Đào tạo trực tuyến của các trường ngành TN&MT: Giảng viên nâng cao kỹ năng; học viên, sinh viên thúc đẩy ý thức tự học
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 12:44, 23/04/2020
Theo nhận định của nhiều trường, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để giúp các thầy cô nâng cao kỹ năng giảng dạy cũng như học hỏi nhiều điều mới mẻ từ hình thức học này, góp phần thúc đẩy khả năng tự học của sinh viên, học viên.
Trong thời gian qua, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Thủ tướng Chính phủ và của Lãnh đạo Bộ TN&MT, các trường trực thuộc Bộ TN&MT (gồm: Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường, Trường Đại học TN&MT Hà Nội, Phân hiệu trường Đại học TN&MT Hà Nội tại Thanh Hóa và Trường Đại học TN&MT TP.HCM) đã triển khai hình thức đào tạo trực tuyến và bước đầu nhận được những phản hồi đa chiều từ phía giảng viên, báo cáo viên cũng như sinh viên, học viên.
Nhóm PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo cũng như các cán bộ giảng viên và sinh viên của các trường và ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá về phương pháp đào tạo trực tuyến.
PGS.TS. Huỳnh Quyền - Phó Hiệu trưởng Điều hành Trường Đại học TN&MT TP.HCM: "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị"
Với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Giám hiệu Nhà trường cùng với sự ủng hộ của các cán bộ giảng dạy và các đơn vị nên việc triển khai thực hiện theo phương pháp giảng dạy trực tuyến tại Trường đã có nhiều thuận lợi. Nhiều cán bộ giảng dạy cũng đã chủ động, phối hợp với Phòng Thông tin Truyền thông của Trường xây dựng các bài giảng dưới dạng Youtube với sự giám sát của Ban Giám hiệu Nhà Trường.
Bước đầu, Trường Đại học TN&MT TP.HCM đã thực hiện thí điểm giảng dạy thành công cho 2 lớp Khoa Môi trường và theo kế hoạch thông báo của Nhà trường thì đến ngày 20/4/2020, tất cả các lớp học trực tuyến đủ điều kiện sẽ được Nhà trường triển khai với nhiều hình thức như: ghi hình bài giảng, giảng dạy trực tuyến bằng ứng dụng TranS, MS Teams; và kế hoạch giảng dạy của Trường cũng sẽ được triển khai theo kế hoạch của học kỳ 2, năm học 2019 - 2020
Ngoài các lớp học chính quy đã được đăng ký dạy và học theo phương pháp trực tuyến, Nhà trường còn khuyến khích các giảng viên triển khai thực hiện áp dụng phương pháp này trong hoạt động để hướng dẫn đồ án - khóa luận cho sinh viên. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các sinh viên trong việc trả chi phí 3G, Internet trong quá trình tham gia học trực tuyến, Nhà trường cũng đã quyết định giảm 10% học phí cho các học phần được triển khai dạy bằng phương pháp trực tuyến.
PGS.TS. Huỳnh Quyền - Phó Hiệu trưởng Điều hành Trường Đại học TN&MT TP.HCM |
Song song với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học trực tuyến, hiện nay, hoạt động điều hành, triển khai các công tác đặt ra theo kế hoạch của Nhà trường vẫn tiếp tục được duy trì và ổn định thông qua lịch làm việc trực tuyến đối với các cuộc họp giao ban tuần, tháng và các cuộc họp chuyên môn từng đơn vị, triển khai các công tác trọng tâm năm học 2020 - 2021. Hiện tại, 100% cán bộ, giảng viên Nhà trường đã được hướng dẫn, tập huấn sử dụng ứng dụng Trans, MS Team… để phục vụ cho việc triển khai công việc theo nhiệm vụ được giao.
Cũng như các tổ chức giáo dục đại học khác trên cả nước, chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch học tập giảng dạy của Nhà trường cũng chịu sự tác động lớn. Tuy nhiên, với sự chủ động, sáng tạo và sự đồng thuận của toàn bộ cán bộ Nhà trường đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và quản trị đại học đã tháo gỡ một phần khó khăn; đồng thời, thực hiện được chủ trương của Nhà trường về việc nhanh chóng thay đổi, hội nhập, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, giảng dạy và học tập theo xu hướng áp dụng công nghệ thông tin, một xu hướng tất yếu mà các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hướng đến.
