Tuyên truyền chống dịch Covid-19 ở vùng dân tộc thiểu số miền núi cần dễ hiểu, dễ áp dụng
Xã hội - Ngày đăng : 13:32, 05/04/2020
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh. Ảnh: Việt Hùng |
Là thành viên của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra), Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết:
Với tình thế “chống dịch như chống giặc”, ngay từ đầu, Ban Cán sự Đảng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã vào cuộc quyết liệt trong việc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nắm bắt liên tục tình hình diễn biến của dịch bệnh để có những chỉ đạo kịp thời, xuyên suốt. Cụ thể, trong hơn 2 tháng qua, bằng nhiều văn bản, Ủy ban Dân tộc đã hướng dẫn, chỉ đạo Ban Dân tộc tham mưu với UBND các tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN thực hiện nghiêm túc các văn bản, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Ủy ban đề nghị các địa phương vùng DTTS&MN chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh đến đồng bào vùng DTTS&MN; rà soát, cập nhật báo cáo tình hình về số người dân tộc thiểu số dương tính với Covid-19, số người đang cách ly người tại nhà, cách ly tại các cơ sở y tế, các trung tâm, số lượng người dân tộc thiểu số đến từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng dịch hiện đang sinh sống tại địa phương cần giám sát y tế, số lượng người dân tộc thiểu số đi lao động qua biên giới với các nước láng giềng trở về địa phương...
Đồng bào vùng cao Yên Bái may khẩu trang chống Covid-19. Ảnh: Hoàng Xuân |
Phóng viên: Thưa bà,trong các công tác đó, đâu là trọng tâm của công tác phòng chống dịch đối với đồng bào ở vùng DTTSMN?
Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đều xác định, trọng tâm của công tác này đối với đồng bào vùng DTTSMN đó là công tác tuyên truyền. Xác định công tác phòng chống dịch Covid-19 sẽ cấp bách và còn nhiều thách thức, nhất là trong việc tiếp cận với những thông tin, Ủy ban Dân tộc đã đang và sẽ luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước của đồng bào vùng DTTS&MN.
Cụ thể, trước tình hình đại dịch Covid-19, Ủy ban Dân tộc đã kịp thời chỉ đạo, định hướng 19 cơ quan báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc, Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc; đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tăng thời lượng tin bài về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong đồng bào DTTSMN...
Phóng viên: Đối với vùng DTTSMN, rõ ràng làm sao để tuyên truyền cho đồng bào hiểu và có những việc làm thiết thực, hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19 là điều không dễ ràng nhất là vào đầu năm, trong mùa lễ hội thưa bà?
Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Đúng vậy. Như chúng ta đã biết, ở khắp các vùng trên cả nước, mùa Xuân là mùa lễ hội. Đặc biệt với đồng bào DTTSMN thì lễ hội trong mùa Xuân là nét văn hóa được in đậm trong tiềm thức của họ. Vì vậy, việc làm sao để có thể tuyên truyền vận động việc tổ chức các lễ hội như thế nào cho phù hợp với công tác phòng chống dịch Covid-19 là điều luôn đặt ra với Cấp ủy Chính quyền các cấp ở cơ sở.
Đồng bào hướng dẫn nhau đeo khẩu trang chống dịch. Ảnh: Hoàng Xuân |
Với vùng Tây Nam Bộ, vào tháng 3, tháng 4 dương lịch có Tết cổ truyền Chool Chnam Thmây của đồng bào Khmer; Ở miền Trung có tết Ramưwan của người Chăm Bàni ở Tây duyên hải miền Trung; Còn ở miền Bắc có Lễ hội Hoa Ban, lễ hội Khau Vai... sắp diễn ra. Trong các dịp lễ hội này, đồng bào thường tụ tập đông người, làm lễ ở Đền, Chùa... và thậm chí đi qua các tỉnh, qua biên giới thăm hỏi người thân. Vậy để lễ hội diễn ra phù hợp với tình hình hiện nay là điều không dễ.
Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Quốc gia đồng thời trao đổi, hướng dẫn Ban Dân tộc các địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh, tùy điều kiện tình hình để có sự thăm hỏi kịp thời, động viên cả vật chất lẫn tinh thần thuyết phục đồng bào chung tay cùng cả nước chống dịch Covid-19. Từ sự phối hợp này, đến nay, 100% các tỉnh vùng DTTSMN đều có Chỉ thị hoặc công văn chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động phòng chống Covid-19. Từ đó, qua nắm bắt tình hình, đến ngày 5/4, hầu hết các Chùa, Đền ở khu vực có lễ hội đều đóng cửa, không diễn ra việc tụ tập đông người như mọi năm.
