Dự án “Điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất từ Đà Nẵng đến Bình Thuận”
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:36, 13/04/2020
Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh chủ trì buổi báo cáo Dự án “Điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất từ Đà Nẵng đến Bình Thuận” của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung |
Dự án được nhóm tác giả thuộc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, do CN. Nguyễn Trung Phát chủ trì triển khai thực hiện từ tháng 1/2010.
Giải quyết bài toán thiếu nước do phát triển kinh tế - xã hội
Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung cho biết: Vùng đồng bằng ven biển các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận là nơi tập trung các thành phố tỉnh lỵ, thị xã, thị trấn, khu và cụm công nghiệp. Đây cũng là nơi có các hoạt động KT-XH phát triển mạnh mẽ. Chính những đặc điểm trên đã và đang gia tăng nhu cầu khai thác sử dụng nước dưới đất, lượng nước được khai thác ngày càng tăng, kéo theo việc xả nước thải vào nguồn nước cũng tăng theo là những tiềm ẩn của nguy cơ gây cạn kiệt, ô nhiễm các nguồn nước.
Triển khai thi công Dự án “Điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất từ Đà Nẵng đến Bình Thuận” |
Bên cạnh nguồn nước mặt trên các sông suối và trong hồ chứa, nước dưới đất trong các tầng chứa nước trong trầm tích Đệ tứ và Neogen là đối tượng để khai thác phục vụ cho hoạt động kinh tế, xã hội của vùng. Từ dữ liệu của hệ thống quan trắc tài nguyên nước thuộc mạng quan trắc quốc gia và địa phương trong khu vực cho thấy, nước dưới đất trong tầng chứa nước này đang có dấu hiệu suy thoái, cạn kiệt.
Để cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo vệ, quản lý và sử dụng nước dưới đất trong các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ và Neogen, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, Dự án “Điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trong các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ và Neogen từ Đà Nẵng đến Bình Thuận” do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung thành lập đã được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia theo ủy quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 09/QĐ-QHTNN ngày 21/01/2010. Trong thời gian thực hiện, Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt điều chỉnh dự toán kinh phí và thời gian thực hiện tại quyết định số 2700/QĐ-BTNMT ngày 27/11/2014 và quyết định số 1724/QĐ-BTNMT ngày 29/7/2016. Theo đó, thời gian thực hiện Dự án bắt đầu từ năm 2011, lập báo cáo tổng kết và nộp lưu trữ vào năm 2019.
Triển khai thi công Dự án “Điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất từ Đà Nẵng đến Bình Thuận” |
Mục tiêu của Dự án là xác định vùng hạn chế và đề xuất các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất trong các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ và Neogen từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.
Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ của Dự án là điều tra, đánh giá để xác định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo các tiêu chí và căn cứ được quy định trong Nghị định số 167/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc hạn chế khai thác nước dưới đất; lập được bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trong phạm vi Dự án;
Ngoài ra, Dự án còn điều tra và thu thập thông tin về các nguồn thải, hiện trạng cấp nước tập trung ở các khu đô thị, khu dân cư để phục vụ việc khoanh vùng hạn chế khai thác NDĐ.
Hiện trạng các Lỗ khoan trong quá trình triển khai Dự án |
Xác định được cấu trúc địa chất thủy văn và tiềm năng TNN trong vùng
Dự án đã hoàn thành toàn bộ nội dung, khối lượng thực hiện các công việc đã được phê duyệt và đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra. Các dạng công tác điều tra, đánh giá hiện trạng, ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất, đồng thời đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn, khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất cho 7 vùng điều tra.
Ông Nguyễn Trung Phát, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Kết quả của Dự án đã làm sáng tỏ được cấu trúc ĐCTV, điều kiện tồn tại, sự phân bố của các TCN trầm tích Đệ tứ và Neogen trong vùng điều tra. Trong vùng từ Đà Nẵng đến Bình Thuận gồm có các TCN q, qh, qp, n và β(n-qp). Kết quả nghiên cứu đã xác định được diện phân bố, thành phần thạch học, mức độ chứa nước, phân bố mặn nhạt, đặc tính thuỷ lực, diễn biến mực nước và khả năng khai thác các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ và Neogen.
