Xâm nhập mặn tiếp tục nghiêm trọng, người dân nên xuống giống vào tháng 5
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 21:28, 02/04/2020
Dòng chảy trên lưu vực vẫn sụt giảm so với TBNN
Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (VPTT UBSMCVN) cho biết: Tháng 3/2020 tình hình lượng mưa quan trắc được trên lưu vực sông Mê Công vẫn ở mức rất thấp, mặc dù đã cao hơn tháng 2/2020, đặc biệt là có một số trận mưa rào trái mùa ở vùng Đông Bắc Thái Lan và Trung Lào.
Một góc lưu vực sông Mê Công |
Do đó, tổng lượng mưa toàn vùng Đông Bắc Thái Lan và vùng Trung-Nam Lào chỉ còn nhỏ hơn trung bình nhiều năm khoảng 14%. Tổng lượng mưa tháng 3/2020 ở các vùng khác của Lưu vực sông Mê Công, kể cả lưu vực sông Lan Thương thuộc Trung Quốc, vẫn sụt giảm mạnh so với trung bình nhiều năm (TBNN), đặc biệt là vùng Châu thổ sông Mê Công bao gồm cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam giảm tới 90%.
Theo VPTT UBSMCVN, do tổng lượng mưa trong tháng 3 thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, nên mực nước các hồ thủy điện của Trung Quốc tại tỉnh Vân Nam vẫn duy trì ở mức thấp. Và với sự sụt giảm nhu cầu sử dụng điện do hạn chế hoạt động của một số ngành kinh tế trong đại dịch Covid-19, nên các nhà máy thủy điện chỉ xả một lượng nước rất hạn chế về hạ du để phát điện. Theo số liệu quan trắc, tổng lượng dòng chảy trong tháng 3/2020 từ Trung Quốc về đến trạm Chiềng Sẻn1 xấp xỉ tổng lượng của tháng 2, giảm 41% so với trung bình nhiều năm, và ít hơn so với tháng 3/2016 tới 39%.
Dự báo xâm nhập mặn (ranh mặn 4g/l) tháng 4/2020 |
“Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Mê Công - Lan Thương (20/2/2020 tại Lào) là Trung Quốc sẽ tăng cường xả nước, nhưng trên thực tế dòng chảy tại Chiềng Sẻn vẫn duy trì mức xả khoảng 950 m3/s, và chỉ đến ngày 28/3/2020 mới quan trắc được có xu thế tăng (ngày 30/3/2020 đạt mức 1.600 m3/s)) - Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thông tin.
Do phần lớn Hạ lưu vực sông Mê Công mưa vẫn ít hoặc không có mưa, và kết hợp với tổng lượng chảy từ Trung Quốc về tiếp tục bị sụt giảm mạnh, nên tổng lượng dòng chảy về vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam qua hai trạm thủy văn Tân Châu và Châu Đốc vẫn tiếp tục bị sụt giảm khoảng 10% so với trung bình nhiều năm, và tương đương với tổng lượng dòng chảy tháng 3/2016.
Xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng
Vẫn theo VPTT UBSMCVN, do dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ở mức thấp và triều đạt đỉnh vào trung tuần tháng 3 nên hiện tượng xâm nhập mặn vùng ven biển trong tháng 3/2020 tiếp tục diễn ra gay gắt. Vào giữa tháng 3 khi xuất hiện đỉnh triều, đường ranh mặn 4g/l trên ba nhánh sông lớn là sông Hậu (nhánh Cổ Chiên), sông Tiền (nhánh Hàm Luông) và sông Vàm Cỏ Tây vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 18 đến 26 km, và vào sâu hơn so với tháng 3/2016 từ 5 đến 9 km.
Dự báo diện tích lúa có thể bị ảnh hưởng do xâm hạn mặn (1g/l) tháng 4/2020 |
Tương tự, đường ranh mặn 1g/l trên ba nhánh sông vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 24-28 km, và so với tháng 3/2016 từ 2 đến 15 km. Cụ thể, đường ranh mặn trên sông Hậu vào sâu so với TBNN là 28 km, và so với tháng 3/2016 là 2km. Đáng lưu ý, trên sông Vàm Cỏ Tây, đường ranh mặn vào sâu so với TBNN là 40km, và so với tháng 3/2016 là 15 km.
VPTT UBSMCVN cho hay, trên cơ sở dự báo dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long và dự báo triều tháng 4, nên hiện tượng xâm nhập mặn tháng 4/2020 vẫn ở mức nghiêm trọng, mặc dù có giảm nhẹ hơn so với tháng 3/2020. Đường ranh mặn 4g/l vào sâu nhất trên ba nhánh sông lớn là sông Hậu (nhánh Cổ Chiên), sông Tiền (nhánh Hàm Luông) và sông Vàm Cỏ Tây dự kiến tiếp tục vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 đến 28 km, và sâu hơn từ 3-8 km so với xâm nhập mặn tháng 4/2016.
Tương tự, đường ranh mặn 1g/l vào sâu nhất trên ba nhánh sông trong tháng 4/2020 dự kiến sẽ vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 29 đến 41 km và sâu hơn so với tháng 4/2016 từ 3 đến 16 km.
Căn cứ vào kết quả dự báo mức độ xâm nhập mặn trên các nhánh sông chính vào tháng 4/2020, số giờ có thể mở cống lấy nước ngọt (độ mặn nhỏ hơn 1 g/l) tại một số công trình đầu mối sẽ được cải thiện rõ rệt so với tháng 3/2020.
Cũng trên cơ sở đó, dự báo trong tháng 4/2020 sẽ có khoảng 628,000 ha dự kiến canh tác lúa Hè Thu trong vùng ranh mặn 1 g/l có thể không xuống giống được do thiếu nước ngọt.
“Trước tình hình hạn mặn của tháng 4/2020 trong vùng không chủ động được nước ngọt, người dân cần chuyển thời gian xuống giống lúa Hè Thu sang tháng 5 để hạn chế rủi ro” – Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đưa ra khuyến cáo.
Dự báo dòng chảy tại Tân Châu và Châu Đốc
Dựa trên các kết quả dự báo mưa trên Lưu vực sông Mê Công, kết hợp với tình hình sử dụng nước trên lưu vực và dự báo chế độ triều cho tháng 4/2020, tổng lượng dòng chảy tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam qua hai trạm thủy văn Tân Châu và Châu Đốc dự kiến xấp xỉ trung bình nhiều năm và thấp hơn tổng lượng dòng chảy tháng 4/2016 khoảng 5%.
Kết quả dự báo tổng lượng dòng chảy tháng 4/2020 dựa trên dự báo dòng chảy xả từ các đập thủy điện của Trung Quốc theo xu thế xả nước cuối tháng 3/2020 và trung bình nhiều năm vào tháng 4 hàng năm, bên cạnh các dự báo mưa và sử dụng nước ở Hạ lưu vực sông Mê Công và chế độ triều. Cụ thể, đợt xả nước lần này của Trung Quốc chỉ duy trì ở mức 1.600 m3/s cho tới giữa tháng 4/2020 sẽ lại giảm xuống mức 1.100 m3/s như hàng năm.
(Nguồn: Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam)