Chính sách thu hút đầu tư tại Nghệ An – Những điều bất cập: Bài 1: Nhiều KCN vắng nhà đầu tư
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 09:00, 24/04/2020
“Trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư
Để khuyến khích thu hút các dự án đầ u tư vào địa bàn tỉnh, trước đây HĐND tỉnh Nghệ An từng ban hành các Nghị quyết số 182/2007/NQ-HĐND ngày 25/07/2007 về một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 262/2009/NQ-HĐND ngày 23/7/2009 về sửa đổi, bổ sung một số một số điều của Quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An ban hành kèm theo Nghị quyết số 182/2007/NQ-HĐND ngày 25/07/2007 và số 304/2009/NQ-HĐND ngày 23/12/2009 về một số chính sách ưu đãi đầu tư trong Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã thay thế Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ đã có nhiều thay đổi.
Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư hàng năm là dịp tỉnh Nghệ An "trải thảm đỏ" đón các nhà đầu tư |
Để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh nhằm phù hợp với các quy định mới, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND, ngày 04 tháng 8 năm 2016 về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào Nghị quyết này thì các nhà đầu tư sẽ được “trải thảm đỏ” vào đầu tư tại tỉnh Nghệ An với những chính sách ưu đãi cực ký hấp dẫn.
Theo đó, nhà đầu tư sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ đến 50% chi phí thực hiện các thủ tục đầu tư trong bước chuẩn bị đầu tư theo hợp đồng, hóa đơn, chứng từ họp lệ nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động; Về san lấp mặt bằng, nếu nhà đầu tư tự bỏ vốn để thực hiện, sau khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động, căn cứ hồ sơ thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí san lấp mặt bằng nhưng tối đa không quá 30 tỷ đồng/dự án.
Đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các KCN, Khu công nghệ cao trong KKT Đông Nam: Được Ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; Khuyến khích các nhà đầu tư tự nguyện ứng trước kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Ngân sách tỉnh sẽ hoàn trả lại cho nhà đầu tư bằng tiền hàng năm, trong thời hạn 05 năm kể từ khi hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng; Đối với dự án nhà đầu tư tự nguyện ứng trước 100% kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ được ngân sách tỉnh hoàn trả trong thời hạn 03 năm kể từ khi hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng.
KCN Hoàng Mai 1 sau hơn hàng chục năm từ ngày khởi công vẫn hoang vắng nhà đầu tư |
Đặc biệt, UBND tỉnh Nghệ An còn xem xét quyết định chính sách hỗ trợ riêng đối với dự án đầu tư có số nộp ngân sách địa phương trên 300 tỷ đồng/năm (không tính thời gian vận hành thử) nhưng mức hỗ trợ san lấp mặt bằng không quá 60 tỷ đồng/ dự án.
Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng, quảng cáo, quảng bá giới thiệu hình ảnh trên các phương tiện truyền thông tỉnh; Hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án.
Hàng năm, tỉnh Nghệ An cũng sẽ xét khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong thu hút đầu tư. Các tổ chức, cá nhân (không thuộc biên chế các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh) có công vận động, kêu gọi được các dự án nước ngoài đầu tư vào tỉnh Nghệ An, sau khi dự án đi vào đầu tư xây dựng sẽ được tỉnh hỗ trợ xúc tiến đầu tư cao nhất lên đến 7 tỷ đồng…cũng rất nhiều ưu đãi khác để “trải thảm đỏ” thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh nhà.
Vẫn loay hoay bài toán “lấp đầy” KCN
Theo Ban quản lý KKT Đông Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 11 KCN lớn đã được quy hoạch xây dựng; trong đó, có 6 KCN đang xây dựng hoặc đã đi vào hoạt động gồm: KCN Bắc Vinh (60 ha); KCN Tân Kỳ (600 ha); KCN Nghĩa Đàn (200 ha); KCN Sông Dinh (300 ha); KCN Tri Lễ (200 ha); KCN Phủ Quỳ (300 ha) được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung vào danh mục các KCN ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Đặc biệt, Khu kinh tế Đông Nam với quy mô rộng 20.776,47 ha bao gồm: toàn bộ KCN Nam Cấm, KCN Hoàng Mai 1, KCN Hoàng Mai 2, KCN Đông Hồi, KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP và KCN - Đô thị Hemaraj. Nhìn chung cơ bản, các KCN sau khi đi vào hoạt động đã và đang góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho địa phương.
Phải khẳng định rằng, trong khoảng hơn mười năm trở lại đây tỉnh Nghệ An đã có cơ chế mở để “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư vào tỉnh nhà. Thế nhưng, thực tế hiện nay tại các KKT, KCN vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy. Có nghĩa là sau khi nhà đầu tư đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghiệp thì việc thu hút doanh nghiệp vào hoạt động lại diễn ra một cách chậm chạp. Thậm chí, nhiều diện tích tại các KCN trên địa bàn hiện nay đang bỏ hoang, gây lãng phí tư liệu sản xuất mà người dân trước đó đã nhường đất để giải phóng mặt bằng nhường đất cho xây dựng KCN.