Ông Nguyễn Đức Toàn - Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường: "Đào tạo, bồi dưỡng - Chất lượng là tiêu chí hàng đầu"
Với vai trò là đầu mối triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong ngành, Trường luôn xác định chất lượng là tiêu chí hàng đầu, là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại vững chắc và phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai. Do đó, trường đã chủ động phối hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ, kỹ thuật phù hợp để thiết kế, xây dựng và nhanh chóng đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử kết nối với Cổng Đào tạo trực tuyến (E-learning) của Trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên có thể chủ động học tập mọi lúc, mọi nơi thông qua các phương tiện trợ giúp như: Máy tính, thiết bị di động.
Việc chuyển đổi số các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ triển khai E-learning yêu cầu thời gian và tương đối phức tạp do phải đảm bảo thuận lợi nhất cho học viên có thể truy cập từ nhiều thiết bị khác nhau như máy tính, điện thoại Anroid, iOS với giao diện, tính năng được thiết kế riêng biệt phù hợp với điều kiện cụ thể của Trường, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của lớp học và của học viên.
Đào tạo trực tuyến sẽ tạo điều kiện cho học viên có thể chủ động học tập mọi lúc, mọi nơi nơi thông qua các phương tiện trợ giúp như: Máy tính, thiết bị di động; đáp ứng tối đa nhu cầu học tập ngay cả khi giảng viên, học viên phải bận công tác hoặc học viên phân tán, rải rác tại các địa phương, đơn vị khác nhau.
Ông Nguyễn Đức Toàn - Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường |
Sau khi kết thúc mỗi chuyên đề/nội dung giảng dạy, học viên có thể dễ dàng truy cập để tự ôn tập, rèn luyện lại các kiến thức đã được truyền đạt thông qua video bài giảng, học liệu điện tử, các câu hỏi thường gặp và một số câu hỏi trắc nghiệm tổng quan về bài học.
Đối với hình thức dạy học trực tuyến sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức các hình thức như bài tập nhóm, đóng vai tình huống, tham quan thực tế hoặc những nội dung cần sự hướng dẫn cụ thể của giảng viên với từng vấn đề riêng của học viên/nhóm học viên phát sinh trong quá trình trao đổi, thảo luận trên lớp.
Đây cũng là một bước tiến trong quá trình không ngừng đổi mới, cải tiến mô hình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng của Trường nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với nhiều đối tượng học viên. Do đó, Trường tin tưởng với những thuận lợi của việc học trực tuyến đem lại, cả người dạy và người học sẽ hào hứng với phương pháp dạy học này.
PGS. TS Hoàng Anh Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: "Đào tạo trực tuyến không chỉ trong bối cảnh dịch Covid-19, mà góp phần đa dạng hóa phương thức đạo tạo cho tương lai"
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản hướng dẫn về dạy học trực tuyến. Đối với đại học, Bộ đã có văn bản 795 ngày 13/3 về việc triển khai công tác đào tạo từ xa và văn bản 988 ngày 23/3 về việc bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Trên cơ sở hai văn bản này trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xây dựng và ban hành quy chế đào tạo trực tuyến đối với các hệ đào tạo trong nhà trường.
PGS. TS Hoàng Anh Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội |
Trong đó, nhà trường tập trung đến việc quản lý hệ thống đào tạo trực tuyến (bao gồm hệ thống quản lý học tập và hệ thống quản lý nội dung học tập); tổ chức và quản lý được quá trình tổ chức dạy - học, tương tác đồng bộ giữa giảng viên, sinh viên, cán bộ quản lý… đảm bảo chuẩn đầu ra của từng học phần. Người học phải có đủ học liệu theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Giám sát được quá trình tổ chức đào tạo, có hệ thống thi và kiểm tra đánh giá trực tuyến đảm bảo trung thực, khách quan theo yêu cầu chuẩn đầu ra của từng học phần; lưu được hồ sơ quản lý học tập của từng sinh viên… Đến nay, nhà trường đã triển khai đào tạo trực tuyến đến tất cả các khóa đào tạo chính quy trong toàn trường.
Nhà trường hy vọng với sự thành công trong việc đào tạo trực tuyến, trong thời gian tới phương thức đào tạo của trường sẽ đa dạng hơn, học viên, sinh viên có nhiều lựa chọn hơn trong quá trình học tập. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Ông Nguyễn Hoản – Thường trực Ban Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học TN&MT Hà Nội:
"Đào tạo trực tuyến như một “gia vị” trong bữa ăn"
Việc tiến hành phương thức dạy học trực tuyến sẽ giảm tải, tiết kiệm thời gian đi lại, tận dụng được tính năng đa phương tiện, sinh hoạt cá nhân, sinh viên có thể tranh thủ khi không học có thể giúp gia đình và giảm tải các việc ngoài lề. Bên cạnh đó, các thầy cô không phải ra ngoài khi không cần thiết trong mùa dịch này.
