Quảng Nam: Chính quyền ngó lơ “cát tặc” lộng hành dọc bờ sông Cái?

Tiếng dân - Ngày đăng : 08:28, 15/04/2020

(TN&MT) - Người dân xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam phản ánh về tình trạng các đối tượng lén lút khai thác cát, sỏi dọc bờ sông Cái, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất hoa màu... nhưng chính quyền địa phương có dấu hiệu “ngó lơ”...

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại khu vực sông Cái (thuộc thôn Định Yên, xã Trà Đông). Qua ghi nhận chỉ một đoạn sông Cái nhưng dấu vết của “cát tặc” lộng hành trải dài khắp nơi. Chạy dọc bờ sông uốn lượn này là hàng chục điểm bị cày xới lấy cát trên diện rộng, nhiều đoạn bị lấy lớp đất cát bề mặt sâu gần 2m, lởm chởm cát, sỏi. Nhiều dấu vết xe múc cát hoạt động qua lại đã hình thành lối đi mòn dẫn từ đường chính vào mỏ cát tại thôn Định Yên.

Dấu vết xe múc cát hoạt động qua lại đã hình thành lối đi mòn dẫn từ đường chính vào mỏ cát trái phép

Theo người dân địa phương, các đối tượng xúc cát trộm thường hoạt động vào thời điểm sáng sớm hay lúc chiều tối, để tránh sự tuần tra, truy quét của lực lượng liên ngành địa phương.

Bà Phạm Thị T. (trú thôn Định Yên, xã Trà Đông) cho rằng, tình trạng khai thác cát, sỏi đoạn dọc bờ sông Cái diễn ra đã gần 4 năm qua. Sau đó, bà con địa phương có phản ánh lên chính quyền xã và có cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra truy quét. Thế nhưng, được một thời gian thì các đối tượng này vẫn lén lút hoạt động. Mới đây, nhận thấy báo chí vào cuộc nên mấy ngày nay các đối tượng này mới tạm dừng hoạt động.

“Họ đưa xe tải, máy múc vào đoạn sông Cái để khai thác cát, sỏi. Họ hoạt động không cố định thời gian, thường vào khoảng thời gian từ 4-6 giờ sáng và 18 - 21giờ. Trung bình mỗi ngày có nhiều chuyến xe lấy cát, sỏi ở khu vực này đem bán cho các khu vực lân cận. Nhóm người khai thác cát trái phép dọc bờ sông Cái là người ở địa phương chuyên cung cấp cát bán cho những người có nhu cầu sử dụng”, bà T. thông tin

Mặt bằng nhiều khu vực ven sông Cái bị khai thác lởm chởm, sâu hoắm. 

Hệ lụy của tình trạng hút cát sạn trộm tại sông Cái là nhiều diện tích đất canh tác của người dân gần bờ bị ảnh hưởng do sạt lở trong mùa lũ. Theo ông Bùi Văn X. (trú thôn Định Yên, xã Trà Đông) cử tri đã không ít lần bức xúc, kiến nghị chính quyền xã Trà Đông và các ngành chức năng của huyện Bắc Trà My cần có biện pháp cứng rắn để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhưng không giải quyết triệt để.

“Trước kia, đến mùa thu hoạch keo thì xe có thể chạy ngang qua sông Cái để vận chuyển khai thác keo nhưng từ khi nhóm “cát tặc” khai thác cát, khiến nhiều điểm trở thành hố sâu nên xe tải không thể chạy qua được phải. Chừ xe keo phải đi đường vòng nên cây trồng của người dân khi thu hoạch bị ép giá xuống. Bên cạnh đó, bà con lo sợ vào mưa bão nước sông dâng cao gây ra xói lở diện tích đất canh tác”, ông Bùi Văn X. bức xúc.

Điều đáng nói, khu vực khai thác cát cách trụ sở UBND xã Trà Đông không xa, mặt khác các xe vận chuyển cát gần như lưu thông qua lại trên các trục đường chính của xã, có thể nhận thấy được hoạt động khai thác cát diễn ra công khai.

Bờ sông Cái đang bị cày xới ngày đêm

Ông Dương Minh Anh, Chủ tịch UBND xã Trà Đông khẳng định chính quyền địa phương không cấp giấy phép cho việc khai thác cát ở khu vực dọc sông Cái. Tuy nhiên, trên địa bàn xã đang xây dựng nhiều tuyến đường nông thôn mới, nhu cầu về cát sỏi rất lớn để xây dựng các tuyến dân sinh nên một số người dân đã lén lút múc cát dọc con sông. Vừa rồi, Công an xã đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt 1 trường hợp múc cát trái phép tại địa phương.

“Không có việc khai thác cát để bán, chỉ là một số người dân có xe nên múc một ít về làm nhà xây cửa và đổ cho cát công trình dân sinh chứ không ai mua bán cả.” ông Anh nói.

Thế nhưng, thực tế dòng sông Cái đang bị cày nát, tài nguyên cát, sỏi đã và đang bị lấy đi tiêu thụ. Tài nguyên khoáng sản đang bị thất thoát, cho thấy, chính quyền xã Trà Đông và các cơ quan chức năng của huyện Bắc Trà My đã buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và lĩnh vực khác có liên quan.

Lan Anh