Ứng phó với BĐKH - “Biết bệnh để liệu thuốc”!

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:37, 23/04/2020

(TN&MT) - Theo dự báo, trong tương lai khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục và thường xuyên phải chịu nhiều áp lực từ những yếu tố cực đoan do BĐKH. Từ thực tế đó, nhiều cơ quan ban ngành, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả đối với BĐKH, góp phần phát triển khu vực ĐBSCL bền vững.

Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ:

Các địa phương “đồng tâm hiệp lực” để phát triển bền vững

Để phát triển bền vững Khu vực ĐBSCL theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, mỗi tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL chắc chắn không thể hành động riêng lẻ mà phải nhất quán, “đồng tâm hiệp lực” một cách sâu sắc để đạt được mục tiêu nêu trên. Sau Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP.

Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ

Chỉ thị số 23/CT-TTg đã đưa ra các nhiệm vụ quan trọng, then chốt cho khu vực ĐBSCL. Vì vậy, để cùng với các Bộ, ngành Trung ương thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg, một số vấn đề mà các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần chung tay thực hiện trong thời gian tới là tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng thể chế điều phối vùng, liên kết và chủ động tham vấn giữa các tỉnh, thành phố trong vùng trong hoạch định cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết nối sản xuất và tiêu thụ sản xuất.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL như: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và TP. Cần Thơ thời gian tới phải cùng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động liên kết phối hợp toàn vùng trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, tạo động lực để liên kết tất cả các tỉnh, thành phố trong toàn khu vực ĐBSCL; đề xuất lĩnh vực đầu tư phát triển mang tính liên vùng. Trong đó, quan tâm đến hạ tầng giao thông, logicstic, hạ tầng công trình thủy lợi chống sạt lở, xâm nhập mặn...

Còn về vấn đề suy giảm nguồn nước do ảnh hưởng của các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công và khai thác cát sông trái phép đang gây ra nhiều hệ lụy. Do đó các tỉnh, thành phố trong vùng cần hành động đồng lòng, mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời, phối hợp vận động thu hút các nguồn tài trợ quốc tế với những dự án về bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố trong vùng; đặc biệt, chú trọng các dự án về sinh kế cho người dân của vùng.

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang:

Tăng cường áp dụng công nghệ 4.0 trong dự báo, cảnh báo

Để ứng phó hiệu quả với BĐKH, công tác tuyên truyền luôn được tỉnh Hậu Giang xem là giải pháp gốc để triển khai thực hiện nhằm giúp các địa phương, người dân nắm bắt kịp thời diễn biến của các loại hình thiên tai, từ đó, chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả. Tỉnh Hậu Giang cũng tăng cường áp dụng công nghệ 4.0 trong công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi diễn biến xâm nhập mặn, sạt lở để ứng phó.

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

Đồng thời, tỉnh Hậu Giang còn thường xuyên duy tu, sửa chữa, nạo vét các công trình thủy lợi đã xuống cấp nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, quyết không cho mặn xâm nhập vào nội đồng; xây dựng hồ lưu chứa nước ngọt; chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng; xây dựng mô hình sinh kế phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH”.

PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ:

Chuyển đổi sản xuất, áp dụng biện pháp tiết kiệm nước

Trước tác động từ BĐKH và nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê Công, trong tương lai, khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục thường xuyên chịu 2 áp lực, đó là ở những năm mưa tập trung và nhiều sẽ có nguy cơ ngập lũ cao hơn, còn những năm mưa ít, lũ kết thúc sớm như năm nay, sẽ bị khô hạn và xâm nhập mặn. Do đó, trong sản xuất một mặt chuyển đổi và áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước, một mặt đa dạng hóa việc sử dụng các nguồn nước.

PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ

Ví dụ các nhà máy cấp nước xem xét thời gian nào trong năm sử dụng nguồn nước sông, thời gian nào sử dụng nước trong các khu trữ và thời gian nào bắt buộc phải dùng nước ngầm. Tại các khu trữ nước phục vụ cấp nước sinh hoạt, cần đặc biệt lưu ý về các nguồn thải xung quanh cũng như biện pháp hạn chế nguồn thải ô nhiễm vào khu vực trữ. Còn ở vùng nông thôn, nơi hệ thống cấp nước sạch còn hạn chế, nên khuyến khích người dân trữ nước sông để tưới tiêu và sử dụng nước mưa để sinh hoạt, hạn chế khai thác nước ngầm.

Về lâu dài, cần có một quy hoạch nguồn nước Khu vực ĐBSCL trên quan điểm cân bằng tối ưu giữa nguồn nước và sử dụng nước. Trong đó, cần tối ưu hiệu quả sử dụng nước mặn ngọt và bảo vệ nguồn nước ngầm. Việc xây dựng mạng lưới cấp nguồn nước ngọt từ thượng nguồn xuống các tỉnh ven biển cũng là một giải pháp lâu dài. Tuy vậy, cần phải tính kỹ về giá thành cũng như các rủi ro trong quá trình vận hành hệ thống. Song song đó, cần có quy hoạch dài hạn hệ thống hồ trữ phân tán ở các địa phương, đặc biệt, vùng ven biển và Bán đảo Cà Mau, nơi rất xa nguồn nước sông.

TS. Dương Văn Ni - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ:

Xây dựng phương án “thuận thiên” phù hợp với từng địa phương

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã “cởi trói” cho vùng ĐBSCL một cách tích cực. Ngày xưa đưa nước mặn vào vùng ngọt hoá ở Cà Mau không được vì đây là vùng để trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng giờ đây, Nghị quyết số 120/NQ-CP cho phép khu vực ĐBSCL uyển chuyển tùy theo tình huống ở từng địa phương.

TS. Dương Văn Ni - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ

Ví dụ: Với khu vực huyện Trần Văn Thời đi ra Hòn Đá Bạc không thể có cách nào để đưa nước ngọt từ sông Hậu xuống tới đó, vậy phải chọn phương án sống xen canh giữa mặn với ngọt như trước đây người dân đã từng sống, mùa nắng đưa nước mặn vào nuôi cá, nuôi tôm, cua, đến mùa mưa thì xổ ra để trồng lúa. Có thể nói rằng, các địa phương cần xây dựng phương án “thuận thiên” cho phù hợp, mỗi địa phương phải có một công thức và cách tính toán riêng, nhưng vẫn phải theo hướng thích nghi và đa dạng hóa cây trồng vật nuôi.

Ths. Kỷ Quang Vinh - nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ:

Triển khai thực hiện các giải pháp tích trữ nước cho cả vùng

Hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở đều có liên quan đến chế độ nguồn nước và cách sử dụng nguồn nước. Vì vậy, để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nước, nhiệm vụ đặt ra đối với cơ quan quản lý có thẩm quyền là xem xét cải tạo lại vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười để giữ nước. Khi đã cải tạo được 2 vùng này có thể lưu chứa được từ 10 - 15 tỷ m3 nước kết hợp cùng các biện pháp trữ nước trong các kênh mương, lu, khạp... người dân ở ĐBSCL sẽ có nước sử dụng được từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm.

Ths. Kỷ Quang Vinh - nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ

Nếu chúng ta ứng phó được với hạn hán, tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún không còn là vấn đề quan trọng, vì lúc nào mình cũng có nước để đẩy mặn ra ngoài biển; tranh chấp ngọt - mặn sẽ đi xa ra ngoài biển hơn và hạn chế được việc khai thác nước ngầm. Những năm gần đây, tại các tỉnh, thành như: Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt. Do đó, nếu được các Bộ, ngành và địa phương xem xét nghiên cứu xây dựng hệ thống đê bao dọc sông Hậu để các địa phương chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; đồng thời, khi xảy ra ngập lụt thì đóng lại để bảo vệ người dân phía trong.

Việt Hùng