Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tối 8/4: Mỹ có thể ở đỉnh đường cong của biểu đồ dịch bệnh

Thời sự - Ngày đăng : 21:36, 08/04/2020

(TN&MT) - Tính đến 17h00 ngày 8/4/2020, thế giới hiện có hơn 1,4 triệu ca nhiễm và gần 83.000 ca tử vong. Trong đó, với hơn 400.000 người mắc và hơn 12.000 người tử vong, Mỹ có thể đang ở đầu đỉnh đường cong của biểu đồ dịch bệnh COVID-19.

* Thủ tướng Anh Vladimir Johnson đã trải qua một đêm thứ hai nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt và trong tình trạng ổn định. Trong khi đó, Vương quốc Anh đang bước vào giai đoạn mà các nhà khoa học cho là giai đoạn nguy hiểm nhất của đại dịch COVID-19.

Trước đó, ngày 27/3, ông Johnson được xác nhận nhiễm COVID-19, sau đó, triệu chứng của ông trở nên nặng hơn nên ông phải điều trị trong phòng hồi sức tích cực (ICU) vào tối 6/4.

* Theo chính phủ Ý, các cảng của Ý không thể được coi là an toàn vì dịch bệnh và sẽ không cho tàu thuyền di cư từ thiện cập bến.

* Số người chết hàng ngày tại Tây Ban Nha đã tăng lần đầu tiên vào ngày 7/4 trong 5 ngày, nhưng vẫn còn hy vọng lệnh phong tỏa sẽ được nới lỏng khi các quan chức thực hiện kế hoạch dỡ bỏ một số hạn chế.

* Số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày tại Đức đã tăng trong ngày thứ hai liên tiếp sau 4 ngày giảm trước đó.

* Theo một cố vấn y tế Pháp, nước này nên gia hạn lệnh phong tỏa trong vài tuần, sau khi Pháp trở thành quốc gia có số người chết cao thứ tư thế giới, với hơn 10.000 ca tử vong vì COVID-19.

* Một tàu quân sự của Pháp đang quay trở lại cảng sau khi một số nhân viên trên tàu có triệu chứng nhiễm COVID-19.

* Số ca nhiễm của Cộng hòa Séc đã tăng đến hơn 5.000 người, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại đã khiến chính phủ tự tin bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa.

* Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ có thể đang ở đầu đỉnh đường cong của biểu đồ dịch bệnh COVID-19 và nhắc lại rằng ông muốn sớm mở cửa nền kinh tế.

* Theo ông Trump, WHO dường như rất thiên vị đối với Trung Quốc. Điều đó không đúng đắn. Trước đó, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter, cáo buộc WHO xem Trung Quốc là “trung tâm”.

Phát biểu trước báo giới, ông chủ Nhà Trắng cho biết sẽ hoãn tiền chi cho WHO, nhưng không nói rõ chi tiết về việc sẽ hoãn tài trợ bao nhiêu tiền.

* Mặc dù số ca tử vong đạt mức cao mới nhưng số lượng người nhập viện dường như đang chững lại ở bang New York, Mỹ.

* Theo số liệu sơ bộ mà các quan chức cho biết có sự chênh lệch trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe, COVID-19 đang giết chết người Mỹ gốc Phi với tỷ lệ cao hơn dân số Mỹ nói chung.

* Ngày 7/4, 61 người di cư Haiti đã bị Mỹ trục xuất khỏi nước này bất chấp nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia nghèo nhất châu Mỹ này.

* Ngày 7/4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết nước này cần tiếp tục làm việc với phía Mỹ để thuyết phục Washington đảm bảo nguồn cung trang thiết bị y tế được tự do lưu thông qua biên giới hai nước, trong khi tỉnh Alberta của Canada cảnh báo về thảm họa kinh tế.

* Honduras sẽ đẩy mạnh trồng ngũ cốc, rau và trái cây trên vùng đất trống để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm.

* Uruguay đã đồng ý hồi hương 112 người Australia và người New Zealand từ một tàu du lịch bị mắc kẹt gần Montevideo kể từ ngày 27/3, với hầu hết trong số 219 hành khách bị nhiễm COVID-19.

* Chính phủ Ecuador hôm nay cho biết họ đang chuẩn bị một khu chôn cất khẩn cấp trên mảnh đất được hiến tặng bởi một nghĩa trang tư nhân ở thành phố lớn nhất của đất nước, để giải quyết tình trạng thiếu nơi chôn cất khi đại dịch COVID-19 tấn công mạnh vào đất nước vùng Andean này.

* Thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài hai tháng, mặc dù một thành phố nhỏ ở phía Bắc ra lệnh hạn chế đối với người dân trong bối cảnh lo ngại về làn sóng nhiễm dịch bệnh COVID-19 lần thứ hai.

* Thủ đô tài chính Mumbai, Ấn Độ dự kiến mở rộng các biện pháp khóa máy cho đến ít nhất là ngày 30/4 khi các nhà chức trách tăng cường mở rộng xét nghiệm.

Ít người đi lại trên đường phố sau khi chính phủ Nhật Bản công bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo bởi dịch COVID-19 bùng phát tại khu mua sắm và giải trí Kabukicho vào ngày 8/4/2020. Ảnh: Reuters

* Các chuyến tàu ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản chật cứng người vào ngày 8/4, ngày đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô này.

* Singapore công bố các biện pháp mới để đẩy nhanh sản xuất thực phẩm địa phương, bao gồm cả kế hoạch biến các mái nhà bãi đậu xe trong các khu nhà ở công cộng thành trang trại đô thị.

