Hướng đến ngành sản xuất khẩu trang vải lâu dài
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 22:39, 12/04/2020
Vinatex mới cho ra mắt khẩu trang vải kháng giọt bắn giá 70.000 đồng/5 chiếc |
Những năm qua, Việt Nam là một trong những nước thuộc tốp đầu về xuất khẩu hàng dệt may. Một ngành tạo ra kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD năm 2019. Nhưng khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, ngành dệt may đã phải đối mặt với "cú sốc kép".
Trong bối cảnh đó, sản xuất khẩu trang trở thành một giải pháp để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập, giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng. Từ đó năng lực sản xuất khẩu trang của các doanh nghiệp dệt may cũng được nâng cao. Cụ thể, các sản phẩm dệt may của Việt Nam sản xuất khá đa dạng, đáp ứng được hầu hết các phân khúc sản phẩm mà thị trường thế giới yêu cầu. Hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều có thể làm được khẩu trang, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố như: trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này. Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam…
Trước đây, doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Nhưng hiện nay một số doanh nghiệp, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định, đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay còn có thể nâng cao hơn nữa, ông Trần Thanh Hải chia sẻ thêm.
Khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này đồng thời nghiên cứu thị trường xuất khẩu để có những đầu tư hiệu quả trong tương lai.
Được biết, ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác đi làm việc tại các doanh nghiệp dệt may, nắm tình hình và năng lực sản xuất khẩu trang vải.
Bộ Công Thương cũng đã tổ chức kết nối các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn để đẩy mạnh tiêu thụ khẩu trang vải ở trong nước.
Hiện nay, trước tình hình năng lực sản xuất khẩu trang vải được mở rộng trong khi thị trường trong nước đang dần bão hòa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các đầu mối, doanh nghiệp ở nước ngoài để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải.