Điện Biên: Trên 1.000ha lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng do bệnh đạo ôn
Xã hội - Ngày đăng : 10:13, 03/04/2020
Trên 1.000ha lúa Đông Xuân của tỉnh Điện Biên bị bệnh đạo ôn. |
Vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh Điện Biên gieo cấy ước khoảng 9.583,6ha. Hiện tại, diện tích lúa trà chính vụ đang trong thời gian làm đòng, trà muộn đang đứng cái. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 1.036,9ha diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, trong đó có 92,7ha nhiễm nặng, tăng nhẹ so với cùng kỳ trước, trong đó tập trung 2 vùng trọng điểm về lúa là huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ.
Bệnh tập trung chủ yếu trên giống lúa Séng cù, IR64, J02, Bắc thơm số 7… phun phòng trừ chưa triệt để, bón phân không cân đối, khô hạn... với tỷ lệ phổ biến 1 – 5%, cao 20 – 48% lá, cấp 3, 4; cục bộ theo chòm 80 – 90% lá, cấp 7. Cùng với đó, đạo ôn cổ lá phát sinh gây hại nhẹ trên trà sớm, chính vụ tại địa bàn huyện Điện Biên và Mường Chà, hiện tại các địa phương đang phối hợp với nông dân khống chế phòng trừ.
Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên cho biết: Do hiện nay, lúa đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng nên nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông là rất cao, vì khi dịch bệnh đạo ôn xảy ra trên diện rộng thì thiệt hại đến năng suất, sản lượng lớn nếu người dân không phát hiện sớm và phòng trị kịp thời. Do đó, để kịp thời phòng trừ các loại sâu bệnh, bảo đảm cho cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sự phát sinh của các đối tượng để có giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Bà Quàng Thị Ương, xã Thanh An, huyện Điện Biên chăm sóc lúa bị đạo ôn. |
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên khuyến cáo người dân: Đối với trà sớm, trà chính vụ các diện tích gieo trồng giống lúa nhiễm như: Séng cù, Hana, J02, Bắc thơm số 7, BC15... bắt đầu trỗ bông từ ngày 5/4 đến ngày 25/4 khi lúa trổ bông khoảng 5%, người dân cần phun phòng đạo ôn cổ bông lần 1 và phun lần 2 khi lúa đã trỗ thoát hoàn toàn. Khi phun thuốc cần đảm bảo ruộng có nước, không phun lúc lúa đang phơi màu; sau phun 4 giờ nếu gặp mưa thì tiến hành phun lại.
Với diện tích lúa trà muộn, cần bón phân cân đối, không bón thừa, không bón muộn phân đạm vào thời điểm đón đòng. Tiếp tục kiểm tra, theo dõi chặt chẽ phòng trừ các diện tích chớm xuất hiện đạo ôn lá để hạn chế lây lan gây hại cổ bông giai đoạn lúa trỗ - chín. Cùng với đó, kiểm tra theo dõi, đánh giá nguy cơ và chủ động chỉ đạo tổ chức phòng chống một số đối tượng như: bệnh khô vằn, bạc lá.. thời gian tới, khả năng có mưa dông, lốc rất thuận lợi cho bệnh lây lan gây hại mạnh.
Bà Quàng Thị Ương, bản Co Chai, xã Thanh An, huyện Điện Biên cho biết: Do lúa bị đạo ôn lá dẫn đến các lá gốc bị thối. Gia đình tôi đã phun 3 lần rồi nhưng bệnh đạo ôn vẫn không giảm, rất sợ sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa sau này.
Ông Nguyễn Trọng Kính cho biết thêm: Chúng tôi đã cử cán bộ đi kiểm tra các tuyến, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố trong công tác điều tra, dự báo chính xác thời gian lúa trỗ trên các trà lúa, khoanh vùng và đề xuất các giải pháp phòng chống kịp thời đối với bệnh đạo ôn cổ bông và các dịch hại khác, tránh tình trạng chủ quan, không phun thuốc hoặc phun không đảm bảo kỹ thuật. Đồng thời, khuyến cáo người dân quản lý phân bón, nhất là chân ruộng thừa đạm, không nên bón đám mà tăng cường bón phân kali… để hạn chế thấp nhất thiệt hại đến sản xuất trồng trọt.