Công tác quan trắc ghi chép số liệu |
Theo ông Nguyễn Trung Phát, tổng tiềm năng tài nguyên dự báo nước dưới đất tại 7 vùng điều tra từ Đà Nẵng đến Bình Thuận là 8.248.668m3/ngày, trong đó phần nước nhạt là 6.678.722m3/ngày, phần nước mặn là 1.569.946m3/ngày. Tổng trữ lượng có thể khai thác phần nước nhạt là 2.003.617m3/ngày. Trong đó: Vùng Tam Kỳ - Đà Nẵng - Chu Lai: 280.822m3/ngày; Vùng Bình Sơn - Quảng Ngãi - Mộ Đức: 338.364m3/ngày; Vùng Bồng Sơn - Phù Mỹ - Phù Cát: 487.358m3/ngày; Vùng Sông Cầu - Tuy Hoà - Đông Hoà 219.555m3/ngày; Vùng Vạn Ninh - Nha Trang - Cam Ranh: 221.966m3/ngày; Vùng Ninh Hải - Phan Rang - Ninh Phước: 117.312m3/ngày; Vùng Lương Sơn - Phan Thiết - Hàm Tân: 288.241m3/ngày. Dự án cũng đã đánh giá đầy đủ nhất về hiện trạng chất lượng nguồn nước dưới đất, phân vùng các khu vực nước dưới đất có chất lượng tốt, đảm bảo cấp nước cho ăn uống sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra, khảo sát và thống kê cho thấy tổng lượng nước dưới đất khai thác, sử dụng tại 7 vùng, có tổng lưu lượng khai thác khoảng 406.635,19 m3/ngày đêm. Trong đó, khai thác quy mô tập trung bởi các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung với công suất lớn khoảng 154.931 m3/ngày đêm; khai thác nước đơn lẻ của các công ty, xí nghiệp khoảng 216.126,6 m3/ngày đêm và khai thác nước nông thôn khoảng 35.577,59 m3/ngày đêm.
Bơm thử nghiệm nguồn nước |
Trong vùng nghiên cứu chưa xảy ra hiện tượng cạn kiệt nước dưới đất mà tại đây chỉ xuất hiện những vùng có mực nước động vượt quá mực nước động cho phép, các vùng có mực nước động khai thác vượt quá mực nước động cho phép tại các vùng nghiên cứu như sau: Vùng Tam Kỳ - Đà Nẵng - Chu Lai: 424,4 km2; Vùng Bình Sơn – Quảng Ngãi – Mộ Đức: 515,5 km2; Vùng Bồng Sơn - Phù Mỹ - Phù Cát: 167,7 km2; Vùng Sông Cầu - Tuy Hoà - Đông Hoà 35,3 km2; Vùng Vạn Ninh – Nha Trang – Cam Ranh: 368,3 km2; Vùng Ninh Hải – Phan Rang – Ninh Phước: 96,1 km2 và Vùng Lương Sơn - Phan Thiết - Hàm Tân: 1.114 km2.
Trên cơ sở tiêu chí phân vùng và kết quả phân loại nguy cơ gây ô nhiễm của nguồn thải đến các tầng chứa nước, dự án phân được các vùng nguy cơ ô nhiễm của tầng chứa nước thứ nhất trên địa bàn vùng nghiên cứu trong đó có 100 khoảnh với diện tích 151,23km2 có nguy cơ gây ô nhiễm đến NDĐ cao, có 194 khoảnh, với diện tích 322,49 km2 nguy cơ trung bình và 265 khoảnh, với diện tích 374,21km2 vùng có nguy cơ gây ô nhiễm thấp.
Toàn vùng hiện có 89 công trình khai thác cấp nước tập trung đang hoạt động hiệu quả trong đó có 45 công trình chủ yếu khai thác nước mặt, 40 công trình khai thác nước dưới đất chủ yếu trong các tầng chứa nước Holocen và Pleistocen tại các dải cát ven biển và 4 công trình khai thác kết hợp nguồn nước mặt và nước dưới đất.
