Chống dịch Covid-19, chuyện ở một làng ngoại thành Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 09:22, 03/04/2020

(TN&MT) - Chống dịch Covid-19, ở Cổ Đô, tờ rơi được phát đến từng nhà và đã có tác dụng thiết thực, các điểm công cộng được dán thông tin khuyến cáo và nhắc nhở, người dân ra đường, đi làm ruộng đều mang khẩu trang tự giác và chào nhau qua ánh mắt, qua nụ cười và cái vẫy tay từ xa...

Chống dịch Covid-19, mọi di tích trong làng Cổ Đô đều đóng cửa không đón nhân dân và du khách. Ảnh: Ngọc Nho

Làng Cổ Đô, xã Cổ Đô nằm ven sông Hồng thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội. Khi chưa có dịch Covid-19, mỗi khi qua Cổng Làng uy nghiêm, bạn có thể thấy ngay không khí ở một thôn làng với chợ quê tấp nập, Đình Làng rộn rã tiếng con trẻ chơi đùa, chạy nhảy, tiếng nhạc chèo văn hầu mẫu mẹ khoan thai, dìu dặt, nhẹ nhàng được Ông từ Đình mở mỗi chiều...nghe thanh bình và sâu lắng.

Bên Hồ Đình các bà các chị tranh thủ chuyện trò rôm rả nhân rửa gánh rau cần, mớ rau muống, rau dền đầu vụ mang vào chợ Làng, tiếng xe máy, tiếng người rộn rã, mùi khói thơm lừng, béo ngậy… từ quán nướng vịt, ngan, từ lò bánh mỳ đầu chợ, tiếng chúc tụng nhau của mấy bác lực điền, mấy cậu thợ xây cùng ông chủ bò đi giao sữa về ở quán bia hơi… đã thấy làng quê thanh bình, xao xuyến và đổi mới giống như mọi nơi điển hình cho làng quê Bắc Bộ.

Cổ Đô còn có đặc điểm mà không nơi nào có được ấy là có đến hai Bảo tàng Mỹ thuật, “bảo tàng làng” duy nhất của cả nước và bảo tàng của Họa sỹ nổi tiếng Sỹ Tốt và gia đình vì vậy hầu như hàng ngày luôn có khách thập phương đến thăm và sưu tầm tranh, trao đổi nghệ thuật với anh em họa sỹ CLB Mỹ thuật…Bởi từ năm 2017 đến nay Cổ Đô đã được Thành phố đầu tư xây dựng điểm đến du lịch mang tên “Làng Họa sỹ”.

Cửa hàng bán đồ cần thiết ở Cổ Đô vẫn mở cửa nhưng chủ hàng đã thực hiện cách xa người mua để phòng dịch. Ảnh: Hoàng Hải

Tuy nhiên hơn hai tháng qua, cùng với nhân dân cả nước và toàn thế giới, nhân dân Cổ Đô đã chấp hành tốt các biện pháp phòng và chống dịch bệnh COVID-19 một cách nghiêm túc và hiệu quả. Từ ngày 27/3, tám khu di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai nhà thờ Danh nhân đất nước Nguyễn Sư Mạnh, Nguyễn Bá Lân và bảo tàng mỹ thuật được treo bảng tạm thời không mở cửa đón khách thập phương.

Nhờ sự chung sức của toàn dân, đường làng ngõ xóm sạch sẽ khang trang mà vắng lặng nhất là sau ngày 01/4 có Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ cách ly toàn xã hội, cùng Chỉ thị 05 của Chủ tịch Thành phố. Mỗi sáng, hàng chiều chỉ còn âm thanh của Đài truyền thanh Xã, hệ thống truyền thanh Thôn phát sóng và tiếp âm thông tin về tình hình dịch bệnh, cách phòng tránh và đề phòng, cách vệ sinh cá nhân và tự bảo vệ gia đình cùng cộng đồng.

Tờ rơi được phát đến từng nhà gần hai tháng nay đã có tác dụng thiết thực, các điểm công cộng được dán thông tin khuyến cáo và nhắc nhở. Nhân dân ra đường, đi làm ruộng đều mang khẩu trang tự giác và chào nhau qua ánh mắt, qua nụ cười và cái vẫy tay từ xa. Thôn đã có đầy đủ phương án và kế hoạch chi tiết, nhất là khi đã có trường hợp đã và đang phải cách ly tại gia đình.

