Dồn sức vượt qua hạn hán – xâm nhập mặn: Chủ động ứng phó, giảm thiệt hại

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 14:01, 07/04/2020

(TN&MT) - Trước thực trạng hạn hán đang diễn ra từ miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên đến Nam Bộ, Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành địa phương chủ động phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Nhờ vậy, thiệt hại đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2016. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường phỏng vấn ông Châu Trần Vĩnh (ảnh), Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước.

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn năm nay?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Theo tôi, hạn hán, thiếu nước năm nay xảy ra rất rộng, trải dài từ Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL ) và có diễn biến hết sức phức tạp.

Bằng chứng là lượng mưa cũng như lượng dòng chảy trên các sông, suối trên phạm vi cả nước là rất thấp so với trung bình nhiều năm, hiện tượng này gây thiếu hụt lượng nước ngay trong mùa mưa, lũ năm 2019. Nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn là không nhiều, chỉ từ 40 - 75% tùy từng hồ, đặc biệt, có hồ chứa chỉ tích được khoảng 20%. Các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ cũng chỉ tích được 70 - 80%, nhiều hồ chỉ đạt 40 - 50%. Riêng hồ thủy điện Hòa Bình với dung tích hơn 6 tỷ m3 đã ghi nhận mực nước thấp kỷ lục trong suốt gần 30 năm vận hành.

Qua đó, có thể thấy mùa khô năm 2019 - 2020, có khả năng đến sớm và mức độ hạn hán, thiếu nước ở ĐBSCL có có khả năng nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2018 - 2019.

PV: Vậy, Bộ TN&MT đã có những giải pháp gì để chống hạn, thưa ông?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Trước tình hình thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy nêu trên, ngay từ giữa năm 2019, trên cơ sở dự báo, cảnh báo và nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT đã thông báo cho các địa phương và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo. Đồng thời, Bộ triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo lượng nước cho các mục đích sử dụng nước từ Bắc Bộ đến Đông Nam Bộ cho mùa cạn năm 2020.

Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều cuộc họp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ hồ chứa để họp bàn, thống nhất các phương án điều chỉnh việc vận hành các hồ chứa theo từng giai đoạn cụ thể (cuối mùa lũ, đầu mùa cạn; đầu mùa cạn; trước các đợt xả nước gia tăng và từ nay đến các tháng cuối mùa cạn) theo hướng sử dụng nước tiết kiệm, giảm thiểu tối đa nguy cơ thiếu nước. Chính vì vậy, trong những đợt cấp nước đổ ải vụ Đông - Xuân vừa qua, bảo đảm cấp đủ nước cho nông nghiệp và đến nay, nguồn nước còn lại trong các hồ chứa lớn như Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang có thể bảo đảm đủ nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn.

Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước.

Riêng với ĐBSCL, mặc dù, tình hình hạn mặn mùa khô năm 2020 vẫn được coi ở mức nghiêm trọng như năm 2016, nhưng do các công tác dự báo, cảnh báo sớm của Bộ TN&MT, đặc biệt là sự chỉ đạo rất kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương trong vùng đã được thực hiện tốt, nên thiệt hại năm nay đã được giảm thiểu và tính đến nay khoảng trên 60% diện tích lúa Đông - Xuân đã được thu hoạch. Có thể nói rằng, bước đầu cho thấy, đây cũng là một thắng lợi trong công tác chống hạn, xâm nhập mặn của nhân dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, diễn biến xâm nhập mặn ở một số tỉnh như: Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An…vẫn còn hết sức phức tạp, cần thiết phải tiếp tục theo dõi để có thêm biện pháp hiệu quả hơn nữa.

Đối với các lưu vực sông thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Bộ TN&MT đã chỉ đạo hết sức quyết liệt các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là Tổng cục Khí tượng thủy văn và Cục Quản lý tài nguyên nước trong dự báo, cảnh báo kịp thời về khí tượng, thủy văn. Theo đó, các đơn vị đã đôn đốc, chỉ đạo kịp thời việc điều chỉnh vận hành, điều tiết xả nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia - Thu bồn, sông Ba, sông Sê San, sông Đồng Nai,… để góp phần vừa cấp nước cho hạ du vừa bảo đảm đủ nguồn nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn, nhất là chuẩn bị bước vào thời kỳ nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước, sử dụng điện tăng cao.

Mặc dù, từ cuối mùa lũ, đầu mùa cạn, 11 lưu vực sông đều xảy ra tình trạng thiếu nước, nguồn nước các hồ chứa rất hạn chế nhưng tính đến nay, về tổng thể chỉ còn một vài lưu vực vẫn còn nguy cơ thiếu nước nhưng nếu được điều tiết hợp lý, vẫn có thể đủ nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn.

Đối với các hồ chứa đang có thiếu hụt nguồn nước, như hồ Cửa Đạt (sông Mã), Bình Điền (sông Hương), A Vương (Vu Gia - Thu Bồn), Ka Nak (sông Ba), Sê San 4 (sông Sê San), Đại Ninh (sông Đồng Nai),… Chúng tôi đã trình lãnh đạo Bộ có văn bản phối hợp, chỉ đạo điều hành các hồ chứa. Các hồ chứa này do vẫn thiếu hụt nên phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp để bảo đảm đủ nước cấp cho từ 5 - 7 tháng còn lại của mùa cạn.

PV: Về lâu dài, theo ông cần có phương án như thế nào để phòng, chống xâm nhập mặn?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Bộ TN&MT đã chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi sát diễn biến thời tiết; tăng cường dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn. Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã gửi Văn bản đến các Sở TN&MT đề nghị báo cáo về tình hình thiếu nước sinh hoạt, đồng thời đôn đốc, hướng dẫn các chủ hồ và các địa phương thực hiện theo đúng Quy trình liên hồ đã được Thủ tướng ban hành. Tôi tin rằng, việc các chủ hồ thực hiện nghiêm túc Quy trình cộng với sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương thì việc cần đối nguồn nước được trữ từ các hồ chứa, bảo đảm điều tiết cung cấp đủ nước cho khu vực hạ du của 11 lưu vực sông lớn, quan trọng vẫn được bảo đảm trong trường hợp hạn hán khắc nghiệt như năm nay.

 Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn năm 2015 - 2016, các địa phương đã chủ động để ứng phó với đợt hạn mặn 2019 - 2020, đồng thời, cũng đề xuất những giải pháp lâu dài để ứng phó với hạn, xâm nhập mặn nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất có thể.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Thúy Hằng (thực hiện)