Hạ tầng trong KCN Hoàng Mai 1 xuống cấp |
Đơn cử như Dự án KCN Hoàng Mai 1 được khởi công năm 2008 với tổng mức đầu tư 812 tỷ đồng, tổng diện tích quy hoạch là 289,67ha do Công ty CP Đầu tư KCN Hoàng Mai làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên định hướng quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ và là một trong những KCN được ghi vào danh mục các KCN ưu tiên phát triển.
Để triển khai dự án, chính quyền đã cho thu hồi hàng trăm héc ta đất nông nghiệp của người dân trên địa bàn các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Thiện của huyện Quỳnh Lưu (nay là thị xã Hoàng Mai). Đến năm 2016 dự án cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay KCN Hoàng Mai 1 vẫn đang “nằm chờ” các nhà đầu tư khi chỉ có lèo tèo vài nhà đầu tư đăng ký thuê đất, xây dựng và đi vào hoạt động.
Trước thực trạng trên, cuối năm 2017, Công ty CP đầu tư KCN Hoàng Mai đã phải làm thủ tục để chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất, cơ sở hạ tầng cho Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt có trụ sở tại quận Tây Hồ, Hà Nội làm chủ đầu tư mong “đổi vận” cho KCN này. Được biết, sau khi bàn giao cho chủ đầu tư mới thì KCN này sẽ có tổng mức đầu tư 740 tỷ đồng, và thay đổi quy mô từ 289,67 ha xuống còn 264,77 ha. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này tình hình vẫn chưa mấy sáng sủa.
Hay như KCN Đông Hồi được được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Quy hoạch chi tiết tại Quyết định sô 02/QĐ-UBND.CN, ngày 04/01/2010. KCN này đặt tại 2 xã Quỳnh Lập và Quỳnh Lộc (Thị xã Hoàng Mai) với diện tích 1.436 ha tổng vốn đầu tư dự kiến 5.388 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay KCN này cũng chỉ mới có lèo tèo vài dự án vào đâu tư như Nhà máy Hoa Sen Nghệ An – Công ty TNHH 1TV Hoa Sen Nghệ An; Bến cảng Thanh Thành Đạt thuộc cảng biển Đông Hồi – Công ty TNHH Thanh Thành Đạt; Nhà máy bánh kẹo Hải Châu II…Còn lại vẫn trống hàng nghìn héc ta đất.
Nghệ An đang bỏ phí tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh này |
KCN Nghĩa Đàn, tại xã Nghĩa Hội (huyện Nghĩa Đàn) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 từ tháng 11/2012, quy mô diện tích gần 250ha, do Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, viễn cảnh ảm đạm cũng đến với KCN này khi hiện nay mới chỉ có duy nhất 1 dự án đầu tư và đi vào hoạt động là Nhà máy chế biễn gỗ Nghệ An – Công ty CP lâm nghiệp Tháng Năm trên diện tích đất vẻn vẹn gần 40ha.
Hay như KCN VSIP Nghệ An tính đến tháng 3/2020 cũng mới chỉ có 8 dự án đi vào hoạt động, 7 dự án đang triển khai xây dựng và 5 dự án đang làm thủ tục sau cấp phép. Hiện, tổng diện tích cho thuê đất trong KCN này mới chỉ đạt 53,38ha/368ha đất. Một tỷ lệ đang rất thấp nếu so với những tiềm năng, thế mạnh cũng như các điều kiện lý tưởng cho nhà đầu tư thứ cấp mà KCN VSIP Nghệ An đang có.
Theo Báo cáo của tỉnh Nghệ An, tính đến tháng 3/2020, KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh này có 231 dự án còn hiệu lực. Tuy nhiên, mới chỉ có 137 dự án đi vào hoạt động; 37 dự án đang triển khai và có tới 57 dự án chưa triển khai. Tính đến năm 2019, các doanh nghiệp KKT, các KCN nộp ngân sách 1.962 tỷ đồng, chiếm vẻn vẹn khoảng 13% tổng thu ngân sách toàn tỉnh – Một con số quá khiêm tốn so với kỳ vọng.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các KCN “mỏi mắt” ngong chờ nhà đầu tư là do năng lực tài chính của nhà đầu tư KCN không đảm bảo; quá trình thi công xây dựng gặp phải vướng mắc do việc điều chỉnh các văn bản chính sách. Mặt khác, các doanh nghiệp lại cho rằng hạ tầng kỹ thuật của các KCN hiện nay vẫn chưa đồng bộ. Nhiều khu công nghiệp ở Nghệ An vẫn còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, giao thông, nước sinh hoạt, cơ chế chính sách thay đổi liên tục.