Thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh lao để đánh giá khả năng chống Covid-19

Thế giới - Ngày đăng : 18:19, 06/04/2020

(TN&MT) - Các nhà khoa học đang thử nghiệm vắc-xin BCG phòng bệnh lao để đánh giá khả năng của nó trong việc chống virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19.

Hình ảnh máy tính về mô hình cấu trúc đại diện của betacoronavirus được tạo bởi Nexu Science Communication cùng với Trinity College ở Dublin. Đây là loại virus liên quan đến Covid-19. Ảnh: NEXU Science Communication.

Cho đến nay vẫn chưa có loại vắc-xin nào chống lại virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng trên thế giới. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, các nhà khoa học đang thử nghiệm loại vắc-xin phòng bệnh lao để xem xét vắc-xin này có thể tăng cường hệ miễn dịch giúp làm giảm các triệu chứng về hô hấp ở những người mắc Covid-19 hay không.

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Australia và châu Âu đang thử nghiệm để đánh giá khả năng của vắc-xin Bacille Calmette-Guerin (BCG) trong việc chống Covid-19. Đây là loại vắc-xin chống bệnh lao ra đời vào những năm 1920. Nhân viên y tế và người cao tuổi – những người có nguy cơ cao mắc Covid-19 là 2 nhóm đối tượng của các đợt thử nghiệm lâm sàng.

Các nhà khoa học đã công bố các kết quả mà họ phát hiện ra và những vấn đề mà họ vẫn đang nghiên cứu thêm về khả năng của loại vắc-xin này.

Vắc-xin chống bệnh lao có thể giúp điều trị các bệnh khác như thế nào?

Vắc-xin BCG chứa một chủng vi khuẩn lao vẫn còn sống nhưng đã yếu đi nhằm giúp kích thích cơ thể sản sinh ra các kháng thể tấn công lại chính vi khuẩn lao. Đây được gọi là phản ứng miễn dịch thích ứng bởi cơ thể tạo ra cơ chế phòng vệ chống lại một vi sinh vật gây bệnh hoặc một căn bệnh nào đó sau khi gặp phải các tác nhân gây bệnh này. Hầu hết các loại vắc-xin đều tạo ra một phản ứng miễn dịch thích ứng với một mầm bệnh.

Không giống như các loại vắc-xin khác, vắc-xin BCG cũng có thể tăng cường hệ thống miễn dịch bẩm sinh, phòng thủ tuyến đầu giúp ngăn chặn nhiều loại mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể hoặc gây nhiễm trùng. Một nghiên cứu ở Guinea-Bissau cho thấy trẻ em được tiêm vắc-xin BCG có tỷ lệ tử vong thấp hơn 50% so với những trẻ em không được tiêm vắc-xin này. Thậm chí, tỷ lệ tử vong này còn thấp hơn nhiều số ca tử vong do mắc bệnh lao. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng số ca bệnh về hô hấp đã giảm bớt tương tự ở những thanh thiếu niên và người cao tuổi.

Những điều các nhà khoa học vẫn chưa biết

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa có dữ liệu về tính hiệu quả của vắc-xin BCG đối với virus corona nói chung và virus SARS-CoV-2 nói riêng.

Hơn nữa, cũng có nhiều loại vắc-xin BCG với những khả năng khác nhau trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các chủng vi khuẩn lao khác nhau. Do đó, các nhà khoa học cần phải tìm ra vắc-xin BCG nào có khả năng thúc đẩy mạnh nhất hệ miễn dịch chống lại dịch bệnh Covid-19.

Đối tượng nào nên tiêm vắc-xin BCG?

Theo các nhà khoa học, để có kết quả từ các cuộc thử nghiệm về khả năng chống Covid-19 của vắc-xin BCG, sẽ cần tới vài tháng. Giới khoa học khuyến cáo rằng trong thời gian đó, mọi người không nên vội vã đi tiêm loại vắc-xin này vì nó vẫn chưa được thử nghiệm rộng rãi ở người lớn và có thể gây hại. Bên cạnh đó, nếu mọi người đổ xô đi tiêm vắc-xin này để chống Covid-19, sẽ tạo ra tình trạng thiếu hụt vắc-xin phòng bệnh lao cho trẻ em.

Mai Đan