Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021
Trong nước - Ngày đăng : 13:28, 21/04/2020
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì nội dung làm việc sáng 21/4. Ảnh: Quang Khánh |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nguyên tắc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020 ưu tiên đề xuất vào Chương trình các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, 9, 10 và 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện Chương trình, tránh dồn quá nhiều dự án vào Chương trình năm 2020, dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoặc vào kỳ họp cuối năm nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo và thẩm định, thẩm tra; đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, có “độ mở” nhất định để có thể đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc đưa các dự án, dự thảo vào Chương trình năm 2021 cần tính đến đặc thù là năm 2021 sẽ có 03 Kỳ họp của Quốc hội. Tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIV và Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ không dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật mà chủ yếu tập trung đánh giá, tổng kết hoạt động của Quốc hội Khóa XIV và chuẩn bị tổ chức, nhân sự cho Quốc hội khóa XV.
Qua thẩm tra, nhiều ý kiến Ủy ban Pháp luật đánh giá trong việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế như: tính dự báo không cao; việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung thêm dự án vẫn diễn ra phổ biến, trong đó không ít dự án được đề nghị bổ sung gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội; tình trạng xin lùi, rút dự án do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng vẫn còn; việc lấy ý kiến nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp, đối tượng lấy ý kiến chưa đầy đủ; việc rà soát để nhận diện các quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo để dự kiến sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo trong một số trường hợp chưa được chú trọng; tình trạng chậm gửi hồ sơ dự án vẫn còn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thành Long trình bày tờ trình. Ảnh: Quang Khánh |
Cụ thể, về điều chỉnh Chương trình năm 2020 (kỳ họp thứ 10/2020), Chính phủ đề nghị bổ sung 03 dự án luật, dự thảo nghị quyết mới vào Chương trình kỳ họp thứ 10, bao gồm: 01 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10; 01 dự án luật cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11. Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11. Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng dự án Luật về Dịch vụ công trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 hoặc kỳ họp thứ 10.
Ngoài ra, trong quá trình tham gia thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội đề nghị điều chỉnh thời gian trình, bổ sung vào Chương trình năm 2020 đối với 03 dự án luật và 01 dự án pháp lệnh. Như vậy, dự kiến Chương trình năm 2020 sẽ là: Tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật và 03 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 06 dự án luật (không bao gồm dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh). Tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), trình Quốc hội thông qua 06 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 04 dự án luật (trong đó 01 dự án luật đã có trong Chương trình và 03 dự án luật mới được bổ sung). Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội: 01 dự án pháp lệnh (tháng 08/2020).
Về dự kiến Chương trình năm 2021, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc Chính phủ đề nghị về Chương trình năm 2021 đã có sự tính toán phù hợp với đặc điểm tình hình của năm 2021 là năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ, nên số lượng văn bản được đề xuất không nhiều (kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV: có 02 dự án thông qua; kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV không trình dự án nào; kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV có 01 dự án thông qua, 05 dự án cho ý kiến).
Như vậy, dự kiến Chương trình năm 2021 như sau: Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV (tháng 3/2021): thông qua 04 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10; không cho ý kiến dự án nào. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV (tháng 7/2021): thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022: không cho ý kiến về dự án nào. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV (tháng 10/2021): cho ý kiến 06 dự án luật.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá năm 2019 Chính phủ đã rất cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu cuộc sống; có nhiều Luật khó nhưng đã hoàn thành được các mục tiêu; số Dự án Luật rút ra so với các Kỳ trước tương đối ít. Tuy nhiên, đề nghị cần làm tốt những dự án Luật đã được đưa vào trong Chương trình, cân nhắc kỹ những luật mới đưa vào, kiểm soát, đảm bảo chất lượng và về thời gian, không thể vội vàng, đảm bảo độ chín của các Dự án Luật.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn về đề nghị đưa vào Chương trình Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề nghị Chính phủ xem lại nội dung này về tên và một số vấn đề thuộc nội dung của Nghị quyết.
Toàn cảnh phiên họp sáng 21/4. Ảnh: Quang Khánh |
Thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh cần đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh một Luật mới được ban hành lại có xung đột với những luật hiện hành; cần có điều kiện, thời gian rà soát để xây dựng hệ thống phải luật đảm bảo bám sát với đời sống. Đồng thời đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ càng sớm càng tốt để cùng chung tay giảm thiểu tai nạn an toàn giao thông, đảm bảo trật tự giao thông tốt hơn.
Tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các Dự án Luật trình cần phải đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với những đánh giá về tình hình thực hiện về tình hình thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2019, đầu năm 2020; tán thành nguyên tắc lập đề nghị về Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tại Kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua 10 Dự án Luật; cho ý kiến về 6 Dự án Luật.