Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 11/4: Số người chết toàn cầu đạt 100.000, hơn 1,6 triệu ca nhiễm

Thời sự - Ngày đăng : 09:15, 11/04/2020

(TN&MT) - Theo thống kê của Reuters, tính đến ngày 10/4, số ca tử vong vì virus corona gây bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 100.000, tăng gấp đôi chỉ trong một tuần, với 1,6 triệu ca nhiễm.

So sánh số người chết vì COVID-19 với nhiều dịch bệnh lớn

Tổng số ca nhiễm trên đã tăng với tốc độ hàng ngày từ 6-10% trong tuần qua, và đã có gần 7.300 trường hợp tử vong được xác nhận trên toàn cầu tính đến ngày 9/4.

Số ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19 hiện nay được so sánh với bệnh dịch hạch lớn ở London, Anh vào giữa thập niên 1660 đã làm chết khoảng 100.000 người - khoảng một phần ba dân số thành phố tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, số người chết vì COVID-19 vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tổng số người tử vong do bệnh cúm Tây Ban Nha, bắt đầu vào năm 1918 và ước tính làm chết hơn 20 triệu người vào thời điểm nó bùng phát vào năm 1920.

Virus corona chủng mới được cho là xuất phát từ một khu chợ ở Vũ Hán, nơi động vật hoang dã được bán vào cuối năm ngoái. Nó nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Nhân viên y tế chuyển thi thể của một nạn nhân đã chết vì COVID-19 lên cáng tại Trung tâm Y tế Do Thái Kingsbrook ở Brooklyn, New York, Mỹ vào ngày 8/4. Ảnh: Reuters

Vẫn còn nhiều điều phải xác định về loại virus này, bao gồm cả việc nó gây chết người như thế nào. Ước tính rất khác nhau.

Số liệu vào ngày 10/4 - 100.000 trường hợp tử vong trong số 1,6 triệu ca nhiễm - cho thấy tỷ lệ tử vong là 6,25% nhưng nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ thực tế thấp hơn do nhiều trường hợp nhẹ và không có triệu chứng không bao gồm trong tổng số ca nhiễm trên.

Một số quốc gia, bao gồm Ý, Pháp, Algeria, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh xác nhận hơn 10% trong số tất cả các trường hợp được xác nhận đã tử vong.

Một trong những nghiên cứu lớn nhất về mức độ tử vong của căn bệnh này, liên quan đến 44.000 bệnh nhân ở Trung Quốc, đưa ra tỷ lệ khoảng 2,9%.

Nghiên cứu tương tự cho thấy 93% trường hợp tử vong được ghi nhận là những người trên 50 tuổi và hơn một nửa là trên 70 tuổi.

Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều thanh niên và thiếu niên nhiễm COVID-19 trên toàn cầu.

Mặc dù Bắc Mỹ hiện chiếm hơn 30% tổng số người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, nhưng Châu Âu xác nhận số ca tử vong không tương xứng với tỷ lệ ca nhiễm trên, vì các quốc gia có dân số già như Tây Ban Nha và Ý đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chỉ riêng Nam Âu đã chiếm hơn một phần ba số ca tử vong trên toàn cầu, mặc dù chỉ ghi nhận 20% số ca nhiễm trên toàn thế giới.

Ở nhiều quốc gia, dữ liệu chính thức chỉ bao gồm các trường hợp tử vong do COVID-19 tại bệnh viện, không tính đến số người chết tại nhà hoặc viện dưỡng lão.

Anh: Thêm 980 người chết vì COVID-19 – mức tăng lớn nhất cho đến nay

Ngày 10/4, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock xác nhận số người chết ở Anh do COVID-19 đã tăng thêm 980 người trong ngày 10/4, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 8.958 - mức tăng hàng ngày lớn nhất của Anh cho đến nay.

Con số vượt quá ngày chết chóc nhất được ghi nhận tại Ý - quốc gia bị nhiễm virus corona nặng nhất vào thời điểm đó - vào ngày 28/3, với 969 người chết.

Ông Hancock kêu gọi người Anh không rời khỏi nhà của họ trong các ngày lễ Phục sinh, trong thời gian nóng theo dự báo.

Ông Hancock xác nhận sức khỏe của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã được cải thiện sau đợt chăm sóc đặc biệt kéo dài ba đêm.

Trước đó, một phát ngôn viên của Downing Street cho biết: “Ông Johnson, người đang được điều trị COVID-19, hiện đã có thể đi bộ ngắn”.

