Thanh Hóa: Cương quyết dẹp nạn “cát tặc”

Khoáng sản - Ngày đăng : 18:43, 10/04/2020

(TN&MT) - Trong những năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép dọc các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn diễn ra. Do nhiều mỏ khai thác cát vượt quá trữ lượng, khai thác ra ngoài vị trí, không thả phao, cắm mốc giới, các tàu thuyền khai thác cát chưa đăng ký, đăng kiểm... dẫn đến tình trạng lợi dụng giáp ranh mỏ để khai thác cát trái phép làm sạt lở bờ sông, gây bức xúc cho người dân và khó khăn cho công tác quản lý.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 95 mỏ cát được quy hoạch, với tổng trữ lượng là 21 triệu m3. Hiện nay, có 60 mỏ được cấp giấy phép khai thác cát (trong đó có 23 giấy phép được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản) đã cấp cho các doanh nghiệp khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Số tiền cấp quyền khai thác thu được là 154,2 tỷ đồng (trong đó số tiền định giá: 60,6 tỷ đồng; số tiền đấu giá: 93,6 tỷ đồng).

Tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như tình trạng khai thác cát trái phép đến nay vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, vẫn còn xảy ra vào thời điểm nhạy cảm (ban đêm, đầu sáng, tại các khu vực giáp ranh giữa các huyện...). Các đơn vị được cấp phép khai thác chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác cụ thể: kê khai sản lượng khai thác không đúng thực tế; chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy; Các đơn vị được cấp phép nạo vét lòng sông, hồ có thu hồi cát: chưa nghiêm túc thực hiện việc nạo vét theo đúng phương án được duyệt, nhiều đơn vị chỉ tập trung tận thu cát, không chú trọng đến việc nạo vét bùn, đất thải dẫn đến quá trình triển khai dự án kéo dài, chưa mang lại hiệu quả.

Để hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, Ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt về việc xử lý các tàu, thuyền chưa đăng ký, đăng kiểm; chỉ đạo các huyện, xã thành lập tổ công tác hoạt động 24/24 giờ; Ban hành chỉ thị về hạn chế sử dụng cát đủ tiêu chuẩn xây dựng để san nền công trình; Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2693/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; ký Quy chế phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh trong công tác giám sát, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Đồng thời, lực lượng công an cũng đã vào cuộc, nắm bắt tình hình, chấn áp các đối tượng hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Xử lý các tàu, thuyền chưa đăng ký, đăng kiểm

Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2019, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động khai thác, tập kết cát đối với 13 mỏ cát, 29 bãi tập kết và 30 mỏ đất san lấp trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch; kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại địa bàn các huyện: Cẩm Thủy, Nông Cống, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia, Yên Định, thị xã Bỉm Sơn và TP. Thanh Hóa. Qua kết quả kiểm tra, Sở đã có các Văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời yêu cầu các huyện, xã tổ chức kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, có biện pháp xử lý, tăng cường quản lý, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Điển hình như mỏ cát số 05 của Công ty Xây dựng và Thương mại Hưng Đô  thuộc xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa vi phạm trong khai thác cát ở sông Chu như: Khai thác ra ngoài vị trí, các phương tiện tàu thuyền chưa đăng ký, đăng kiểm, khu vực mỏ thiếu các phao, mốc giới mỏ nên dẫn đến các đối tượng thường lợi dụng để khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông, khiến cho người dân địa phương vô cùng bức xúc. Trước sự việc trên chính quyền địa phương đã lập chốt kiểm tra lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính nhưng đơn vị vẫn bất chấp pháp luật lợi dụng giáp ranh mỏ để khai thác cát trái phép, điều này đã và đang gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Khu vực sông Chu thuộc xã Thiệu Nguyên bị sạt lở vào đất canh tác của người dân do hoạt động khai thác cát trái phép

Cũng như trước đó, Báo Tài nguyên và Môi trường có loạt bài phản ánh về tình trạng sạt lở 2 bờ sông Mã thuộc địa bàn xã Cẩm Vân, Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy do hoạt động khai thác cát trước đó của mỏ cát số 45, 46, 47 và mưa lũ hàng năm gây ra đã làm ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu của người dân.

Ông Phạm Văn Hoành, Trưởng phòng Khoáng sản- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; đôn đốc các đơn vị có giấy phép khai thác đã hết hạn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp lại giấy phép và hướng dẫn các đơn vị không còn nhu cầu khai thác mỏ lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định. Tiếp tục, kiểm tra tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép đối với các đơn vị vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, rà soát các mỏ đủ điều kiện trình UBND tỉnh đưa vào kế hoạch đấu giá năm 2020. Đặc biệt là tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện quản lý tài nguyên cát theo Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Thu Thủy