Ăn lạm vào Trái đất

Môi trường - Ngày đăng : 10:02, 21/04/2020

(TN&MT) - Theo một tính toán của Tổ chức Global Footprint Network (GFN), tính đến ngày 29/7/2019, nhân loại đã tiêu thụ toàn bộ phần tài nguyên mà Trái đất có thể tạo ra trong thời gian một năm. Chỉ trong vòng 7 tháng, loài người chúng ta đã tiêu thụ hết khả năng tái tạo thiên nhiên của Trái đất trong cả năm.

Điều đó cũng có nghĩa là xã hội con người đã "ăn lạm" vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong 155 ngày còn lại. Thời điểm rơi vào nợ sinh thái của năm 2019 (ngày đánh dấu thời điểm thế giới đã sử dụng hết tài nguyên mà Trái đất có thể đáp ứng cho cả năm - “Earth Overshoot Day”) đến sớm hơn so với 5 năm trước (năm 2014) là 20 ngày

Ngày ăn lạm Trái đất (Earth Overshoot Day) hay Ngày mắc nợ Sinh thái (Ecological Debt Day) là một ngày mang tính biểu tượng. Nói một cách hình ảnh thì đây là cái ngày trong năm mà con người đã câu nhiều cá hơn, khai thác nhiều gỗ hơn hay trồng trọt nhiều hơn mức mà thiên nhiên cho phép.

Mạng bảo vệ môi trường Overshootday cũng chú ý đến mức độ ăn lạm vào tài nguyên Trái đất theo mức sống của từng quốc gia. Nếu như mọi người trên Trái đất đều sống như người Qatar - quốc gia khai thác dầu khí hàng đầu thế giới - thì ngày tiêu thụ hết nguồn tài nguyên trời cho sẽ là ngay ngày thứ 11 của tháng 2. Còn theo mức sống như Việt Nam, tuy cũng ăn lạm vào tài nguyên Trái đất, nhưng với tốc độ chậm hơn (cụ thể là ngày ăn lạm là vào mùng 8 tháng 10). Sống như người Miến Điện, Indonesia, Irak, Ecuador, Nicaragua, Cuba..., ngày ăn lạm sẽ rơi vào tháng 12.

Nhìn chung, tại nhiều khu vực trên thế giới, dân chúng thường hướng đến một xã hội tiêu thụ ngày càng nhiều hơn, thường coi đây là một mục tiêu chủ yếu của tiến bộ xã hội. Nếu tất cả công dân toàn cầu có mức sống, mức tiêu thụ như của nước Mỹ, thì phải có 5 hành tinh này mới đủ. Với mức sống như của Pháp, cần 2,7 hành tinh.

Global Footprint Network cũng nêu ra một bảng xếp hạng mang tính biểu tượng khác: So sánh mức tiêu thụ của từng nước với lượng tài nguyên có tại quốc gia mình. Theo bảng xếp hạng này, Nhật đứng đầu với mức tiêu thụ gấp 7,7 lần nguồn tài nguyên trong nước, Trung Quốc gấp 3,8 lần, Mỹ gấp 2,2, Pháp 1,9...

Khai thác kiệt quệ tài nguyên biến Trái đất thành hoang mạc. Ảnh minh họa

Theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Hoang dã (WWF), để đưa thời điểm này trở lại ngày 31/12 hàng năm, có nghĩa là con người tiêu thụ đúng số lượng tài nguyên mà Thiên nhiên có thể tái tạo, thì một trong các biện pháp hàng đầu là giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bởi riêng lượng khí thải này đã chiếm đến 60 % tổng lượng ảnh hưởng của con người đến môi trường, thường gọi là «dấu ấn sinh thái» (Empreinte écologique/Ecological Footprint).

Nói một cách cụ thể, nếu giảm được 50% lượng khí thải, chúng ta sẽ làm chậm lại thời điểm ăn lạm tài nguyên Trái đất thêm 93 ngày. Cùng với việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch gây khí thải, nạn phá rừng, công nghiệp hóa – đô thị hóa ồ ạt, đất đai suy kiệt là các nguyên nhân chủ yếu trực tiếp làm suy giảm lượng các-bon hữu cơ được cất giữ trong đất.

Giảm lượng tiêu thụ thịt xuống một nửa cũng giúp thời điểm bị coi là « ăn lạm » lùi đi 15 ngày. Giảm lãng phí thực phẩm xuống còn một nửa cũng đẩy lùi được thời điểm này thêm 10 ngày nữa.

Người ta đã tính được mỗi năm toàn cầu tiêu thụ tới 40% vật liệu (các loại) khai thác trực tiếp từ tự nhiên để xây dựng các công trình (đường giao thông, nhà máy, nhà cửa, cầu cống…). Các công trình xây dựng ấy lại tiêu thụ từ 36% - 45% nguồn năng lượng của mỗi quốc gia. Chỉ riêng nước cho hoạt động xây dựng trên toàn cầu đã chiếm 1/6 nguồn cung cấp nước sạch.

Sự phát triển đó đã “góp phần” làm nhiệt độ Trái đất khắc nghiệt hơn - thế là dẫn tới việc phải làm mát hoặc sưởi ấm cho con người, như vậy, chi cho năng lượng lại cao hơn - hậu quả lượng phát thải khí nhà kính cũng tăng theo. Chu trình này như một vòng luẩn quẩn của con người trong cuộc chiến với chính các hậu quả do nó gây ra.

Rõ ràng, sự  tiêu dùng vô độ không chỉ sẽ làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, mà sự tiêu thụ ấy còn gây ô nhiễm môi trường sống.

Cho đến hôm nay, đã có những tiến bộ trong mục tiêu giảm lượng khí thải các bon. Dù vậy, 85% khu vực sản xuất vẫn cần đến các loại năng lượng hóa thạch. Bởi thế, tiến trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới năng lượng tái tạo còn xa vời.

Chính vì thế, đã đến lúc, cần phá vỡ vòng luẩn quẩn tê liệt để nhanh chóng chuyển hướng sang một nền kinh tế xanh, nếu không, tự chúng ta đang dẫn mình đến gần hơn bờ vực thẳm.

 

Ngọc Lý