Điện Biên: Người dân lao đao vì thiếu nước sản xuất

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 23:10, 03/04/2020

(TN&MT) - Tình trạng thiếu nước sản xuất liên tục trong nhiều tháng qua đã khiến hàng trăm ha diện tích lúa Đông Xuân của khu vực lòng chảo Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) trở nên khô hạn, nhiều diện tích đã bị chết.

Tính đến cuối tháng 3/2020, tỉnh Điện Biên đã có hơn 1.000ha lúa bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước sản xuất.

Nhiều ngày nay, gia đình ông Trần Đăng Thông ở phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên liên tục phải sử dụng máy bơm để hút nước thải bẩn phía dưới chân kè chống lũ lên để chống hạn cho những diện tích lúa Đông Xuân của gia đình. Nguyên nhân của việc làm này là do nước sản xuất dẫn về từ các hệ thống kênh thủy nông trên địa bàn rất hạn chế, hôm có hôm không.

Theo ông Thông, tình trạng thiếu nước sản xuất đã diễn ra liên tục từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Khoảng 2 tháng không được cung cấp nước tưới đầy đủ, hàng trăm héc ta lúa trong khu vực này của cánh đồng Mường Thanh đã xuất hiện tình trạng khô hạn nặng, đất nứt nẻ, đặc biệt là các diện tích nằm xa hệ thống kênh cấp 3. Do thiếu nước, phân đạm người dân bón cho lúa cũng không hòa tan được nên đã xuất hiện tình trạng nhiều loại sâu bệnh như: nấm, vi khuẩn, đạo ôn và các sâu bệnh khác tấn công liên tục trên các thân lúa đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng khiến nguy cơ mất mùa nhìn rõ được trước mắt, lúa cũng không có thời gian để sinh trưởng, phát triển.

Nhiều hộ gia đình khắc phục bằng việc bơm nước thải bẩn ở các hệ thống kè chống lũ lên chống hạn cho lúa.

Còn đối với gia đình chị Điêu Thị Hiền, ở bản Hoong En, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, hơn 2.000m2 lúa của gia đình đang bị lụi dần do nhiều loại sâu bệnh cùng lúc tấn công khiến nguy cơ cao bị mất trắng toàn bộ. Không có nước tưới, gia đình bất đắc dĩ đành phải phun lượng thuốc trừ sâu nhiều hơn để hy vọng vớt vát được phần nào và cũng tránh lan thêm ra các khu vực lúa lân cận.

Tình trạng thiếu nước kéo dài khiến không chỉ gia đình chị mà nhiều người dân khác trong bản vô cùng lo lắng, thấp thỏm đêm ngày để tìm nước đưa vào ruộng chống hạn. Khi có thông báo lấy nước của công ty thủy nông, cả gia đình lại phải thức đêm vô cùng mệt mỏi để dẫn nước về ruộng nhưng do diện tích ruộng xa, lượng nước ít nên dẫn được về ruộng cũng không đủ tưới ẩm bề mặt.

Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên đã lắp đặt 9 trạm bơm dầu dã chiến phục vụ tưới tiêu.

Tính đến thời điểm cuối tháng 3, tỉnh Điện Biên đã có hơn 1.000ha lúa bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước sản xuất, tập trung chủ yếu tại cánh đồng Mường Thanh (huyện Điện Biên). Trong đó có hơn 248ha đã bị thiệt hại, khoảng 325ha đang bị thiệt hại và khó có thể phục hồi.

Ông Lê Văn Thi, Phó Giám đốc Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên cho biết: Do diễn biến thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít khiến các sông suối, hồ chứa nước trên địa bàn đều cạn kiệt ở mực nước chết. Điều này ảnh hướng rất lớn đến việc điều tiết nguồn nước tưới phục vụ công tác sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2019-2020. Hiện tại công ty đang triển khai hoạt động 9 trạm bơm dầu dã chiến với công suất khoảng 200m3/h, bơm 24/24h để cố gắng đưa nước từ các khe suối vào chống hạn lúa cho người dân.

Nhiều hố chứa nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên giảm xuống mực nước chết. Trong ảnh: Hồ Hồng Khếnh, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.

Tuy nhiên nước về các tuyến kênh đều rất nhỏ, các hộ dùng nước ở phía trên hoặc giáp kênh thì có thể lấy được nhưng đối với các hộ ở xa kênh gần như là không thể lấy được. Do đó công ty đang dự kiến phải lắp thêm một số trạm bơm dã chiến nữa để bơm trực tiếp nước từ kênh chính lên các kênh nhánh để hỗ trợ nước tưới cho người dân.

Mặc dù kênh tả và kênh hữu của Đại thủy nông Nậm Rốm thường xuyên được luân phiên nước tưới nhưng theo người dân, đối với những diện tích lúa ở khu vực cuối kênh thường không được tưới nước dẫn đến khô hạn do nước chưa tới ruộng đã cạn vì đổi phiên.

Vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020, toàn tỉnh Điện Biên gieo cấy khoảng 9.230ha lúa. Tình trạng nắng nóng, thiếu nước kéo dài đang gây khó khăn cho sản xuất lúa của nhiều địa phương trong tỉnh và khiến nhiều hộ dân đang trở nên điêu đứng trước tình cảnh mất mùa.

Hà Thuận