Đừng để Luật thuế 71 là "rào cản" của doanh nghiệp trên sân nhà

Thời sự - Ngày đăng : 10:55, 13/04/2020

(TN&MT) - Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cho rằng, việc đưa mặt hàng phân bón vào danh mục không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Luật 71/2014/QH 13 không những không kéo giá phân bón giảm, ngược lại còn gây nên một số tác động tiêu cực, nông dân cũng không được hưởng lợi trong suốt hơn 5 năm qua.

Ngày 26 tháng 11 năm 2014, Quốc hội thông qua Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật số 71), theo đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 các mặt hàng: Phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra. Tuy nhiên, sau hơn 05 năm triển khai thực hiện, Luật số 71 đã có một số tác động “ngược” làm hạn chế sản xuất, kinh doanh, cũng như các dự án đầu tư sản xuất phân bón,…

Thứ nhất là người nông dân và doanh nghiệp không được hưởng từ chính sách thuế. Do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên hệ quả là không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, làm chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên, doanh nghiệp phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên không giảm được giá bán cho người nông dân.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, mỗi năm Đạm Cà Mau không được khấu trừ gần 350 tỉ đồng tiền thuế, buộc phải đưa vào giá bán. 

Với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ) cũng vậy, từ năm 2015 đến nay, khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, Đạm Phú Mỹ không được khấu trừ 1.637 tỉ đồng tiền thuế, buộc phải tăng giá bán, khiến khách hàng - người nông dân chịu thiệt.

Tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là 3.646 tỷ đồng (năm 2015: 825 tỷ, năm 2016: 588,8 tỷ, năm 2017: 755,5 tỷ, năm 2018: 767,7 tỷ,  năm 2019: 708,8 tỷ).

Mỗi năm Đạm Cà Mau không được khấu trừ gần 350 tỉ đồng tiền thuế, buộc phải đưa vào giá bán. 

Thứ hai là chính sách thuế giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngay sau khi Luật 71 có hiệu lực thì năm 2015 sản lượng phân bón tồn kho cuối tăng mạnh so với cùng kỳ, tồn kho phân đạm ure tăng 2,4 lần, tồn kho phân DAP tăng xấp xỉ 02 lần (trong đó tồn kho của hai doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng 23 lần).

Được biết, phân bón nhập khẩu từ các nước như Indonesia, Malaysia, Philipines, Nga, Trung Đông và đặc biệt là Trung Quốc phần lớn có thuế nhập khẩu bằng 0% và đặc biệt hầu hết các nước này có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp. Theo tính toán của Trung ương Hiệp hội Phân bón, khi thực hiện Luật 71 thì giá thành phân đạm tăng trên 7% phân DAP tăng gần 8%, phân supe lân tăng khoảng gần 7%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2%-6,1%... so với áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Chính vì chi phí giá thành phân bón trong nước tăng nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bị giảm sức cạnh tranh  ngay trên sân nhà.  

Thứ ba là chính sách thuế hạn chế ứng phó khi thị trường biến động. Bởi trong khi chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất. Do vậy, phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng làm gia tăng nhập siêu và sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất, sản lượng phân bón sản xuất trong nước sẽ không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và cũng như bình ổn giá khi giá phân bón thế giới biến động.

Thực sự không ít doanh nghiệp lo ngại, chính sách thuế GTGT như hiện tại sẽ khiến ngành phân bón kinh doanh... giật lùi, vì doanh nghiệp không muốn đầu tư; càng đầu tư hiện đại, giá thành sản phẩm càng cao, khả năng thu hồi vốn thấp, doanh nghiệp gặp khó khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Đạm Phú Mỹ khi thực hiện mở rộng đầu tư đã bị ảnh hưởng bởi Luật 71 dẫn đến thuế GTGT đầu vào trong quyết định đầu tư không được khấu trừ, ghi tăng tài sản.