Xác định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất
Báo cáo Dự án do ông Nguyễn Trung Phát trình bày cũng đã xác định cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học trong Nghị định số 167/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc hạn chế khai thác nước dưới đất làm căn cứ và tiêu chí để vùng hạn chế khai thác NDĐ trong trầm tích Đệ tứ và neogen từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.
Tổng diện tích hạn chế trong vùng điều tra là 5.183,4 km2. Trong đó: Vùng hạn chế khai thác 1 là khu vực liền kề với biên mặn, có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan (TDS) từ 1.500 mg/l trở lên: Phân bố dọc theo biên mặn có khoảng cách không quá 1.000m từ biên mặn vào vùng phân bố nước nhạt. Tổng diện tích khoanh định được là 1.317,42 km2.
Khu vực liền kề với các bãi rác/bãi chôn lấp, được khoanh định với bán kính không quá 3.000m, gồm bãi chôn lấp chất thải với tổng diện tích khoanh định được là 358,11 km2.
Khu vực có giếng khai thác nước dưới đất bị ô nhiễm. Phạm vi khoanh định bán kính từ 200m ở một số giếng khai thác có chỉ tiêu vượt GHCP. Tổng diện tích khoanh định là 15,45 km2.
Khu vực có nghĩa trang tập trung hoặc các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Khu vực này sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định cho nên sẽ không đưa vào khoanh định trong báo cáo này.
Vùng hạn chế khai thác 2: là khu vực xung quanh giếng nằm trong phạm vi vùng có mực nước động vượt quá mực nước cho phép hoặc mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức. Tổng diện tích khoanh định được là 417,62 km2.
Vùng hạn chế khai thác 3: là vùng đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung hoặc chưa được đấu nối nhưng có điểm đấu nối liền kề của hệ thống cấp nước tập trung và sẵn sàng để cung cấp nước sạch. Tổng diện tích khoanh định được là 1.196,92 km2.
Vùng hạn chế khai thác 4: là vùng khu dân cư, khu công nghiệp tập trung (không thuộc Vùng hạn chế 3) cách nguồn nước mặt không quá 1.000m, và nguồn nước mặt có đủ 3 tiêu chí: Có chức năng hoặc được quy hoạch để cấp nước sinh hoạt; Lưu lượng dòng chảy ổn định và > 10m3/s (với sông, suối, kênh, rạch) hoặc dung tích từ >10 triệu m3 trở lên đối với hồ chứa; Có chất lượng nước đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cột A1 trở lên. Tổng diện tích khoanh định được là 394,194 km2.
Vùng hạn chế khai thác hỗn hợp: Trường hợp có các khu vực hạn chế thuộc vùng hạn chế 1, 2, 3 và 4 nêu trên bị chồng lấn nhau, thì phần diện tích chồng lấn được xếp vào Vùng hạn chế hỗn hợp. Tổng diện tích khoanh định được là 682,63 km2.
Kết quả thi công của Dự án đã thành lập các danh mục, bản đồ chất lượng nước dưới đất, hiện trạng khai thác, xác định vùng hạn chế khai thác NDĐ tỷ lệ 1:50.000 các vùng từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, đạt được mục tiêu và nhiệm vụ đề ra. Các bản đồ, danh mục vùng hạn chế đã phân chia chi tiết theo đơn vị hành chính, diện tích và vị trí đại diện cho vùng. Bộ tài liệu này là cơ sở để giúp các địa phương quản lý TNN sử dụng dễ dàng hơn.
Trên cơ sở đó, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung kiến nghị cần thiết đẩy mạnh công tác điều tra, thăm dò chi tiết ở những khu vực chứa nước tương đối giàu của các tầng chứa nước Holocen, Pleistocen. Tiến hành tổng hợp, đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống và chi tiết hơn tài nguyên NDĐ trong vùng nghiên cứu và tiến hành công tác quy hoạch tổng thể tài nguyên nước trong vùng. Khi điều tra cung cấp nước sinh hoạt đối với những khu vực bị ô nhiễm hợp chất Nitơ, các nguyên tố Mangan, Florua, độ cứng cao,… cần chú ý đánh giá chi tiết chất lượng nước đối với các chỉ tiêu này. Đặc biệt là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các nguồn xả thải công nghiệp, sinh hoạt nhằm hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nước dưới đất.