“Bẻ ghi” để tránh “vết xe” ô nhiễm không khí kéo dài: Quyết sách lớn “kéo bầu trời” xanh trở lại
Môi trường - Ngày đăng : 10:55, 21/04/2020
“Việt Nam hiện có 3,6 triệu ô tô và 58 triệu xe máy, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Nhiều trong số đó là phương tiện cũ có công nghệ kiểm soát khí thải kém. Xe cộ gây ùn tắc giao thông hàng ngày, đồng thời, thải ra lượng lớn chất ô nhiễm. Nhiều xe buýt và xe máy cũ xả khói đen rõ rệt trên đường” - TS. Đỗ Nam Thắng - Đại học Quốc gia Australia chia sẻ với PV Báo Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, cần có chính sách quốc gia dài hạn để giảm thiểu ô nhiễm không khí, TS. Đỗ Nam Thắng đề xuất 5 nhóm giải pháp. Trước hết, cải thiện và củng cố quy hoạch đô thị. TP. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có rất nhiều tòa nhà cao tầng với mật độ dày đặc. Giờ đây, các thành phố này cần nhiều không gian xanh và thoáng đãng hơn. Có thể chuyển những khu đông người như cơ quan Chính phủ, trường Đại học và bệnh viện ra ngoài. Việc di dời các Khu công nghiệp cũ như nhà máy Rạng Đông sẽ giảm các chất ô nhiễm không khí nguy hiểm.
Thành phố rất cần hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng (xe bus, tàu điện trên không), sau đó, thiết lập thêm các hệ thống mới. Việc đưa ra những quy định về xây dựng công trình xanh và giá bán điện vào lưới (feed-in tariffs) có thể thúc đẩy phát triển những tòa nhà sử dụng năng lượng tiết kiệm hoặc dùng điện mặt trời.
Chất lượng không khí ở Hà Nội được cải thiện trong thời gian cách ly xã hội. |
Tiếp đó, áp dụng các chính sách khuyến khích phương tiện xanh hơn. Chẳng hạn, khuyến khích giảm dần phương tiện lỗi thời gây ô nhiễm bằng cách trợ cấp cho những cơ sở mua bán xe cũ. Khoản tiền này có thể thu từ việc áp thuế cao hơn khi mua phương tiện giao thông mới. Cách làm trên giải quyết được mối lo về hiệu ứng phân phối, vì chủ sở hữu phương tiện cũ thường là hộ gia đình có thu nhập thấp. Chính phủ cũng có thể ban hành chính sách thúc đẩy phát triển xe điện, chẳng hạn chỉ cho phép xe điện được chạy ở khu vực trung tâm, hoặc giảm thuế thu nhập cho các nhà sản xuất xe điện khiến chúng có giá cả phải chăng hơn.
Đồng thời, định giá ô nhiễm phù hợp với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Cơ quan quản lý có thể sửa đổi quy định về thuế bảo vệ môi trường để nhắm tốt hơn đến những nhiên liệu gây ô nhiễm như dầu Diesel và than. Việc định giá các bon sẽ làm giảm sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc các bon, đồng thời, thúc đẩy nền kinh tế các bon thấp (ví dụ như kinh tế tuần hoàn). Điều này sẽ hạn chế ô nhiễm không khí và giảm thiểu biến đổi khí hậu - mối đe dọa khác với an ninh kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Cùng với đó, chuyển đổi uyển chuyển và hiệu quả sang hệ thống điện tái tạo. Việc kích hoạt các chính sách điện gió và điện mặt trời, bao gồm quy định giá bán điện vào lưới và đấu giá ngược, sẽ duy trì đà bùng nổ năng lượng mặt trời gần đây của Việt Nam và khiến Việt Nam duy trì vị thế dẫn đầu về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á. Việt Nam có thể đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn cho năng lượng tái tạo nhờ tiềm năng cao về điện mặt trời, điện gió và thủy điện nhỏ không lưu nước trên sông.
Cuối cùng, cải cách trợ cấp nhiên liệu hóa thạch có thể làm giảm việc sử dụng nhiên liệu bẩn và tiết kiệm khoản tiền trợ cấp hàng năm lên tới 612 triệu USD, tương đương 0,3% GDP Việt Nam, theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA. Khoản tiền này có thể dùng cho các hoạt động phúc lợi khác như y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường.
“Đây là thời điểm hoàn hảo để ưu tiên các biện pháp trên thông qua việc sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường dự kiến sẽ được Quốc hội phê chuẩn vào cuối năm 2020. Nếu thiết lập quy định một cách cẩn trọng và kỹ càng, Việt Nam có khả năng xoay chuyển vấn đề ô nhiễm không khí của chính mình”. TS. Đỗ Nam Thắng, Đại học Quốc gia Australia