Thứ tư là chính sách thuế kìm hãm đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp . Chính sách miễn thuế GTGT cho phân bón tưởng như có lợi, nhưng thực chất lại làm cho doanh nghiệp sản xuất phân bón chịu thêm nhiều sức ép trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh và hoàn toàn không có tác dụng khuyến khích đầu tư công nghệ mới trong sản xuất, ngược lại, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón thậm chí buộc phải giảm công suất, giảm sản lượng và thiệt hại nhiều tỉ đồng vì không được khấu trừ, hoàn thuế. Như vậy, về lâu dài, sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu không thể đảm bảo phát triển nền nông nghiệp bền vững, ảnh hưởng đến mối quan hệ công nghiệp – nông nghiệp – nông dân và nông thôn.

Được biết hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón (đặc biệt là máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu của các nhà bản quyền) đều chịu thuế GTGT 10%. Trước khi có Luật số 71/2014/QH13, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Từ khi có Luật số 71/2014/QH13, số thuế này phải tính vào tổng mức đầu tư, tăng giá trị tài sản cố định.

Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 02 đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón khi thực hiện mở rộng đầu tư đã bị ảnh hưởng bởi Luật 71 dẫn đến thuế GTGT đầu vào trong quyết định đầu tư không được khấu trừ, ghi tăng tài sản, cụ thể: Tại Tổng công ty phân bón hóa chất Dầu khí – (PVFCCo) Dự án NPK khoảng 180 tỷ. Tại Công ty cổ phần phân bón Cà Mau (PVCFC) Dự án (NPK) khoảng 80 tỷ đồng không được khấu trừ phải ghi nhận tăng tổng giá trị đầu tư (thuế GTGT không được khấu trừ từ năm 2015 đến 2018 khoảng 25,33 tỷ đồng).

Số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của Đạm  Hà Bắc tính đến 15/10/2019 trên 143 tỷ đồng

Được biết, tháng 8/2017, Bộ Tài chính từng đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và dự thảo Luật sau đó đã quy định thuế suất cho sản phẩm phân bón là 5%, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua do còn một số vướng mắc. 

Gần đây nhất, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trước đấy là văn bản gửi Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để có thể sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào danh mục sản phẩm hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng.

Theo ông Phùng Hà – Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết: Từ những bất cập nêu trên, các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam đều thống nhất kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức 0% hoặc 5% như trước đây. Vì thế, nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến ngành phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng các nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một số doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính,….và một số cơ quan khác về việc sửa đổi Luật số 71, đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 0% hoặc 5%. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến tại Văn bản số 7050/VPCP-KTTH ngày 08 tháng 9 năm 2015, trong đó “đối với phân bón, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tình hình thực hiện năm 2015 để đề xuất sửa đổi trong năm 2016”.

Thiết nghĩ, không thể để ngành sản xuất phân bón Việt Nam “đi thụt lùi”, ảnh hưởng lớn đến phát triển nông nghiệp, theo một nghiên cứu của FAO cùng với các yếu tố về giống, thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp,….thì phân bón đóng góp tới trên 40% cho việc nâng cao năng suất cây trồng. Chính sách thuế cần có sự thay đổi để phù hợp với tình hình và đúng với định hướng chiến lược phát triển ngành phân bón của Chính phủ. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước rất cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách mà đúng hơn đó là sự cạnh tranh công bằng giữa sản phẩm phân bón nhập khẩu và sản phẩm phân bón sản xuất trong nước cùng với đó là phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt, tính năng đặc thù dựa trên việc sử dụng công nghệ cao để các doanh nghiệp luôn là đòn bẩy cho sự tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của phát triển kinh tê – xã hội của cả nước nói chung.

Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước gửi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ngày 15/10/2019: Số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ năm 2015 đến nay đã là hơn 3.000 tỷ đồng. Riêng năm 2018 là trên 583 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trên 143 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 150 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 120 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Lân Ninh Bình, Phân lân Nung chảy Văn Điển, Phân bón miền Nam cũng dao động từ 35 - 50 tỷ đồng....

Sông Thương