao thông vận tải; bố trí lịch trực đảm bảo giao thông 24/24 giờ đối với lãnh đạo sở, các phòng, ban liên quan; tiến hành lập phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các tuyến đường do Sở được giao quản lý, bảo trì.
Khó khăn nhất hiện nay trong bảo đảm giao thông là nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Hiện nay, tại các huyện, thị xã hầu hết nguồn kinh phí đảm bảo giao thông chủ yếu từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương, trong khi nguồn kinh phí này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.