Trước khi đi tuyên truyền chống dịch, Trưởng thôn Cổ Đô đều được Chính quyền và gia đình trang bị khá đầy đủ thiết bị chống dịch. Ảnh: Minh Tuấn

Tiểu ban Chỉ đạo sau thành lập đã tuyên truyền vận động nhân dân cùng chung tay chống dịch, huy động các hội viên Cựu chiến binh, cán bộ ngành y đã được nghỉ công tác, các cháu thanh niên tình nguyện là học sinh THPT đang được nghỉ học… vào các đội tình nguyện khi tình hình quê hương có các tình huống khẩn cấp xẩy ra, đặc biệt ở một làng quê như Cổ Đô có trên 1.300 hộ gia đình sinh sống.

Gia đình cách ly tại cơ sở 4 đã được tổ chức chặt chẽ. Tổ giám sát do Trưởng thôn làm tổ trưởng được thành lập, các ông bà đại diện MTTQ, các đoàn thể, Trưởng Xóm cùng 3 gia đình gần nhất cùng được chỉ định vào cuộc giám sát, các thủ tục theo hướng dẫn và quy định được chấp hành nghiêm túc.

Lãnh đạo Thôn đã kịp thời thống kê nắm được trên 150 cháu trong độ tuổi đi học, gần 100 cán bộ, người xa quê… về nhà trong thời gian chống dịch COVID-19… vì vậy đã kịp thời khuyến cáo các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối khi mà trải dài vào Làng là cả một tuyến mương TH2 luôn đầy ắp nước, một bên tiếp giáp dòng chảy Sông Hồng, sông Đà.

Cậu bé đang theo học một trường Tiểu học ở Ba Đình được bố mẹ cho về quê với ông bà ngay từ khi được nghỉ học chống dịch sau Tết nguyên đán. Ngày ngày, bé được ông giao nhiệm vụ đo thât nhiệt cho cả nhà. Ảnh: Ngọc Nho

Trước thời gian cách ly toàn xã hội Thôn thường xuyên khuyến cáo, vận động nhân dân tổng vệ sinh môi trường vào sáng thứ Bẩy hàng tuần, các cuộc họp cần thiết được tổ chức không quá 20 người trong hội trường có nước rửa tay diệt khuẩn, có khẩu trang phát cho đại biểu, các cửa hàng, quán ăn, dịch vụ karaoke … đều được ký cam kết và vui vẻ ngừng hoạt động.

Có lẽ điều đọng lại nhất trong phòng và chống dịch COVID-19, ấy là sự chỉ đạo sát sao, đúng hướng, quyết liệt của Đảng nhà nước, cách làm đúng đắn ấy đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân đồng sức, đồng lòng chung tay chống dịch…

Khi đang viết bài này máy điện thoại của tôi luôn rung lên giống nhiều ngày qua khi có người có gia đình báo cáo con cháu tôi đang ở nơi này nơi kia về nghỉ xin khai báo, lại nữa có cháu từ Khu công nghiệp Bắc Thăng Long về có phải tự cách ly không bác Trưởng thôn, lại có người mới đi khám bệnh theo định kỳ ở viện A viện B về đề nghị Thôn kiểm tra…

Rất may mắn trong tình hình hiện nay Đảng, Nhà nước đến Thành phố, đã trang bị kịp thời hệ thống thông tin, hai ngày một lần không kể đột xuất ngày đêm, chúng tôi lại được ngồi trước màn hình tại trụ sở Xã nghe giao ban trực tuyến chuyên về COVID-19, anh em vẫn nói vui với nhau chỉ đến thời đại 4.0 chúng mình những người “vác tù và hàng tổng” mới có dịp được họp và nghe những chỉ thị, những mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ, đứng đầu Thành phố và Huyện nhà.

Kịp thời như thế, sát sao như thế, quyết liệt và chính xác, lắng nghe từ hệ thống chính trị thôn bản như thế… tất kết quả phải thế và tôi cứ nghĩ đấy là cách làm riêng chỉ có ở Việt Nam mà thôi. Chúng tôi nghĩ và tin như vậy!

Nguyễn Ngọc Nho