Phát huy hiệu quả các dự án, công trình nông nghiệp góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước
Thời sự - Ngày đăng : 09:03, 05/04/2020
Đi khảo sát dọc chiều dài tuyến đê bảo vệ sông Cầu, đoạn chảy qua địa phận huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên để ghi nhận hiệu quả của các dự án, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, điều dễ thấy là nhân dân địa phương rất hồ hởi, phấn khởi kể về nhiều ích lợi của các công trình mang lại. Nằm dưới chân Cầu Mây, kề mép nước sông Cầu, khu dân cư xóm Trại, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình nổi tiếng bởi sự nghèo nàn vì luôn phải đối mặt với thiên tai lũ lụt. Bà Nguyễn Thị Gái, chị Ngô Thị Hương ở xóm nghèo này còn nhớ như in nỗi sợ những đêm mưa bão lớn. Vì nhà cửa nằm ngay trên “miệng hà bá” sông Cầu. Mùa mưa bão đến, nước sông cuồn cuộn dâng cao tràn lên vườn, lên sân các gia đình. Đêm ngủ mà nơm nớp sợ bờ sông sạt lở, nước lũ sẽ cuốn trôi cả nhà. Sợ lũ dữ là thế. Nhưng khi nước rút thì còn đáng sợ hơn bởi bao nhiêu rác rưởi, xác động vật chết mắc lại triền sông, bốc mùi hôi thối hàng tháng trời.
Công trình Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Cầu bảo vệ khu dân cư tại các vị trí xóm Trại, xóm Múc, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình góp phần đảm bảo an toàn đê điều và cuộc sống của nhân dân, làm đẹp cảnh quan môi trường sông Cầu. |
Để khắc phục cấp bách tình trạng sạt lở, giữ ổn định bờ sông trên tuyến hữu sông Cầu, đảm bảo an toàn cho hàng chục hộ dân ở các xóm Trại, Làng, Múc, xã Úc Kỳ và xóm Chiễn 2, xã Nhã Lộng, đồng thời cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái khu vực bờ sông, ngày 26/9/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Cầu bảo vệ khu dân cư tại các vị trí xóm Trại, xóm Múc xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình. BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT được giao làm chủ đầu tư với tổng kinh phí thực hiện trên 59 tỷ đồng. Công trình có chiều dài trên 1,8km, gồm các hạng mục chân kè, mái kè, cơ kè, đỉnh kè, cống thoát nước dân sinh, bậc lên xuống, dốc bến đò. Công trình chính thức khởi công xây dựng vào cuối tháng 12 năm 2017 đến tháng 5/2018 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã đáp ứng niềm mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân địa phương. Chị Ngô Thị Hương ở xóm Trại, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình phấn khởi cho biết: Người dân biết ơn Đảng, chính quyền nhiều lắm. Tỉnh cấp tiền xây kè sông cho dân bớt khổ. Đêm đêm, chúng tôi ngủ ngon rồi, không lo sạt lở ùm ùm nữa. Cảnh quan môi trường khu dân cư ven sông luôn mát mẻ, sạch sẽ hơn xưa nhiều…
Chị Ngô Thị Hương ở xóm Trại, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình chỉ vị trí gia đình hiến đất bãi cho Dự án kè chống sạt lở bờ sông Cầu. |
Xuôi về xã Hà Châu, huyện Phú Bình rồi đến xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên thăm tuyến đê xung yếu từ Km8 + 600 đến Km13 + 700. Tuyến đê dài khoảng 5 km mới được bàn giao và đưa vào sử dụng cuối năm 2019. Trước đây, toàn bộ tuyến đê này được đắp đất thủ công nên thân đê yếu, mặt đê nhỏ hẹp lại xuống cấp nghiêm trọng. Người dân đi lại gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân các xã Hà Châu, Nga My, Úc Kỳ, Điềm Thụy của huyện Phú Bình và xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên. Để khắc phục tình trạng trên, tháng 2/2018, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xử lý cấp bách đoạn đê xung yếu này với tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng. Công trình có chiều dài 5,1km, ảnh hưởng tới hơn 500 hộ dân thuộc 13 xóm. Thời gian thực hiện chỉ kéo dài 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12/2019. Thời gian ngắn, giải phóng mặt bằng nhanh là do nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân địa phương. Họ vui mừng vì nhà nước cải tạo, nâng cấp, mở rộng bề mặt đường đê giúp dân giảm bớt khó khăn. Công trình đã nhanh chóng được hoàn thành đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Ông Nguyễn Văn Liễu, xóm 1, thôn Giã Trung, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên vui vẻ nói: Mấy chục năm trời cả làng chịu khổ cực. Bây giờ có đường mới rộng rãi, người dân đi lại sung sướng hơn nhiều. Cũng nhờ có đường mới mà làng quê tôi thay đổi rõ rệt. Nhà nhà đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế hộ gia đình, làm giàu cho quê hương.
Dự án xử lý cấp bách đoạn đê xung yếu từ Km8 + 600 đến Km13 + 700 đê Hà Châu hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng nguyện vọng đi lại, giao thương, phát triển kinh tế hộ gia đình của nhân dân địa phương. |
Để đảm bảo an toàn cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống dân sinh, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã cân đối, bố trí bổ sung các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và nguồn vốn Trung ương, giao Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện 14 Dự án đầu tư xây dựng các công trình như: Cơ sở sản xuất giống cây trồng vật nuôi; Đường cứu hộ cứu nạn trong vùng mưa lũ; Kè chống sạt lở bờ sông Cầu; Sửa chữa và nâng cấp các trạm bơm; Xử lý cấp bách đoạn đê xung yếu; Thấm thân đập Hồ Núi Cốc... Đến nay, 3 công trình đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 9/14 công trình đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, được người dân, chính quyền địa phương và các đối tượng thụ hưởng đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên hiện vẫn còn 2 Dự án: Đầu tư xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công từ quốc lộ 3 đến đê sông Công đoạn K4+900 thuộc thôn Thu Lỗ, xã Trung Thành, TX Phổ Yên và Dự án Hồ chứa nước Vân Hán, huyện Đồng Hỷ vẫn chậm tiến độ do chưa bố trí đủ kinh phí giải phóng được mặt bằng.
Công trình Hồ chứa nước Vân Hán, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ vẫn đang vướng một phần diện tích chưa giải phóng xong mặt bằng, rất cần được thảo gỡ sớm. |
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Phó Trưởng Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình NN và PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết: UBND thị xã Phổ Yên đã tích cực vào cuộc đẩy nhanh tiến độ GPMB cho dự án Đầu tư xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công. Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương rà soát từng dự án, đề ra giải pháp cụ thể để sớm đưa các công trình, dự án vào sử dụng. Mong muốn tỉnh cấp vốn nhiều hơn nữa, đều hơn nữa cho Ban thực hiện đầu tư xây dựng các công trình, dự án nông nghiệp phục vụ sản xuất tốt hơn.
Dự án đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công và công trình Hồ chứa nước Vân Hán đang rất cần sự quan tâm của tỉnh cấp bổ sung kinh phí, các địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn về mặt bằng để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển và góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.