Gỡ “nút thắt” khơi thông nguồn lực đất đai
Đất đai - Ngày đăng : 09:48, 23/04/2020
UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, từ năm 2013 đến nay, công tác quản lý đất đai nói chung việc triển khai Luật Đất đai 2013 nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đất đai đúng quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; tổ chức tuyên truyền; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN). Triển khai lập, rà soát điều chỉnh quy hoạch kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cải cách hành chính…
Đặc biệt, việc giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích, đấu giá quyền sử dụng đất đã góp phần quan trọng trong việc tăng nguồn thu cho Ngân sách địa phương tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2015 tỉnh thu trên 174 tỷ đồng, đến năm 2019 tỉnh thu trên 669 tỷ đồng…
Cao Bằng còn nhiều điểm vướng cần khắc phục khi triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 |
Tuy vậy, bên cạnh những những kết quả đã đạt được, tỉnh gặp một số khó khăn khi triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tại Khoản 5, Điều 21, Thông tư số 25/2014 ngày 19/5/2014 của Bộ TN&MT quy định về bản đồ địa chính quy định: “Trường hợp và trích đo địa chính thửa đất thì không phải lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhưng phải lập phương án thi công và được cơ quan quyết định, đầu tư phê duyệt”.
Theo đó, các trường hợp trích đo địa chính, chỉnh lý bản đồ địa chính sử dụng vốn ngân sách đều phải lập phương án thi công và xây dựng đơn giá sản phẩm đo đạc theo định mức kỹ thuật của ngành và quy định của Bộ Tài chính; phương án thi công do Sở TN&MT thẩm định và phải được cơ quan quyết định đầu tư phê duyệt mới được phép thực hiện.
Tuy vậy, đối với các công trình có quy mô diện tích nhỏ (dưới 0,5 ha), kinh phi đo đạc thấp phải thực hiện nhiều thủ tục, mất thời gian và chi phí gây ảnh hưởng đến tiến độ công tác trích đo phục vụ giải phóng mặt bằng.
Còn tại Khoản 5, Điều 20, Nghị định 43/2014 quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Đất đai quy định: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức thuê đất của Nhà nước đối với diện tích đất đang sử dụng; thời hạn thuê đất được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 126 và Khoản 4, Điều 210 của Luật Đất đai.
Song, tỉnh Cao Bằng là tỉnh miền núi, đất nông nghiệp, nhất là đất rừng chiếm tỷ lệ lớn, kinh tế - xã hội còn nghèo, công nhân viên chức ngoài công việc Nhà nước vẫn sản xuất nông nghiệp để đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, nguồn gốc sử dụng đất chủ yếu do ông cha để lại từ lâu đời, nên việc quy định hộ không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải chuyển sang thuê thì người dân không đồng thuận, khó thực hiện.
UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị, Bộ TN&MT có hướng dẫn cụ thể hơn về khái niệm “Hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp”, sửa đổi Khoản 5, Điều 20, Nghị định 43 theo hướng giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn cụ thể vè việc xác định giá chuyển nhượng phổ biến trên thị trường trong điều kiện tự nhiên để có căn cứ xác định giá đất; hỗ trợ kinh phi cho dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai…
Đồng thời, đề nghị Bộ TN&MT xem xét hỗ trợ cụ thể hơn đối với các công trình trích đo địa chính, chỉnh lý bản đồ địa chính có quy mô nhỏ, hoặc cho lồng ghép nội dung: Khối lượng thực hiện; giải pháp kỹ thuật về trích đo địa chính, chỉnh lý bản đồ địa chính; dự toán kinh phi vào hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn nhằm tạo điều kiện cho các bên khi triển khai thực hiện các công trình này.