Hạ giải, trùng tu cầu ngói gần 250 tuổi ở Huế

Xã hội - Ngày đăng : 09:44, 18/04/2020

(TN&MT) - Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) với tuổi đời gần 250 tuổi sẽ được hạ giải để tiến hành trùng tu.

Cầu ngói Thanh Toàn xây dựng vào năm 1776, được xếp vào loại hiếm và giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam, được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990. Trải qua thời gian, cây cầu đã xuống cấp

Sau khi mất 2 năm để làm thủ tục, vào những ngày đầu tháng 4/2020, cây cầu đã được hạ giải gần như hoàn toàn để trùng tu, phục hồi theo dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn”

Dự án có tổng kinh phí hơn 10 tỷ do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần tu bổ Di tích Huế thuộc Hiệp hội Di sản quốc gia

Thời gian dự kiến trùng tu là 300 ngày, đến tháng 1/2021 sẽ kết thúc

Hiện đơn vị thi công đang phân loại mức độ hư hỏng của các vật liệu như trụ cột, gỗ, ngói... Trong ảnh là ngói lưu ly rất quý

Các vật liệu hạ giải được đánh số, ghi chép cẩn thận

Các hệ thống cột kèo với gỗ quý, chủ yếu là lim

Sắp tới, nhóm nhà khoa học sẽ cùng đến kiểm tra, thẩm định các vật liệu trước khi đơn vị lên kế hoạch bổ sung vật liệu trước khi trùng tu

Theo chủ đầu tư, việc tu bổ sẽ dựa trên nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên bản, vật liệu gốc...

“Có một cấu kiện khá phức tạp là dàn kèo ở cây cầu ngói này chỉ thợ bậc cao mới tháo được. Việc lắp vào khó nhưng tháo ra còn khó hơn. Hệ thống cột nằm âm dưới nước bị bào mòn qua thời gian, qua các cuộc họp đã thống nhất làm bằng gỗ. Chất liệu gỗ hồi xưa như thế nào thì nay thay lại như thế ấy. Riêng phần đắp men sứ sành, lúc trước do thợ địa phương làm không đẹp lắm, hy vọng qua lần hạ giải trùng tu này sẽ đẹp và sắc sảo hơn”, ông Võ Ngọc Thành – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Hương Thủy thông tin

Đây là lần đầu tiên một công trình văn hóa di tích cấp quốc gia được giao cho cấp địa phương làm

Được biết, cầu được xây dựng theo lối “thượng gia, hạ kiều” nghĩa là trên nhà, dưới cầu giống với kiến trúc của chùa Cầu nổi tiếng của Hội An. Phía trên cầu có mái che, lợp ngói lưu ly trông như một ngôi nhà cổ

Mỗi ngày nơi đây đón tiếp hàng trăm du khách trong và ngoài nước, đặc biệt trong những dịp lễ hội thì con số này càng nhiều hơn

Cầu ngói Thanh Toàn cũng là điểm quen thuộc ở mỗi kỳ Festival Huế với tên gọi đã thành thương hiệu trong và ngoài nước là “Chợ quê ngày hội”

 

 

 

 

 

 

 

 

Văn Dinh