Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường không khí hiện đại và bền vững: Đầu tư “đắt nhưng xắt ra miếng”
Môi trường - Ngày đăng : 10:02, 09/04/2020
PV: Để có cơ sở đánh giá chất lượng môi trường không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP. Hà Nội và TP. HCM, hệ thống quan trắc môi trường không khí đóng vai trò là “công cụ thiết yếu”. Ông đánh giá như thế nào về hệ thống này ở Việt Nam hiện nay?
Ông Hoàng Dương Tùng:
Quan trắc môi trường không khí là một nội dung không thể thiếu được trong quản lý chất lượng môi trường không khí. Thông qua hệ thống này, chúng ta biết được chất lượng không khí đang ở đâu, tốt hay xấu, các chất nào đang vượt quá quy chuẩn, xu hướng thay đổi như thế nào để tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm và các biện pháp phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm.
Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường |
Với sự phát triển khoa học kỹ thuật như ngày nay, tất cả các nước đều sử dụng các trạm quan trắc không khí tự động để đo đạc liên tục nồng độ một số chất ô nhiễm cơ bản như là: PM2.5, NOx, SO2, CO2 cùng các thông số khí tượng khác như gió, nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ mặt trời… với tuần suất trung bình khoảng 5 phút/lần.
Nhận thức được điều đó, các cơ quan quản lý môi trường cấp Trung ương và địa phương đã triển khai các trạm quan trắc tự động liên tục này rất sớm tại Hà Nội và TP.HCM, cách đây hơn 20 năm. Tuy vậy, hiện nay, do nhiều lý do chủ quan, số lượng các trạm đang hoạt động và công bố số liệu hàng ngày từ các cơ quan quản lý tại các thành phố này khá khiêm tốn. Tại Hà Nội, có 3 trạm, bao gồm 1 trạm của Tổng cục Môi trường và 2 trạm của thành phố, còn tại TP.HCM, hiện chưa có trạm nào. Ngoài ra, ở một vài các tỉnh khác cũng có một số trạm do Tổng cục Môi trường quản lý và địa phương quản lý.
Có thể nói, chúng ta đang có quá ít các trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục, chưa đủ để đánh giá một cách toàn diện chất lượng không khí xung quanh. Chính vì thế, đầu tư và có cơ chế vận hành phù hợp các trạm quan trắc không khí cho các thành phố phải là việc cấp bách hiện nay.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, Hà Nội ít nhất cần phải có 10 trạm, TP.HCM ít nhất phải có 15 trạm quan trắc.
PV: Ngoài hệ thống quan trắc môi trường không khí của Nhà nước, còn có hệ thống quan trắc của các đơn vị như Đại sứ quán hay các công cụ tư nhân. Thế nhưng, lại tồn tại một vấn đề là có sự chênh lệch với số liệu quan trắc từ các thiết bị này. Vì sao vậy, thưa ông?
Ông Hoàng Dương Tùng:
Tại Hà Nội và TP.HCM ngoài các trạm của Nhà nước, còn có các trạm đặt tại một số đại sứ quán cũng cung cấp số liệu về bụi PM2.5 và công bố trên mạng. Ngoài ra, trong thời đại 4.0, thành phố thông minh, hiện nay, các thiết bị cảm biến giá rẻ (low cost sensor) cũng đang được áp dụng tại nhiều nước, trong đó, có Việt Nam cũng đang chứng tỏ sức mạnh của nó, góp phần cung cấp thêm cho người dân những thông tin hữu ích, có giá trị về bụi PM2.5.
Cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội quan trắc môi trường không khí. Ảnh: Hoàng Minh |
Cần phải nói rằng, về mặt khoa học số liệu của các trạm này khác nhau là đương nhiên khi thiết bị của các hãng khác nhau, công nghệ khác nhau, địa điểm khác nhau (ngay cùng một loại thiết bị đặt tại 1 chỗ cũng có thể đo kết quả khác nhau). Vấn đề quan trọng là ở chỗ nó về mặt xu hướng nó có khác nhau không, các trạm quan trắc gần nhau có kết quả gần nhau chấp nhận được hay không. Qua theo dõi một thời gian dài, chúng ta có thể thấy, các trạm quan trắc tại các thành phố là tương đồng về PM2.5, dù là trạm của Nhà nước hay trạm của các đại sứ quán hay của các tổ chức khác.
PV: Để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn về đánh giá chất lượng môi trường, thậm chí, tiến tới “dự báo chất lượng môi trường không khí”, theo ông, hệ thống quan trắc này của Việt Nam cần được cải tiến và đầu tư như thế nào?
Ông Hoàng Dương Tùng:
Theo tôi, phải coi đầu tư cho hệ thống quan trắc không khí tự động là đầu tư cho phát triển, phải được các cấp (quốc gia và địa phương) ưu tiên, mặc dù, đây là hệ thống đắt tiền khi đầu tư và vận hành. Trong những năm tới, chúng ta phải tăng mạnh số lượng các trạm tại mỗi đô thị, mỗi địa phương.
Cùng với đó, phải có cơ chế tài chính và tổ chức phù hợp để vận hành các trạm quan trắc hiệu quả, bền vững. Để vận hành, hàng năm, mỗi trạm đòi hỏi một lượng kinh phí khá lớn, phải có cơ chế phù hợp để khi hỏng hóc, có thể thay thế ngay, không phải đợi thời gian xin - duyệt - mua khá lâu như hiện nay, như thế sẽ mất số liệu một thời gian dài, không có số liệu để đánh giá. Cũng cần nghiên cứu cách thuê công ty tư nhân vận hành như một số nước đã làm nhằm giảm nhẹ gánh nặng vận hành cho Nhà nước và tăng tính bền vững của hệ thống.
Đồng thời, phải kết hợp với các hệ thống khác như khí tượng, thời tiết, viễn thám, áp dụng các mô hình để tính toán, dự báo chất lượng không khí. Cuối cùng, phải tăng cường công khai chia sẻ dữ liệu thông tin chất lượng môi trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!