* Hồng Kông (Trung Quốc) mở rộng các hạn chế cách ly xã hội, bao gồm đóng cửa một số quán bar và quán rượu và lệnh cấm tụ họp hơn 4 người tại nơi công cộng cho đến ngày 23/4.

* Theo một quan chức cấp cao của WHO, hầu hết các nước Trung Đông đang chứng kiến ​​sự gia tăng đáng lo ngại hàng ngày về số ca nhiễm COVID-19 nhưng khu vực này vẫn có cơ hội ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

* Bộ trưởng Bộ Y tế Saudi Arabia Tawfiq Al-Rabiah cho biết nước này đang ở một thời điểm quyết định. Tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này hiện nay là 2.795 người, với 41 ca tử vong, cao nhất trong 6 quốc gia vùng Vịnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng số ca mắc bệnh có thể sẽ lên tới 200.000 người nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng dịch của chính phủ như lệnh giới nghiêm, cấm tụ họp đông người.

Saudi Arabia đã phân bổ gần 3 tỷ USD để chống đại dịch COVID-19.

* Ai Cập sẽ cấm bất kỳ cuộc tụ họp tôn giáo nào trong tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu trong khoảng hai tuần.

* Liên minh các nhân viên y tế chính của Nam Phi đã lên kế hoạch phản đối chính phủ trước tòa về tình trạng thiếu dụng cụ bảo hộ y tế.

* Ngày 8/4, tại Singapore, Bộ Y tế nước này thông báo 142 ca nhiễm mới - mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.623 ca.

Theo Bộ Y tế Singapore, trong số ca nhiễm mới trong ngày 8/4, có 40 ca liên quan tới một khu nhà ở dành cho lao động nước ngoài.

* Cùng ngày, giới chức trách y tế Malaysia cho biết nước này xác nhận 156 ca nhiễm COVID-19 mới và 2 ca tử vong trong 24 giờ qua. Trong số 2 ca tử vong, có 1 người quốc tịch Pakistan từng tham dự lễ hội tôn giáo lớn tổ chức ở Malaysia và sau đó trở thành ổ dịch lớn của cả nước.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 và tổng số ca tử vong tại Malaysia lần lượt là 4.119 và 65. Số ca hồi phục là 1.487 người.

* Bộ Y tế Philippines ngày 8/4 thông báo thêm 106 ca nhiễm COVID-19 và 5 ca tử vong mới, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên tương ứng là 3.870 và 96 người.

* Ngày 8/4, Bộ Y tế Indonesia xác nhận thêm 218 ca nhiễm COVID-19 và 19 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong trong nước lên lần lượt là 2.956 và 240. Nước này hiện có 222 người đã hồi phục sức khoẻ.

Diễn biễn tình hình kinh tế thế giới thời dịch COVID-19:

* Thị trường chứng khoán thế giới có diễn biến tiêu cực vào ngày 8/4 khi tổng số ca tử vong trên toàn cầu tiếp tục tăng và Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn không thể tìm được tiếng nói chung đối với kế hoạch cứu trợ nhằm giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

* Trao đổi với Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng khu vực này có thể cần các biện pháp tài chính trị giá tới 1,5 nghìn tỷ euro trong năm nay.

* Theo khảo sát của Reuters, Nhật Bản ​​có thể sẽ rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng trong năm nay với nền kinh tế giảm tăng trưởng trong quý thứ ba liên tiếp của năm 2020.

* Cơ quan giám sát thị trường Anh quốc đặt ra các biện pháp tạm thời để giúp các công ty huy động tiền nhanh chóng để vượt qua đại dịch.

* Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố khoản vay trị giá 36 nghìn tỷ won (tương đương 29,5 tỷ USD) cho các nhà xuất khẩu.

* Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ cung cấp gói cứu trợ trị giá hơn 100 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 12,9 tỷ đồng).

* Trao đổi với Reuters, một quan chức của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết nước này sẽ cam kết đóng góp vào một quỹ ủy thác của IMF để giảm nợ cho các nước thu nhập thấp.

* Chính quyền Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Quốc hội cấp thêm 250 tỷ USD hỗ trợ kinh tế khẩn cấp giúp các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ vượt qua ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Cập nhật lúc 17h00 ngày 8-4-2020:

Thế giới: 1.441.589 người mắc; 82.933 người tử vong, trong đó:

- Mỹ: 400.549 người mắc; 12.857 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 146.690 người mắc; 14.555 người tử vong.

- Ý: 135.586 người mắc; 17.127 người tử vong.

- Đức: 107.663 người mắc; 2.016 người tử vong.

Việt Nam: 251 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).

110 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 8/4) được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN19, BN21, BN22, BN23, BN24, BN25, BN27, BN29, BN30, BN31, BN32, BN33, BN34, BN35, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN45, BN46, BN47, BN48, BN49, BN51, BN53, BN54, BN55, BN56, BN57, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64, BN66, BN67, BN68, BN69, BN70, BN71, BN72, BN73, BN84, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79, BN80, BN81, BN82, BN83, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN95, BN96, BN98, BN99, BN100, BN101, BN102, BN103, BN104, BN107, BN110, BN111, BN112, BN113, BN116, BN117, BN118, BN 119, BN120, BN121, BN122, BN123, BN125, BN126, BN129, BN130, BN131, BN132, BN136, BN137, BN138, BN140, BN142, BN150, BN152, BN153, BN154, BN159, BN160, BN179, BN187, BN192, BN197, BN198, BN200, BN222.

Mai Đan