“Làn sóng” giảm giá chung cư Hà Nội có xảy ra?

Bất động sản - Ngày đăng : 15:15, 07/04/2020

(TN&MT) - Theo nhận định của các chuyên gia, làn sóng giảm giá chung cư sẽ diễn ra vào quý II/2020 nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy vậy , mức độ giảm giá sẽ phụ thuộc vào từng phân khúc và “sức khỏe” tài chính của các doanh nghiệp. Bởi thị trường vẫn đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung dự án mới.

Thị trường đóng băng nhưng chưa giảm giá

Kết thúc quý I/2020, thị trường bất động sản tại Hà Nội rơi vào trạng thái ảm đạm do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, nguồn cung, lượng giao dịch đã sụt giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.

Đáng chú ý, do nguồn cung khan hiếm nên các doanh nghiệp bất động sản vẫn cố gắng “cầm cự” chưa công bố chính sách giảm giá trong quý I. Giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, song cũng không giảm vì lượng hàng tồn không nhiều. 

“Mặc dù, thị trường bất động sản vô cùng trầm lắng. Nguồn cung, cầu giai đoạn này cũng thấp, nhưng hầu hết, các chủ đầu tư chưa đưa ra phương án giảm giá. Giá bán căn hộ trên thị trường vẫn không có biến động. Nhiều khả năng, bước vào quý II/2020, các phân khúc sẽ bắt đầu chỉnh chính giảm do thanh khoản của thị trường chậm dẫn đến áp lực vốn cho các dự án”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định.

Còn theo quan sát của đơn vị nghiên cứu Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, trong quý I/2020, nguồn cung mở bán mới chỉ đạt 4.600 căn đến từ 12 dự án, tương đương 65% nguồn cung so với quý trước, đây là mức thấp nhất kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2015. Lượng giao dịch thành công chỉ chiếm 49,1%.

Lãnh đạo công ty JLL cho rằng, bất động sản quý I/2020 chưa có dấu hiệu giảm giá là do giá nhà ở đang được nhiều yếu tố nâng đỡ từ nguồn cung mới hạn hẹp; giá đất tăng cao. Chi phí đầu tư của doanh nghiệp bị đội lên khi quy trình và thời gian triển khai dự án kéo dài, cộng với áp lực về lãi suất vay, khó huy động nguồn vốn ngân hàng ….

Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục căng thẳng, áp lực sẽ đè nặng lên doanh nghiệp. Để duy trì hoạt động, các chủ đầu tư buộc phải đưa ra chiến lược kinh doanh linh hoạt như có chính sách bán hàng hợp lý để thu hút dòng tiền.

"Tác động của Covid-19 lên giá có thể chưa được cảm nhận rõ ràng trong quý I vì ảnh hưởng từ sự thiếu hụt nguồn cung vẫn còn. Hơn nữa, những nhà đầu tư vẫn đang cố gắng giữ mức giá mà họ đã lập ra từ trước khi dịch bùng phát. Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, các chính sách kích cầu có thể cần được xem xét. Do vậy, chắc chắn cần thời gian để quan sát và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới thị trường”, lãnh đạo JII cho biết.

Dự kiến, giá bất động sản sẽ giảm nhiệt trong quý II

Cơ hội mua nhà giảm giá

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi đại dịch Covid-19 qua đi, nhiều  khả năng giá nhà sẽ giảm, vì các nút thắt về dòng tiền, thủ tục hành chính, pháp lý dần được giải quyết, các dự án ra hàng nhiều…, là cơ hội tốt cho người mua nhà.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, ảnh hưởng của dịch bệnh không tạo ra mối nguy hiểm quá lớn cho thị trường bất động sản nhưng nó sẽ làm sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể khiến nhiều doanh nghiệp bị mất thanh khoản về dòng tiền khi lượng tồn kho tăng cao và nợ đọng lớn dần.

Ảnh hưởng của dịch cũng làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí vốn và lãi vay kéo theo nguy cơ các khoản nợ bị chuyển thành nợ xấu. Vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản có quy mô sẽ càng gặp khó khăn hơn.

Để kích cầu, các doanh nghiệp nên thực hiện các phương thức hỗ trợ khách hàng như xem xét giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu; coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng.

Còn về phía người mua nhà, thời điểm này chính là cơ hội cho người dân mua được nhà giá rẻ hơn do các chủ đầu tư điều chỉnh giảm giá bán.

Ông Trịnh Hà, Phó Tổng giám đốc Danko Group cho rằng, kể từ đầu tháng 3/2020, các Ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Việc các Ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất tiền gửi đã tác động đến tâm lý nhiều nhà đầu tư. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm, giá vàng lên xuống thất thường, chứng khoán lao dốc thì thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và tạo được sức hấp dẫn với người mua đặc biệt sau khi dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn. Trong thời gian tới, các chủ đầu tư sẽ tung ra thị trường những sản phẩm nhà ở chất lượng, các chính sách bán hàng ưu đãi để kích cầu tích cực hơn.

Quý I/2020, tại Hà Nội có gần 9.000 căn hộ được chào bán nhưng giao dịch chỉ đạt 1.307 sản phẩm. Số lượng dự án mới đủ điều kiện để bán chỉ có 15 dự án với 9.441 sản phẩm. Lượng giao dịch đạt 2.769 sản phẩm (chỉ bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019).  (Nguồn: Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam)

 

Bài và ảnh: Thùy Linh