Lào Cai cần đảm bảo an toàn các hồ chứa chất thải

Môi trường - Ngày đăng : 09:53, 02/04/2020

(TN&MT) - Thời gian qua, tình trạng mất an toàn các hồ thải trong khai thác khoáng sản tại Lào Cai luôn luôn hiện hữu.

Cụ thể, ngày 7/9/2018, tại huyện Bảo Thắng đã xảy ra sự cốvỡ đập chứa Gyps thải của Công ty Cổ phần DAP số 2, tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, làm tràn khoảng 45.000 m3 khối nước thải và bùn ra môi trường. Sự cố này đã để lại hậu quả nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân trong khu công nghiệp Tằng Loỏng. Hơn thế, nó còn ảnh hưởng lớn tới nguồn nước sông Hồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Yên Bái.

Bảo đảm an toàn các hồ chứa chất thải có ý nghĩa vô cùng quan trọng với môi trường và cuộc sống của người dân

Được biết, hồ thải của Nhà máy DAP số 2 có thiết kế 7,5ha và đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua, nên lượng bùn thải ngày một lớn, lượng nước trong hồ chỉ chiếm 2,5 ha. Đây chính là nguyên nhân làm vỡ hồ vì mưa lớn nhiều ngày làm nước dâng cao cùng với bùn đất phá vỡ những điểm xung yếu.

Trước đó, vào tháng 1/2018, tại TP. Lào Cai cũng xảy ra sự cố vỡ  hồ chứa nước thải tuyển quặng apatít của Nhà máy Tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn, khiến hơn 10.000 m3 nước thải tràn ra khu dân cư, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Sự cố vỡ đập hồ chứa chất thải của Công ty Cổ phần DAP số 2 và Nhà máy Tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần thiết phải đảm bảo an toàn các hồ chứa chất thải tại các khu vực khai khoáng. Nhận thức rõ việc này, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp nâng cao ý thức vận hành và bảo vệ các hồ chứa chất thải.

Hồ đập chứa bùn, nước thải tại các khu vực khai khoáng được coi là “bom bùn”, “bom nước”

Ông Lưu Đức Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết: Từ năm 2019 tới nay, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp phải có giải pháp cải tạo, gia cố các bãi thải, hồ thải quặng đuôi, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bổ sung hệ thống cảnh báo, biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, cắm mốc giới phạm vi đập, hồ chứa, bãi thải, kiểm tra, theo dõi cao trình mực nước dâng và cao trình xả thải của hồ tuần hoàn, đặc biệt, trong mùa mưa lũ hoàn thiện hồ sơ phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn đập.

Ông Đinh Tiến, Giám đốc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai Vimico cho biết: Việc đảm bảo an toàn hồ đập chứa bùn thải, nước thải là nhiệm vụ cần phải ưu tiên hàng đầu trong quá trình hoạt động, vận hành sản xuất khai thác khoáng sản. Khi để xảy ra sự cố vỡ đập chứa bùn thải, nước thải, thiệt hại để lại sẽ rất nặng nề cho doanh nghiệp. Không những thế, còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống, sức khỏe của cộng đồng, nhất là người dân sống xung quanh.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Lào Cai, toàn tỉnh có 104 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, với 83 tổ chức, cá nhân tham gia.

Nhận thức được thảm họa trên, trong quá trình vận hành sản xuất, Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền đã thường xuyên kiểm tra, phát hiện các nguy cơ mất an toàn hồ đập có thể xảy ra, từ đó, đưa ra các giải pháp kịp thời khắc phục các nguy cơ. Thực hiện đổ quặng đuôi đúng quy trình, đổ từ chân đập lấn ra phía lòng bãi quặng đuôi đẩy nước ra xa chân đập, từ đó, giảm và triệt tiêu áp lực nước lên đập chắn. Bơm tuần hoàn 100% lượng nước tại hồ chứa, bãi quặng đuôi về phụcvụ sản xuất tại hai nhà máy tuyển khoáng không thải ra môi trường.

 

 

Bài và ảnh: Bích Hợp