Ma-rốc bắt đầu sản xuất 500 máy thở

Bộ Công nghiệp Ma-rốc cho biết nước này đã bắt đầu sản xuất máy thở riêng với mặt nạ dưỡng khí, với 500 chiếc dự kiến sẽ sẵn sàng vào giữa tháng 4 để giúp đáp ứng nhu cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.

Vương quốc Bắc Phi này đã xác nhận 1.431 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, bao gồm 105 trường hợp tử vong và đang tìm cách nâng số giường chăm sóc đặc biệt lên 3.000 từ 1.640 giường bệnh.

Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng thiếu máy thở và các thiết bị y tế khác trên toàn cầu.

Bộ Công nghiệp Ma-rốc đã yêu cầu các nhà cung cấp hàng không và điện tử trong nước phát triển và sản xuất cả máy thở không xâm lấn, trong đó mặt nạ oxy bảo vệ trên mặt bệnh nhân, và các mô hình xâm lấn trong đó một ống đưa oxy thẳng vào phổi bệnh nhân.

“500 máy thở không xâm lấn đầu tiên sẽ sẵn sàng trong khoảng một tuần nữa”, Bộ Công nghiệp Ma-rốc cho biết trong một email gửi cho Reuters.

Badre Jaafar, giám đốc SERMP, một công ty có trụ sở tại Casablanca chuyên cung cấp các bộ phận cho nhà sản xuất động cơ máy bay Safran của Pháp cho biết: “Chúng tôi sử dụng nguyên liệu được cung cấp tại địa phương ở đây và chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất máy thở”.

Các nhân viên làm việc tại một nhà máy sản xuất máy thở ở Casablanca, Morocco vào ngày 10/4/2020. Ảnh: Reuters

Công ty này đã phối hợp với các công ty khác, được điều phối bởi Bộ Công nghiệp và với sự giúp đỡ của Bộ Y tế và các cơ quan nhà nước khác.

Chính phủ Ma-rốc, nơi đã áp dụng biện pháp phong tỏa để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 cho biết tháng trước nước này đã phân bổ 200 triệu USD để mua thiết bị và thuốc men để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng.

Các bác sĩ và kỹ sư từ các tổ chức công đã giúp thiết kế máy thở không xâm lấn, có khả năng sử dụng 3.000 giờ và Bộ Y tế đã phê duyệt thiết kế.

Họ hiện đang làm việc để phát triển một máy thở xâm lấn.

Ma-rốc có khoảng 140 nhà cung cấp hàng không sử dụng hơn 10.000 người và năm ngoái đã xuất khẩu 1,58 tỷ USD các bộ phận cho các công ty bao gồm Boeing và Airbus.

Cả Bộ Công nghiệp và các công ty đều không cho biết cần phải đầu tư bao nhiêu hoặc dựa trên những điều khoản thương mại để sản xuất máy thở. Theo Bộ này, họ đã khuyến khích dự án sản xuất máy thở nhưng khu vực tư nhân hiện đang dẫn đầu.

“Tôi hy vọng đây sẽ là “bệ phóng” cho ngành y tế trong nước” – Jaafar mong muốn.

Cập nhật lúc 7h35 ngày 11/4/2020:
Thế giới: 1.697.533 người mắc; 102.687 người tử vong, trong đó:
- Mỹ: 502.049 người mắc; 18.719 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 158.273 người mắc; 16.081 người tử vong.
- Ý: 147.577 người mắc; 18.849 người tử vong.
- Đức: 122.171 người mắc; 2.767 người tử vong.
Việt Nam: 257 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).
128 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 9/4) được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN19, BN21, BN22, BN23, BN24, BN26, BN27, BN29, BN30, BN31, BN32, BN33, BN34, BN35, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN45, BN46, BN47, BN48, BN49, BN51, BN53, BN54, BN55, BN56, BN57, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64, BN66, BN67, BN68, BN69, BN70, BN71, BN72, BN73, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79, BN80, BN81, BN82, BN83, BN84, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN95, BN96, BN98, BN99, BN100, BN101, BN102, BN103, BN104, BN107, BN110, BN111, BN112, BN113, BN116, BN117, BN118, BN 119, BN120, BN121, BN122, BN123, BN125, BN126, BN129, BN130, BN131, BN132, BN136, BN137, BN138, BN140, BN142, BN150, BN152, BN153, BN154, BN159, BN160, BN179, BN187, BN192, BN197, BN198, BN200, BN203, BN222, BN234, BN237, BN249

Mai Đan