Nhưng với hình thức dạy học trực tuyến, tính tương tác sẽ ít hơn so với việc học ngoại tuyến và đòi hỏi giáo viên phải có sự kiểm soát lớp học tốt, quan sát từng em rất kĩ.
Xét về khía cạnh nào đó, phương thức dạy học mới này có thể giúp cho các bạn sinh viên sẽ tự tin hơn, vì nhiều bạn nhút nhát không dám trình bày giữa đám đông, nhưng khi học online thì mạnh dạn phát biểu hơn.
Ông Nguyễn Hoản – Thường trực Ban Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học TN&MT Hà Nội |
Hình thức đào tạo trực tuyến như một “gia vị” trong một bữa ăn chứ không thể thay thế hoàn toàn được các món trong bữa ăn. Phương thức dạy học này hiện là phương pháp tạm thời trong giai đoạn dịch hiện này, còn đánh giá về tính hiệu quả của nhiều môn học, nhất là đối với các môn học phải thực hành, có tính tương tác cao thì phương pháp dạy học trực tiếp về cơ bản sẽ tốt hơn.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc, nhà trường vẫn có thể sẽ linh hoạt thực hiện một số tiết học dành cho đào tạo online bởi qua triển khai một thời gian, nhà trường nhận thấy phương phap học này cũng có những ưu điểm nhất định với một số học phần, ngoài ra lựa chọn học online một số học phần cũng góp phần giúp hạn chế người học ra ngoài khi giờ cao điểm nhằm góp phần làm hạn chế tắc đường và giảm ô nhiễm môi trường.
"Mở rộng mô hình E-learning ra các hình thức đào tạo khác"
Song song với triển khai mô hình E-learning với đào tạo bậc Đại học, Sau Đại học chính quy tại trường Đại học TN&MT Hà Nội, hiện nay mô hình này đã được triển khai tại Trung tâm giáo dục thường xuyên của Nhà trường. Là một trung tâm, ngoài thực hiện chức năng quản lý các hệ vừa học vừa làm, trung tâm còn thực hiện tổ chức nhiều lớp đào tạo ngắn hạn và cấp chứng chỉ như: Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp Tài nguyên và Môi trường; thi cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT và các lĩnh vực khác.
Trung tâm đã nhanh chóng xây dựng đề án và phòng học online đạt tiêu chuẩn, sử dụng nền tảng LMS phiên bản mới nhất để phục vụ các học viên, đặc biệt là những cán bộ công chức, viên chức có thể ngồi nhà học Online, nhận chứng chỉ như học ngoại tuyến mà không cần phải đến trung tâm học.
Bà Trần Thị Thanh Huyền – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo thuộc Phân hiệu Đại học TN&MT Hà Nội tại Thanh Hoá: "Mang lớp học đến với sinh viên trong mùa dịch Covid-19"
Trước bối cảnh dịch còn diễn biến khó lường, Phân hiệu Trường Đại Học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện công khai các quy định về đào tạo trực tuyến của trường trên trang thông tin điện tử của Phân hiệu. Bên cạnh đó, trường cũng chủ động cung cấp dữ liệu của giảng viên, sinh viên tham gia đào tạo trực tuyến về Trường Đại học TN&MT Hà Nội để Trung tâm công nghệ thông tin xây dựng dữ liệu và quản lý tài khoản và danh sách giảng viên, sinh viên.
Trường cũng đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho giảng viên và có những tiết giảng dạy thử để từ đó đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm. Kiểm tra, giám sát các hoạt động đào tạo trực tuyến của giảng viên, các khoa/bộ môn.
Ngoài ra, trường còn tích cực triển khai các khoa chuyên môn và sinh viên về công tác đào tạo trực tuyến của Phân hiệu, đồng thời tiến hành khảo sát sinh viên về việc đào tạo trực tuyến để nắm rõ những khó khăn của sinh viên, đồng thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về hình thức dạy học mới này…
Bước đầu thấy sinh viên rất hào hứng với việc đào tạo trực tuyến do được cung cấp nguồn tài liệu mở rất đa dạng và hấp dẫn như: các video khác nhau, các bài báo nghiên cứu, nhiều ebook, nhiều đường link phù hợp với từng bài học hay chủ đề. Giảng viên cho rằng đây là một phương pháp giảng dạy hay có thể cung cấp cho sinh viên nguồn tài liệu phong phú, sinh động; tăng cương tính chủ động và tương tác của sinh viên; cách thức kiểm tra và đánh giá sinh viên khi học E-learning rất chính xác và công bằng.