Sớm hoàn thiện 2 Dự thảo Nghị định về đất đai
Đất đai - Ngày đăng : 16:52, 23/04/2020
Tham dự có đại diện lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường, Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ.
Các đại biểu tại cuộc họp trực tuyến về hoàn thiện 2 Dự thảo Nghị định về đất đai |
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, dự thảo 2 Nghị định đã được hoàn thiện và xin ý kiến các thành viên Chính phủ thông qua.
Ngày 06/12/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 6512/BTNMT-TCQLĐĐ gửi Văn phòng Chính phủ xem xét, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Ngày 08/4/2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2717/VPCP-NN về việc góp ý dự thảo hai Nghị định.
Theo Công văn số 2717 thì dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai có 05 nhóm vấn đề cần giải trình. Cụ thể là làm rõ sự cần thiết và tính khả thi của việc ban hành Nghị định như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 390/TB-VPCP ngày 5/10/2018; Rà soát, xác định tính đặc thù của giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai so với quy định hiện hành của pháp luật về giao dịch điện tử, thực tiễn thực hiện thủ tục hành chính công trên môi trường điện tử;
Bên cạnh đó, về biểu mẫu điện tử, đề nghị xem xét chỉnh sửa theo hướng sử dụng các biểu mẫu điện tử và tự động điền biểu mẫu điện tử thay vì cung cấp mẫu tải về để điền thông tin; Về mã hồ sơ giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai: Đề nghị điều chỉnh khoản 3, Điều 3 của dự thảo Nghị định GDĐT để phù hợp với Điều 26 của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;
Ngoài ra, về sửa một số lỗi kỹ thuật trong dự thảo Nghị đinh, đề nghị sửa lại điểm c khoản 2 Điều 22 “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thống nhất với Bộ Tư pháp ban hành quy định kỹ thuật thực hiện giao dịch điện tử đối với trường hợp thực hiện giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất” theo hướng “Bộ TNMT chủ trì, thống nhất với Bộ Tư pháp ban hành quy định hướng dẫn thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua giao dịch điện tử” để phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Về dự thảo Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai, theo Công văn số 2717 thì dự thảo Nghị định GDĐT có 03 nhóm vấn đề cần giải trình. Cụ thể, về trình tự thủ tục, Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định theo đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về nội dung, tên gọi: Bảo đảm nội dung, tên gọi Nghị định phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018, quy định của Luật Đất đai, Luật Công nghệ thông tin, các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Về tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu ý kiến của các Bộ Tư pháp, Bộ Tài Chính, Bộ Thông tin và Truyền thông để hoàn thiện dự thảo Nghị định này.
Cũng theo ông Mai Văn Phấn, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Công văn số 2717, Tổng cục đã xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu hoàn thiện 2 Dự thảo Nghị định này.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến Công văn số 2717/VPCP-NN của Tổng cục Quản lý đất đai. Đồng thời, cũng đề nghị Tổng cục rà soát lại 2 dự thảo Nghị định cho phù hợp với tình hình thực tế vì từ năm 2016 tới nay, hệ thống pháp luật về an ninh mạng, cấu trúc chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính điện tử đã có nhiều thay đổi.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đánh giá cao Tổng cục Quản lý đai trong việc giải trình, tiếp thu hoàn thiện 2 Dự thảo Nghị định theo Công văn 2717 của Văn phòng Chính phủ.
Thứ trưởng đề nghị, Tổng cục cần cũng chủ động rà soát các quy định pháp luật có liên quan về công nghệ thông tin, an ninh mạng, cơ sở dự liệu… ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu để sớm trình Chính phủ. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện 2 Dự thảo Nghị định.