Phóng viên: Vậy trong công tác vận động đó, bà đặc biệt ấn tượng với các hình thức tuyên truyền nào nhất là ở cơ sở?
Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Trước hết, có thể nói, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, qua báo cáo của Ban Dân tộc các tỉnh và nắm bắt thực tế tình hình, có thể nói ở 100% các tỉnh, đồng bào đã dừng gần như triệt để các nghi lễ, tôn giáo có tụ tập đông người.
Đồng bào đã đồng lòng cùng Cấp ủy, Chính quyền các cấp bằng các hành động cụ thể như: không đi chúc tết lẫn nhau, tổ chức Tết truyền thống tại gia đình... trên tinh thần lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Ví dụ tại Bạc Liêu, lãnh đạo UBND tỉnh đã làm việc với các sư sãi Trụ trì chìa Khmer trên địa bàn về tết Chôl Chnăm Thmây bằng cách tỉnh không tổ chức đoàn đi thăm hỏi, gửi thư, quà đến các Chùa động viên. Tại Kiên Giang, nơi giáp nước bạn Camphuchia, Chính quyền phối hợp với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước của tỉnh hướng dẫn tổ chức các hoạt động tết Chôl Chnăm Thmây không phân công người đi dự Lễ ở nước ngoài và ngược lại cũng không nhận người nước ngoài về nước hành lễ.
Công văn tuyên truyền chống Covid-19 của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải - tỉnh Yên Bái |
Còn tại Yên Bái, tôi thực sự ấn tượng với các tuyên truyền của Ban Tuyên giáo huyện Mù Cang Chải. Ban Tuyên giáo huyện Mù Cang Chải đã tóm lược những chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn quả Bộ Y tế thành 6 nội dung thật ngắn gọn, dễ hiều, dễ nhớ, dễ áp dụng để tuyên truyền trong nhân dân: “3 tin”, “4 dừng”, “5 bắt buộc”, “6 ở”, “9 nên” và “10 không” (như trong ảnh trên - PV). Tôi cho rằng đó là phương pháp tuyên truyền sẽ mang lại hiệu quả cao. Cầm những “tờ rơi” tuyên truyền này, đồng bào có thể trao đổi học hỏi lẫn nhau tạo thành cộng vận động sôi nổi không nhàm chán...
Phóng viên: “Cuộc chiến” chống Covid-19 chắc chắn sẽ nhiều khó khăn, để công tác này đạt hiệu quả hơn nhất là với đồng bào DTTSMN, theo bà sắp tới các Bộ, Ngành, Địa phương cần có thêm những giải pháp gì?
Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Để công tác này đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, tôi cho rằng: Bộ Thông tin và truyền thông cần phối hợp với Bộ Giáo dục đào tạo tiếp tục có những hỗ trợ thiết thực để đưa tiến bộ về công nghệ thông tin trong việc dạy và học trực tuyến cho thầy và trò vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt là ở các khu vực biên giới.
Với ngành Y tế, tôi cho rằng Bộ Y tế cần phối hợp với Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu triển khai công tác về Y tế dự phòng ở vùng DTTSMN gắn với hệ thống Y tế xã, nhất là Y tế thôn bản. Vấn đề này không chỉ cần trong việc phòng, chống dịch Covid-19 mà còn có ý nghĩa thiết thực trong công tác Y tế dự phòng toàn diện ở vùng cao, vùng khó khăn, biên giới.
Còn với UBND các tỉnh, theo tôi, cần tiếp tục rà soát, thống kê số người dân tộc thiểu số đi lao động làm thuê qua biên giới trở về nhất là những nhân khẩu thuộc các hộ nghèo để tham mưu Chính phủ cơ sự hỗ trợ kịp thời về đời sống vật chất tinh thần mang tính đặc thù cho đồng bào ngoài các hỗ trợ chung hiện nay đang có; Đồng thời UBND các tỉnh cũng cần có kế hoạch chuyển đổi, hướng dẫn bà con lao động sản xuất để ổn định đời sống lâu dài, bền vững.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn bà!