Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tối 12/4: Gần 1,8 triệu người mắc, hơn 109.000 ca tử vong

Thời sự - Ngày đăng : 20:09, 12/04/2020

(TN&MT) - Tính đến 16h30 ngày 12/4, trên toàn thế giới đã có gần 1,8 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 109.000 người tử vong. Sau khi được rời khỏi khu chăm sóc đặc biệt, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã khen ngợi sự chăm sóc “mẫu mực” mà các y bác sĩ tại bệnh viện St.Thomas ở London đã dành cho ông trong thời gian điều trị COVID-19.

Thủ tướng Anh: "Tôi nợ họ cuộc đời của tôi" - ngoài sự chăm sóc tích cực

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ca ngợi sự chăm sóc “mẫu mực” mà các y bác sĩ tại bệnh viện St.Thomas ở London đã dành cho ông trong thời gian điều trị COVID-19. Đó là những lời phát biểu đầu tiên sau khi ông Johnson rời khỏi khu chăm sóc đặc biệt.

“Tôi không thể cảm ơn sao cho đủ. Tôi nợ họ cả cuộc đời này”, Thủ tướng nói về đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện St.Thomas trong ngày 12/4.

Thủ tướng Anh, ông Vladimir Johnson rời phố Downing trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại London, Anh vào ngày 25/3/2020. Ảnh: Reuters

Sau 10 ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, Thủ tướng Johnson đã nhập viện vào ngày 5/4. Sau đó ông được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt và phải thở ôxy.

Đến ngày 9/4, ông Johnson được đưa ra khỏi khu chăm sóc đặc biệt và được chuyển đến khu hồi phục.

Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, sức khỏe của ông Johnson đã được cải thiện và ông bắt đầu vận động nhẹ. Hiện chưa rõ thời gian nào Thủ tướng sẽ xuất viện.

Trong bản tin tóm tắt hàng ngày của chính phủ Anh vào ngày 11/4, Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cho biết Thủ tướng Johnson cần thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi trước khi trở lại làm việc.

Tây Ban Nha: Thêm 619 người chết, nâng tổng số lên 16.972

Ngày 12/4, Hãng tin Reuters đưa tin, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 619 người chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 16.972.

Theo Bộ Y tế nước này, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này hiện là 166.019, trong đó số ca nhiễm mới là 4.167 người.

Cho đến nay Tây Ban Nha vẫn là điểm nóng COVID-19 trên toàn cầu, với số ca nhiễm cao chỉ đứng sau Mỹ. Tuy nhiên, theo thống kê, số ca nhiễm mới ở Tây Ban Nha đang giảm theo từng ngày.

4.167 ca vừa qua là số ca nhiễm mới thấp nhất trong một ngày mà Tây Ban Nha xác nhận kể từ ngày 22/3.

Nga ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục

Ngày 12/4, Nga xác nhận thêm 2.186 ca nhiễm COVID-19 mới, con số lớn nhất ghi nhận trong một ngày kể từ khi nước này có ca nhiễm đầu tiên.

Nga hiện có 15.770 ca nhiễm và 130 người tử vong vì COVID-19, trong đó có 24 ca tử vong mới theo Trung tâm ứng phó khủng hoảng COVID-19 của Nga.

Indonesia và Malaysia đều xác nhận số ca nhiễm tăng mạnh

Ngày 12/4, Indonesia có thêm 399 ca nhiễm COVID-19 - số ca cao kỉ lục trong ngày tại nước này cho đến nay. Theo Achmad Yurianto - quan chức của Bộ Y tế Indonesia, nước này hiện có 4.241 ca nhiễm COVID-19.

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia cũng ghi nhận thêm 153 trường hợp dương tính với COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 4.683. Malaysia vẫn là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.

Bangladesh công bố gói cứu trợ virus corona, Ấn Độ gia hạn lệnh phong tỏa

Ngày 12/4, Bangladesh đã công bố gói cứu trợ trị giá khoảng 1,7 tỷ USD để giúp nông dân đấu tranh do tác động của những hạn chế được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Trong khi đó, nước láng giềng Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa trên toàn quốc.

Bangladesh đã gia hạn lệnh phong tỏa 11 ngày đến 25/4, một động thái có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn mà hàng trăm ngàn nông dân trồng lúa, cá, sữa, gia cầm và rau của nước này phải đối mặt.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cho biết gói cứu trợ, bao gồm 590 triệu USD cho các khoản vay nông nghiệp giá rẻ và 1,1 tỷ USD cho trợ cấp phân bón sẽ giúp đỡ những người nông dân đang gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm của họ trong thời gian phong tỏa.

“Tai họa đã ập đến. Chúng ta phải mạnh dạn đối mặt với thực tế. Hãy cố gắng đảm bảo rằng lĩnh vực nông nghiệp của Bangladesh sẽ tiếp tục sản xuất trơn tru” - Thủ tướng Hasina nhấn mạnh.

Một bác sĩ đo nhiệt độ của cư dân ở Dharavi, một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á, tại Mumbai, Ấn Độ vào ngày 11/4/2020. Ảnh: Reuters

Số ca nhiễm COVID-19 ở khu vực Nam Á đã vượt qua 14.500 vào ngày 12/4. Ấn Độ, với 8.356 ca nhiễm và 273 người tử vong, hiện là nước bị thiệt hại nặng nề nhất tại khu vực này.

Mối lo ngại đang gia tăng khi trung tâm tài chính Ấn Độ Mumbai, nơi chiếm khoảng 1.250 ca nhiễm, đang trở thành điểm nóng của virus corona. Chính quyền địa phương cũng đang chiến đấu với sự lây lan nhanh chóng qua các khu ổ chuột đông dân cư.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi quyết định kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc thêm 2 tuần. Trước đó, lệnh phong tỏa này vốn kéo dài 21 ngày và dự kiến hết hạn vào ngày 14/4.

Các bang như Maharashtra, có thủ phủ là thành phố Mumbai và ít nhất 3 bang khác cho biết họ sẽ gia hạn lệnh phong tỏa đến cuối tháng 4.

Tại Pakistan, các nhà chức trách báo động về sự gia tăng mạnh trong số ca nhiễm COVID-19 tại thành phố Karachi, thủ phủ của Sindh và là quốc gia lớn nhất nước này. Các nhà chức trách cho biết chính quyền tỉnh Sindh đã quyết định niêm phong 11 khu dân cư đông đúc ở thành phố Karachi.

Một số dữ liệu thống kê về tình hình dịch COVID-19 tại Nam Á:

* Ấn Độ có 8.356 trường hợp nhiễm, trong đó có 273 ca tử vong

* Pakistan có 5.038 ca nhiễm và 86 ca tử vong

* Afghanistan xác nhận 607 người nhiễm, trong đó có 19 người tử vong

* Sri Lanka ghi nhận 198 trường hợp nhiễm, trong đó có 7 trường hợp tử vong

* Bangladesh có 621 trường hợp nhiễm, trong đó có 34 ca tử vong

* Maldives thông báo 20 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong

* Nepal có 12 trường hợp nhiễm và không có ca tử vong

* Bhutan ghi nhận 5 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong

Cập nhật lúc 16h30 ngày 12/4/2020:

Thế giới:  1.787.069 người mắc; 109.288 người tử vong, trong đó:

- Mỹ: 533.115 người mắc; 20.580 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 163.027 người mắc; 16.606 người tử vong.

- Ý: 152.271 người mắc; 19.468 người tử vong.

- Đức: 125.452 người mắc; 2.871 người tử vong.

 

Mai Đan