Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 20/4: Hơn 2,3 triệu người mắc, Ý xác nhận số người chết thấp nhất trong một tuần
Xã hội - Ngày đăng : 10:04, 20/04/2020
Ý: Số ca tử vong hàng ngày vì COVID-19 đạt mức thấp trong một tuần
Ngày 19/4, Ý cho biết, số ca tử vong do đại dịch COVID-19 tại nước này đã tăng 433 người, mức hàng ngày thấp nhất trong một tuần và số ca nhiễm mới đã giảm xuống còn 3.047 so với 3.491 một ngày trước đó.
Trước đó, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý xác nhận số người chết đã tăng 482 người trong ngày 18/4, giảm từ 575 của một ngày trước.
Những trường hợp tử vong hàng ngày và ca bệnh kéo dài tình hình ổn định đã diễn ra trong 2 tuần qua.
Số ca tử vong trong ngày 19/4 đã giảm đáng kể so với mức đỉnh vào khoảng cuối tháng 3, nhưng xu hướng giảm đã không diễn ra nhanh như mong đợi ở một quốc gia đã bị phong tỏa trong 6 tuần.
Số người chết vào ngày 19/4 đánh dấu mức tăng thấp nhất hàng ngày kể từ ngày 12/4, với 431 ca tử vong, trước khi tăng trở lại trong tuần.
Nếu số ca nhiễm tiếp tục giảm trong vài ngày tới, nó sẽ gây thêm áp lực cho chính quyền Rome đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và một số giám đốc khu vực về việc cho các công ty mở cửa trở lại và gỡ bỏ các hạn chế đối với việc đi lại của người dân.
Một người phụ nữ đi xe đạp trong thời gian nước Ý phong tỏa, tại Milan vào ngày 22/3/2020. Ảnh: Reuters |
Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng vào ngày 9/3 tại Ý sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến ngày 3/5, nhưng hiện chưa có kế hoạch rõ ràng ở mức độ nào, hoặc sẽ được gỡ bỏ dần.
Ông Luca Zaia, người đứng đầu vùng Veneto, nơi đã đạt được kết quả tốt trong việc kiểm soát ổ dịch, đã kêu gọi nới lỏng các hạn chế trước ngày 3/5.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cho biết vào cuối ngày 18/4 rằng Ý vẫn chưa thể nới lỏng lệnh phong tỏa và loại trừ khả năng một số khu vực có thể được phép mở lại trước những khu vực khác.
Các chuyên gia y tế đã kêu gọi thận trọng khi cho rằng Ý vẫn đang trong giai đoạn đầu tiên của tình trạng khẩn cấp và chưa thể chuyển sang “Giai đoạn 2”.
“Vẫn còn quá sớm, các con số ở một số khu vực vẫn còn rất cao khi Giai đoạn 1 chưa kết thúc”, ông Walter Ricciardi - một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói với Sky Italia TV.
Tổng số người chết kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào ngày 21/2 tại Ý đã tăng lên 23.660 tính đến hết ngày 19/4, cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Tổng số ca nhiễm ở mức 178.972.
Sự bùng phát vẫn tập trung chủ yếu ở các khu vực phía Bắc vùng Bologna xung quanh Milan - thủ phủ của vùng Lombardy và các nước láng giềng Piemonte và Emilia-Romagna. Vào ngày 19/4, báo cáo về sự gia tăng số người chết hàng ngày tại khu vực này là 163, tương đương hơn một phần ba trong tổng số 855 trường hợp nhiễm mới.
Pháp: Cuộc khủng hoảng virus corona đã giảm tác động nhưng chưa kết thúc
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 19/4 cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Pháp đang cải thiện từ từ nhưng chắc chắn, và sự thiếu hụt các thiết bị bảo vệ như khẩu trang đang giảm bớt, tuy nhiên ông cảnh báo cuộc khủng hoảng virus corona vẫn chưa kết thúc.
Pháp - nơi đã ghi nhận gần 20.000 người chết do đại dịch COVID-19 và có số người mắc bệnh cao thứ tư trên thế giới - đã tiến hành lệnh phong tỏa trong gần 5 tuần và dự kiến gỡ bỏ một số biện pháp hạn chế từ ngày 11/5.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Philippe cho biết số người được chăm sóc đặc biệt là một trong những tín hiệu đáng khích lệ và giảm áp lực đối với các bệnh viện.
“Một lần nữa, Pháp đã dần trở lại với cuộc sống bình thường, kể từ khi nước này công bố tăng cường xét nghiệm, những trường hợp bị nhiễm COVID-19 sẽ phải cách ly tại nhà hoặc trong các khách sạn do chính phủ yêu cầu. Từ ngày 11/5, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thứ hai, khi chúng ta có thể bắt đầu lại một số quyền tự do của mình” - Thủ tướng Philippe cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Veran, Pháp sẽ dỡ bỏ lệnh cấm thăm các cư dân của viện dưỡng lão, tuy nhiên mọi người đến thăm không được tiếp xúc gần với người thân của họ. Người cao tuổi tại các viện dưỡng lão chiếm gần 40% các trường hợp tử vong do COVID-19 ở nước này.
