Giá bán căn hộ phân khúc trung cấp giữ vẫn giữ nhịp tăng
Bất động sản - Ngày đăng : 14:48, 16/04/2020
Giá trung bình tại thị trường sơ cấp vẫn giữ nhịp tăng trong quý. |
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, trong quý 1/2020, giá trung bình của phân khúc căn hộ tại thị trường sơ cấp đạt xấp xỉ 44,5 triệu đồng/m2, tăng 2% so với quý trước và 9% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá tăng này đến từ các dự án mới mở bán tại phân khúc trung cấp, cao hơn mặt bằng khu vực từ 15-30%.
Bà Thùy Dung chỉ ra, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và giá tăng cao thì tình hình tiêu thụ vẫn tốt, đặc biệt là phân khúc trung cấp. Tỷ lệ tiêu thụ cao đạt 80-100% được ghi nhận tại một số dự án của chủ đầu tư uy tín. Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid - 19 ngày càng nghiêm trọng từ giữa tháng 3 và lệnh cấm hội họp đông người nghiêm ngặt hơn thì lượng quan tâm của người mua giai đoạn này đã giảm nhiệt. Trong quý 1, có 3.757 căn hộ được tiêu thụ, giảm 32% so với quý trước và 37% so với năm trước. Thị trường tiếp tục hấp thụ nguồn cung còn lại từ các dự án cũ.
“Trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 6/2020, giá bán trung bình toàn thị trường được kỳ vọng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó phân khúc trung cấp và bình dân được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng khiêm tốn chỉ 1%-3% theo năm do tính cạnh tranh cao từ số lượng lớn nguồn cung. Các dự án cao cấp dự kiến có mức tăng giá cao hơn, khoảng 5% theo năm. Các dự án hạng sang được cấp phép tại quận 1 và quận 3 có giá bán dự kiến tăng 5% - 7% theo năm, do sự khan hiếm quỹ đất tại khu vực trung tâm”, bà Thùy Dung cho hay.
Tương tự, trong báo cáo quý 1/2020 mới đây, JLL Việt Nam cũng chỉ ra giá căn hộ TP.HCM tuy giảm theo quý, nhưng tiếp tục tăng theo năm. Trong quý 1/2020, giá bán trung bình đạt 56,4 triệu đồng/m2, giảm 15% theo quý, các dự án mới được mở bán trong quý chủ yếu là phân khúc bình dân và trung cấp. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện vẫn chưa ghi nhận tác động của đại dịch lên giá bán. Hầu hết các dự án vẫn ghi nhận mức giá bán ổn định.
Cũng theo đơn vị này, với quy định hạn chế tụ tập đông người trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các phương pháp mới lạ để duy trì doanh số như đặt chỗ trực tuyến, trao đổi qua email và ứng dụng liên lạc. Một số chủ đầu tư thậm chí đã phát triển ứng dụng riêng của họ cho khách hàng để quản lý giao dịch và đầu tư trực tuyến. Đó cũng là điểm mới của thị trường BĐS trong quý vừa qua.
Hầu hết các chủ dự án căn hộ đều cho biết, do dự án mới khan hiếm ra thị trường nên việc giảm giá là rất khó, trong khi nhu cầu thực tế vẫn tăng ở phân khúc này, đặc biệt là dòng sản phẩm căn hộ trung cấp. Có chăng, nếu dịch kéo dài thì giá căn hộ có thể giảm nhẹ trên thị trường thứ cấp, còn giá sơ cấp, đặc biệt ở các dự án mới chào hàng trong quý 1 vẫn ghi nhận mức tăng ổn định, thậm chí theo một số chuyên gia, ở các dự án có mức giá trên dưới 2 tỷ đồng/căn, số lượng người giữ chỗ cao hơn số giỏ hàng, giá vẫn ghi nhận tăng ít nhất là 15% so với thời điểm trước Tết.
Trong quý vừa qua, hầu hết các đơn vị nghiên cứu cùng chung nhận định, mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán BĐS không hề có sự sụt giảm so với quý 4/2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Theo số liệu từ Google Trends, tại Việt Nam, trong tháng 2 và 3, lượng tìm kiếm với từ các khóa liên quan đến nhà ở như "bất động sản", "căn hộ chung cư", "dự án nhà ở" đều tăng. Với từ khóa "chung cư", thời điểm cuối tháng 3/2020, lượng tìm kiếm thậm chí còn vượt mốc cao nhất của năm 2019. Đây là điều rất bất ngờ, cho thấy mức độ quan tâm của người Việt Nam với vấn đề nhà ở vẫn rất lớn, bất chấp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp.
Nhiều chuyên gia BĐS nhận định, dù dịch Covid-19 nhưng giá không xuống do khan hàng, nhất là nhà giá rẻ và trung bình vì đây là nhu cầu ở thực. Do đó, thị trường BĐS đang tồn tại một thực tế “vô lý” là dịch bệnh, giao dịch giảm nhưng giá bán không giảm. Điều này chủ yếu là do đến từ việc nguồn cung trên thị trường đang thiếu.