Thành lập Liên minh “chấm dứt buôn bán động vật hoang dã”

Môi trường - Ngày đăng : 13:04, 22/04/2020

(TN&MT) - Các tổ chức WildAid, Global Wildlife Conservation và Wildlife Conservation Society (WCS) vừa thành lập liên minh “Chấm dứt buôn bán động vật hoang dã" (#endthetrade) với quy mô toàn cầu. Sau hơn một ngày ra mắt, Liên minh đã thu hút hơn 158 tổ chức bảo tồn tham gia ký kết.

Liên minh #endthetrade đang kêu gọi toàn thể công chúng ký Tuyên bố chấm dứt hoạt động thương mại về động vật hoang dã (Ảnh minh họa)

Kỳ vọng vào chiến dịch #endthetrade

Hoạt động buôn bán động vật hoang dã trên toàn cầu đã tạo điều kiện cho các đại dịch thảm khốc và chết chóc như COVID-19 diễn ra. Để ngăn chặn một đại dịch tương tự, các tổ chức WildAid, Global Wildlife Conservation và Wildlife Conservation Society (WCS) đã thành lập Liên minh “Chấm dứt buôn bán động vật hoang dã" (#endthetrade) với quy mô toàn cầu để kêu gọi chấm dứt vĩnh viễn việc kinh doanh và buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim và động vật có vú tại các thị trường tiêu thụ thông qua trang https://endthetrade.com/.

Là một trong những tổ chức đầu tiên ở Việt Nam ký vào bản tuyên bố chấm dứt hoạt động thương mại này, đại diện cho tổ chức CHANGE, Giám đốc Hoàng Thị Minh Hồng chia sẻ: “Tôi thật sự rất kỳ vọng vào chiến dịch #endthetrade này sẽ thu hút được sự quan tâm rộng khắp để thúc đẩy các chính phủ trên toàn thế giới cấm vĩnh viễn việc buôn bán động vật hoang dã. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa các đại dịch toàn cầu với thói quen tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD), và do Việt Nam chúng ta vẫn luôn là điểm nóng về tiêu thụ và vận chuyển ĐVHD trái phép, tôi nghĩ đây chính là thời điểm chúng ta phải hành động cương quyết để chấm dứt tình trạng này. Tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ sớm đưa ra lệnh cấm, vừa để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, vừa thể hiện rõ quyết tâm của nước ta đóng góp vào nỗ lực toàn cầu phòng tránh các dịch bệnh tương tự trong tương lai. Nước ta đã rất thành công trong việc đối phó với dịch bệnh, nhưng tôi cũng hy vọng là dịch bệnh Covid-19 này đã cho tất cả chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc sống hoà thuận với thiên nhiên và muôn loài”.

Liên minh #endthetrade cũng đã hợp tác với Ủy ban châu Âu để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vào tiến trình xây dựng một mạng lưới tiếng nói toàn cầu về cuộc khủng hoảng buôn bán động vật hoang dã này. Bà Jutta Urpilainen, Ủy viên Hội đồng đối tác quốc tế của EU cho biết “Tôi tin rằng, hợp tác giữa các tổ chức là cách duy nhất để giải quyết các khủng hoảng toàn cầu. Liên minh châu Âu cam kết chống nạn buôn bán động vật hoang dã và thực hiện “Thỏa thuận Xanh”.

 Theo ông Peter Knights, Giám đốc điều hành của tổ chức WildAid, “Việc huy động sức mạnh toàn cầu để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã là hành động cấp bách nhất mà chúng ta có thể thực hiện ngay hôm nay, để đảm bảo một đại dịch như COVID-19 không bao giờ xảy ra nữa,” “Nếu bạn quan tâm đến sức khỏe của mình, bạn nên quan tâm đến việc bảo tồn động vật hoang dã”.

Ký Tuyên bố chấm dứt hoạt động thương mại

Theo một cuộc khảo sát của Đại học Bắc Kinh, trong số hơn 100.000 cư dân Trung Quốc được hỏi, gần 97% phản đối việc ăn thịt động vật hoang dã. Với mục tiêu thu thập hơn 1 triệu chữ ký, Liên minh #endthetrade đang kêu gọi các nhà bảo tồn, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế, và toàn thể công chúng cùng tham gia thúc đẩy sự chuyển dịch mô hình toàn cầu để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, bằng cách ký Tuyên bố chấm dứt hoạt động thương mại.

Bản kiến nghị này sẽ được tổng hợp gửi tới chính phủ các quốc gia để kêu gọi việc ban hành luật pháp phù hợp để chấm dứt vĩnh viễn hoạt động thương mại và buôn bán động vật hoang dã trên cạn tại các thị trường, đặc biệt với mục đích tiêu thụ; trao quyền cho các cơ quan có liên quan để thực thi pháp luật và xây dựng các biện pháp chuyển dịch có đạo đức và công bằng cho những người có sinh kế bị ảnh hưởng trong chuỗi thương mại.

 Những khuyến nghị này không bao gồm hoạt động săn bắn như một sinh kế của người dân bản địa và cộng đồng địa phương cho tiêu thụ cấp hộ gia đình và/ hoặc hoạt động thuộc bản sắc văn hóa. Nếu con người ăn thịt động vật hoang dã vì họ không có lựa chọn khác, thì chính phủ phải cam kết sẽ đảm bảo cho họ có thể tiếp cận thực phẩm từ động vật hoặc thực vật được sản xuất bền vững, cung cấp cho họ thực phẩm chất lượng cao đáng tin cậy và an toàn vệ sinh, đồng thời giảm nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh từ động vật mới. Chính phủ các quốc gia phải phát triển các biện pháp chuyển dịch có đạo đức và công bằng cho các loài động vật hiện đang bị buôn bán, cũng như những người làm việc trong chuỗi thương mại này.

 Trong số các chiến lược đề ra, Liên minh #endthetrade đang hỗ trợ các khu bảo tồn thiên nhiên tăng hiệu quả quản lý, giúp giảm thiểu nạn buôn bán động vật hoang dã cũng như sự lây lan của mầm bệnh từ động vật hoang dã. Chiến lược này sẽ hỗ trợ các địa bàn thực địa kiểm tra và giám sát sự bùng phát mầm bệnh ở các cán bộ tuyến đầu để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của họ, cũng như giảm nguy cơ lây truyền trở lại tự nhiên, đặc biệt là lây cho loài linh trưởng lớn do chúng có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngoài ra, chiến lược này cũng tạo một cơ chế phản ứng nhanh giúp duy trì sinh kế của các cộng đồng dễ bị tổn thương và các kiểm lâm để họ có thể tiếp tục bảo vệ các hệ sinh thái có giá trị cao.

Ông Cristián Samper, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của WCS, cho biết: “Bằng việc công nhận các đại dịch lây nhiễm từ động vật là một trong ba cuộc khủng hoảng tồn vong có liên quan đến nhau mà nhân loại đã tạo ra, bên cạnh biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, chúng ta đang thực hiện bước đi quan trọng đầu tiên trong hành trình giải quyết tất cả những vấn đề này, và mang tới một bước ngoặt cho hành tinh. Bây giờ, chúng ta cần một sự thay đổi căn bản trong khái niệm toàn cầu về buôn bán động vật hoang dã”.

Tống Minh