Pháp đã bị chỉ trích nặng nề trong những tuần gần đây do thiếu thuốc men, thiết bị y tế tại bệnh viện như máy thở và khẩu trang cho bác sĩ...
Ông Philippe nói rằng trong tuần vừa qua, Pháp đã nhập khẩu được gần 81 triệu khẩu trang, cao hơn lần đầu tiên “trong một thời gian dài” mà nhu cầu hàng tuần của nước này là khoảng 45 triệu khẩu trang.
Đến tháng 6, Pháp cũng sẽ bảo đảm và sản xuất thêm 15.000 máy thở cho các đơn vị hồi sức trong bệnh viện và 15.000 phiên bản máy thở gọn nhẹ hơn nhằm giúp nước này vượt qua nhu cầu theo dự báo.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Peru tăng đến 15.000, cao thứ hai châu Mỹ Latinh
Peru đã xác nhận hơn 15.000 trường hợp nhiễm virus corona vào ngày 19/4, tỷ lệ cao thứ hai ở Mỹ Latinh, khi căn bệnh này tiếp tục tàn phá nền kinh tế của nhà sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới.
Cuộc khủng hoảng đã làm “tê liệt” Peru và khiến hàng triệu người không có việc làm. Ngân hàng trung ương nước này cho biết nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng tạm thời bởi các “cú sốc” cung và cầu diễn ra cùng lúc.
Peru đã ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 6/3 và mất 25 ngày để chạm đến 1.000 trường hợp nhiễm. Theo thống kê của Reuters, chỉ mất 14 ngày, con số trên đạt ngưỡng 10.000 trường hợp vào ngày 14/4. Theo Bộ Y tế Peru, nước này thông báo tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lần lượt là 15.628 và 400.
Một y tá đi bộ trong khu dành riêng cho bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 tại bệnh viện quốc gia Dos de Mayo, ở Lima, Peru vào ngày 16/4/2020. Ảnh: Reuters |
Ở Mỹ Latinh, chỉ có Brazil có số ca nhiễm cao hơn Peru.
Vào ngày 15/3, Peru tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới và kêu gọi công dân tự cách ly trong 15 ngày trong bối cảnh nước này ghi nhận 71 ca nhiễm. Việc kiểm dịch toàn quốc kể từ đó đã được kéo dài đến ngày 26/4. Thủ tướng Peru Vicente Zeballos ngày 19/4 cho biết lệnh phong tỏa sẽ tiếp tục trong vài tuần nữa.
Chính phủ Peru đã công bố gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 26,41 tỷ USD, tương đương khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội, để hỗ trợ người dân và lĩnh vực khai thác chính.
Ngân hàng trung ương Peru đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp lịch sử 0,25%, động thái mới nhất của quốc gia này nhằm củng cố nền kinh tế.
Cập nhật lúc 6h00 ngày 20/4/2020:
Thế giới: 2.341.958 người mắc; 160.956 người tử vong, trong đó:
- Mỹ: 738.923 người mắc; 39.015 người tử vong.
- Ý: 175.925 người mắc; 23.227 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 194.416 người mắc; 20.639 người tử vong.
- Pháp: 151.793 người mắc; 19.323 người tử vong.
Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID -19.
Đến 6h ngày 20/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Tổng cộng 202 người đã được chữa khỏi.
16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).
186 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 19/4) được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN19, BN21, BN22, BN23, BN24, BN25, BN26, BN27, BN28, BN29, BN30, BN31, BN32, BN33, BN34, BN35, BN36, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN44, BN45, BN46, BN47, BN48, BN49, BN50, BN51, BN52, BN53, BN54, BN55, BN56, BN57, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64, BN66, BN67, BN68, BN69, BN70, BN71, BN72, BN73, BN74, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79, BN80, BN81, BN82, BN83, BN84, BN85, BN86, BN87, BN88, BN89, BN90, BN93, BN94, BN95, BN96, BN97, BN98, BN99, BN100, BN101, BN102, BN103, BN104, BN105, BN106, BN107, BN 108, BN109, BN110, BN111, BN112, BN113, BN114, BN115, BN116, BN117, BN118, BN119, BN120, BN121, BN122, BN123, BN125, BN126, BN128, BN129, BN130, BN131, BN132, BN133, BN135, BN136, BN137, BN138, BN139, BN140, BN142, BN144, BN145, BN146, BN148, BN149, BN150, BN151, BN152, BN153, BN154, BN155, BN156, BN157, BN159, BN160, BN168, BN169, BN171, BN172, BN173, BN174, BN175, BN177, BN179, BN183, BN186, BN187, BN189, BN190, BN191, BN192, BN194, BN197, BN198, BN199, BN200, BN202, BN203, BN204, BN205, BN207, BN208, BN211, BN213, BN214, BN217, BN219, BN220, BN221, BN222, BN223, BN229, BN231, BN232, BN234, BN235, BN237, BN239, BN241, BN242, BN249, BN251.