Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường không khí hiện đại và bền vững: Nhận diện những khó khăn
Môi trường - Ngày đăng : 10:18, 09/04/2020
Thường trực nỗi lo ô nhiễm
Theo thông tin quan trắc từ Tổng cục Môi trường, những ngày đầu tháng 4, chất lượng không khí ở Thủ đô Hà Nội và một số đô thị khác đạt mức tốt - một dấu hiệu khả quan, sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về cách ly xã hội, hạn chế tối đa các hoạt động sản xuất, dịch vụ, tạm dừng các hoạt động giao thông công cộng như xe buýt, taxi, dịch vụ xe chở khách… Trước đó, trong tháng 3, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn diễn ra khá phổ biến tại khu vực nội thành Thủ đô, tuy vậy, mức độ ô nhiễm có giảm hơn so với 2 tháng trước.
Ô nhiễm không khí đô thị là vấn đề cấp thiết cần giải quyết. Ảnh: Hoàng Minh |
Diễn biến chất lượng không khí của các đô thị lớn luôn được Tổng cục cập nhật hàng ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân, khi nỗi lo về tình trạng ô nhiễm không khí vẫn luôn ám ảnh tâm lý của không ít người. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi theo phân tích của Tổng cục Môi trường, môi trường không khí đang chịu nhiều áp lực từ quá trình đô thị hóa cùng với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội chưa được quản lý và kiểm soát tốt. Số lượng đô thị tăng nhanh chóng kèm với gia tăng nhanh dân số đô thị (hiện chiếm 32% tổng dân số toàn quốc) trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề môi trường không khí ở các đô thị loại I và II.
Hệ quả là tại các đô thị, ô nhiễm do bụi vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất. Nồng độ các thông số bụi (bụi mịn và bụi lơ lửng tổng số) có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt tại các trục giao thông và tuyến đường chính ở các đô thị lớn. Kết quả đo cho thấy, số ngày có giá trị bụi PM10, PM2.5 vượt QCVN chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt tại các trạm ven đường giao thông.
Quan trắc chưa đáp ứng được nhu cầu
Hiện nay, tổng số trạm quan trắc môi trường không khí tự động do Bộ TN&MT quản lý là 17 trạm, gồm 10 trạm quan trắc môi trường không khí tự động thuộc quản lý trực tiếp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và 7 trạm do Tổng cục Môi trường quản lý trực tiếp. Các thông số quan trắc bao gồm: Bụi (PM10, PM2.5, PM1), NOx, SO2, CO, O3, BTX, THC và các thông số vi khí hậu như: Hướng gió, tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, bức xạ mặt trời.
Tại các địa phương, thống kê trên 45/63 địa phương cho thấy, 40/45 (89%) địa phương có hệ thống trạm quan trắc tự động liên tục (bao gồm quan trắc môi trường xung quanh hoặc quan trắc phát thải). 11/45 (24%) địa phương có hệ thống trạm quan trắc môi trường xung quanh. Chỉ có 5/45 (11%) địa phương chưa có trạm quan trắc tự động, liên tục.
Thiếu các số liệu quan trắc tức thời và liên tục 24/24 giờ khiến công tác đánh giá hiện trạng, xu thế và diễn biến chất lượng không khí, chất lượng nước gặp nhiều khó khăn, trở ngại và đôi khi không thể thực hiện được. Đơn cử, việc so sánh kết quả quan trắc chất lượng không khí bằng phương pháp quan trắc bán tự động theo đợt với tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh (theo trung bình 1 giờ, 8 giờ, 24 giờ...) hết sức khó khăn.
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, do thiếu kinh phí nên việc quan trắc môi trường theo phương pháp bán tự động (manual monitoring) với tần suất quan trắc rất thưa như hiện nay (4 - 6 lần/1 năm đối với môi trường không khí) không theo kịp được các vấn đề môi trường, không đáp ứng nhu cầu phát hiện và cảnh báo sớm các vấn đề môi trường.
Trước thực trạng đó, Tổng cục Môi trường cho rằng, bên cạnh việc duy trì hoạt động quan trắc bán tự động, nhu cầu tăng cường đầu tư một cách đồng bộ các thiết bị quan trắc tự động tiên tiến và hiện đại để giám sát chất lượng môi trường tại những nơi, những vùng chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội là cấp thiết.