Bến Tre: Người dân xã An Khánh, huyện Châu Thành vui mừng tiếp nhận nguồn nước ngọt miễn phí của Bộ TN&MT
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 16:56, 05/04/2020
Điểm cung cấp nguồn nước ngọt miễn phí cho nhân dân chống hạn, mặn tại Bến Tre |
Ngày 5/4, có mặt tại điểm cung cấp nguồn nước ngọt miễn phí cho nhân dân chống hạn, mặn tại xã An Khánh, huyện Châu Thành (Bến Tre), chúng tôi bắt gặp những ánh mắt rạng ngời, hớn hở của nhiều bà con miền quê tập trung về đây để nhận nguồn nước ngọt về sử dụng miễn phí.
Người dân vui mừng đến nhận nước ngọt miễn phí |
Ông Huỳnh Thuyết Trình, ngụ ấp 6 xã An Khánh cho biết, trong thời gian qua, ở địa phương nước mặn xâm nhập cao độ, không tưới được cho vườn cây ăn quả, chỉ có một vài hộ mua nước từ các sà lan về tưới cầm chừng cho vườn cây. Còn nước sinh hoạt, ăn uống thì phải mua nước từ các phương tiện vận chuyển khác nhưng chi phí rất đắt đỏ. Vì thế, hôm nay có được nguồn nước ngọt miễn phí này, người dân rất vui mừng mang phương tiện đến lấy về dùng trong gia đình.
Còn ông Nguyễn Văn Hiền, ngụ ấp 7 xã An Khánh cũng tỏ vẻ vui mừng, ông cho rằng, ông sinh ra và lớn lên ở xứ dừa này trên 50 năm nhưng chưa năm nào người dân gặp khốn khó nguồn nước ngọt như năm nay. Theo ông Hiền, có được nguồn nước ngọt quý giá này, người dân ở đây ai cũng rất vui vì giải được "cơn khát" nước ngọt mùa hạn, mặn.
Người dân đến nhận nguồn nước ngọt miễn phí |
“Thật sự, bà con chúng tôi xem nguồn nước ngọt này quý hơn tiền bạc, bởi có tiền nhưng nhiều lúc không mua được nước ngọt mà dùng. Do đó, có được nguồn nước quý hiếm này, chúng tôi động viên nhau tiêu xài tiết kiệm, chỉ dùng để nấu ăn uống, còn tắm giặt hay tưới tiêu phải sử dụng từ nguồn nước khác” – ông Hiền vui vẻ nói.
Ông Đỗ Văn Lập – Trưởng ấp An Thạnh (xã An Khánh, huyện Châu Thành) cho biết, ấp An Thạnh có 391 hộ với 1.524 nhân khẩu. Địa bàn ấp nằm tiếp giáp bờ sông, có nhiều con rạch nhỏ dẫn nước vào tưới tiêu cho cây trồng. Tuy nhiên, thời gian qua, nước trên sông, rạch đã bị nhiễm mặn sâu, nguồn nước sinh hoạt của nhà máy nước tại địa phương đều nhiễm mặn nặng.
Theo ông Lập, mặc dù địa phương đã có nhiều phương án trữ nước ngọt, nhưng do mặn kéo dài và xâm nhập sâu nên đến thời điểm này, nhiều hộ dân ở xã An Khánh đã hết nước sinh hoạt. Khoảng 2 tháng nay, người dân ở đây phải sử dụng nước mặn để sinh hoạt, khoan giếng lấy nước ngọt hoặc mua nước ngọt từ các phương tiện vận chuyển tới để dùng ăn uống, tắm giặt và tưới tiêu cho cây trồng.
Hiện tại địa phương đang sử dụng 06 xe hoa lâm để chuyên chở nước cho các hộ dân trong xã và đã thông báo hàng ngàn hộ dân ở các địa bàn lân cận trực tiếp đến lấy nguồn nước ngọt đã qua xử lý. Người dân quanh xã chủ yếu sử dụng xe máy và các phương tiện cá nhân tự chế để có thể chuyên chở từ 60 đến 750 lít cho một lần lấy nước.
Theo kế hoạch riêng xã An Khánh, mỗi ngày trung bình người dân trong xã cần lấy khoảng 70 ngàn lít nước từ nguồn nước này, cung cấp cho khoảng 1200 người dân trong xã. Trong những ngày tới, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền huyện Châu Thành và các đơn vị liên quan để thông báo cho các xã lân cận, lực lượng công an, quân đội, dân quân sử dụng các xe bồn lớn với công suất từ 5 đến 10m3 để chuyên chở phân phối cho nhân dân các xã lân cận, sử dụng hiệu quả nguồn nước quý giá trên ứng phó khẩn cấp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Vẻ vui mừng của người dân vì "giải cơn khát" nước ngọt mùa hạn mặn |
Ông Đoàn Văn Đảnh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre cho biết, ngay từ đầu năm 2020 tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xâm nhập mặn sớm và sâu, đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, hiện tại, Bến Tre có hơn trăm ngàn hộ dân sinh sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển; trên các cù lao, cồn trên sông Hàm Luông, Sông Tiền, Cổ Chiên; cặp theo các trục kênh rạch sâu trong ruộng vườn thiếu nước sinh hoạt, do hết nguồn nước dự trữ.
Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận trên 34 tổ chức, cá nhân hỗ trợ hàng nghìn bồn chứa nước, máy lọc nước, can nhựa; rất chuyến xe, tàu chở nước ngọt đến cung cấp miễn phí đã giúp người dân vượt qua khó khăn trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt như hiện nay.
Người dân mang can, thùng đến lấy nguồn nước ngọt về sử dụng |
Trước đó, ngày 4/4, tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia) đã đưa vào vận hành trạm cấp nước sinh hoạt nhằm hỗ trợ người dân chống hạn, xâm nhập mặn đến hết mùa khô năm 2020.
Đây là việc làm nhằm thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại Văn bản số 1696/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ, về việc Hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Người dân đến nhận nguồn nước ngọt miễn phí |
Theo kế hoạch làm việc với địa phương, dự kiến ngày 06 tháng 4 năm 2020 Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia sẽ chính thức bàn giao và đưa vào vận hành điểm cấp nước này cho UBND tỉnh Bến Tre để vận hành cấp nước cho nhân dân trong mùa khô năm 2020.
Về lâu dài, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và chính quyền địa phương tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp để xây dựng các giải pháp quan trắc, giám sát và bảo vệ nguồn nước dưới đất quí giá này như một nguồn tài nguyên chiến lược cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt phục vụ trong những tình huống khẩn cấp về hạn hán và xâm nhập mặn.
Cậu bé vui mừng vì có nước sạch tắm mát cho chú chó cưng |
Tiếp theo trạm cấp nước tại Bến Tre, trong giai đoạn I thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia sẽ triển khai đồng thời 4 điểm nữa trên địa bàn các tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.