Vụ mỏ đá Tam Lộc (Thừa Thiên Huế) đưa đất trái phép ra ngoài – Bài 3: Nội bộ mỏ mâu thuẫn

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 09:47, 02/04/2020

(TN&MT) - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dịch vụ Sông Lô (Công ty Sông Lô) tự ý đưa đất ra ngoài trái phép mà không thông báo cho Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô là đơn vị liên danh. Điều này dẫn đến việc mâu thuẫn giữa hai công ty xảy ra. Thế nhưng bất chấp cảnh báo của bên liên quan, Công ty Sông Lô vẫn khai thác đất trái phép như Báo Tài nguyên và Môi trường đã điều tra và đăng tải.

Một tình tiết mới mà PV vừa phát hiện  được trong vụ việc “Mỏ đá Tam Lộc ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế tuồn đất trái phép ra bên ngoài”, đó là mâu thuẫn từng xảy ra giữa Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô và Công ty Sông Lô trước khi Báo Tài nguyên và Môi trường vào cuộc.

Mỏ đá Tam Lộc (thôn Tam Vị, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép số 30/GP - UBND ngày 26/4/2019 cho liên danh Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô - Công ty Sông Lô khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên. Diện tích khai thác 6,4ha. Công suất khai thác 150.000m3/năm, thời hạn 6 năm.

Mỏ đá Tam Lộc – nơi xảy ra vụ việc

Để hiểu rõ hơn thông tin mới này, PV đã tìm gặp và trao đổi với đại diện của Tổng Công ty Lũng Lô.

Ông Trần Đình Nho, Phó giám đốc Chi nhánh xây dựng công trình đường thủy - Tổng Công ty Lũng Lô cho biết, mỏ đá Tam Lộc trên danh nghĩa là do 2 công ty quản lý vì liên danh, nhưng thực chất lâu nay mỏ chỉ được Công ty Sông Lô khai thác, vận hành. Mỏ dùng để phục vụ các dự án thuộc vốn ngân sách nhà nước, chủ yếu là dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây, cách mỏ đá vài cây số.

Ông Nho cho rằng, việc chủ mỏ bóc tách tầng phủ để đưa đất trái phép ra bên ngoài đã được đơn vị nắm được từ cuối năm 2019. Đơn vị đã nhiều lần gọi điện thoại cho chủ mỏ đá để yêu cầu dừng việc đưa đất trái phép lại nhưng chủ mỏ không hợp tác. Đầu tháng 3 vừa rồi, đơn vị có công văn đề nghị gửi đến Công ty Sông Lô với mong muốn hai bên ngồi lại trao đổi, mong chủ mỏ cho dừng việc làm trên. Những gì mà Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh là đúng sự thật, người dân địa phương ai ai cũng biết...

“Trong đơn gần nhất, chúng tôi yêu cầu mỏ đá tạm dừng bóc tách tầng phủ, khai thác, nghiền đá. Không bóc tầng phủ để vận chuyển ra ngoài, khai thác, xay nghiền đá bán cho các đơn vị không sử dụng vốn ngân sách, làm trái giấy phép khoáng sản. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý trong việc Công ty Sông Lô tự ý khai thác mỏ và bán đất sai quy định. Nếu làm gì sai giấy phép thì mong Công ty Sông Lô phải báo cáo cơ quan chức năng và làm đúng quy định pháp luật, thượng tôn pháp luật. Việc làm của mỏ đá đang ảnh hưởng lớn đến đơn vị của chúng tôi...”, ông Nho chia sẻ.

Tổng Công ty Lũng Lô yêu cầu Công ty Sông Lô dừng việc khai thác đất trái phép ra ngoài nhưng không được đồng ý

Cũng theo lãnh đạo Tổng Công ty Lũng Lô, nhiều tháng qua chủ mỏ đá không cho người của đơn vị vào mỏ để kiểm tra khối lượng đất, đá cũng như xem xét tình hình mỏ khiến họ rất bất bình.

Ở một diễn biến liên quan, ông Hồ Đắc Trường – Phó giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi PV phản ánh thì Sở đã lên kế hoạch kiểm tra đột xuất việc vận chuyển đất tại mỏ đá Tam Lộc. Tuy nhiên, qua nắm thông tin từ cơ sở tại thời điểm triển khai kiểm tra không có hoạt động khai thác, vận chuyển đất ra khỏi khu vực mỏ. Vì vậy, để làm rõ vấn đề Báo nêu và thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2020, Sở sẽ tiến hành thanh tra mỏ đá theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Khi có kết quả sẽ báo cáo UBND tỉnh và quý Báo.

“Đối với quy định về việc vận chuyển đất thải ra khỏi khu vực dự án tại mỏ đá Tam Lộc, theo nội dung giấy phép khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh cấp tại mỏ đá nêu trên không có nội dung cho phép khai thác đất thải ra khỏi mỏ. Trường hợp chủ dự án mỏ đá Tam Lộc vận chuyển ra khỏi khu vực mỏ phục vụ các hoạt động khác thì phải lập thủ tục để được cấp phép theo quy định...”, ông Trường thông tin thêm.

Xe tải “ăn đất” bên trong mỏ trước khi đưa ra ngoài

Như Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh, thời gian gần đây người dân bức xúc về việc nhiều xe tải “nối đuôi” nhau chở đất đi bán trái phép tại mỏ đá Tam Lộc. Đất được lấy từ lớp đất tầng phủ bên trong mỏ đá. Việc khai thác, vận chuyển gây nên tình trạng hư hỏng đường sá, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

PV đã trực tiếp về hiện trường và “án ngữ” trong một thời gian dài để theo dõi. Rất nhiều ngày rải rác, PV chứng kiến những gì dân phản ánh là đúng sự thật. Qua quan sát, mỏ đá nằm không xa khu dân cư, khu vực mỏ bị khai thác rất lớn, cả quả đồi đã bị đào xẻ tan hoang. Bên trong mỏ đá có một máy múc đang hoạt động tại khu vực có đất.

Từ sáng đến trưa, nhiều xe tải cỡ lớn liên tục vào ra tại khu vực mỏ đá để “ăn hàng”. Máy múc cứ múc đầy đất lên xe rồi cho xe tải chạy ra khỏi mỏ. PV đã men theo các xe tải thì nhận thấy, đất “lậu” được chở cho một dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, cách mỏ đá chỉ vài km. Ngoài ra, đất cũng được các xe tải nhỏ mang ra khỏi khu vực mỏ đá để đổ cho các nhà dân trên địa bàn. Các xe tải luôn trong tình trạng đầy đất và che bạt sơ sài, đất vương vãi khắp nơi. Việc khai thác đất tại mỏ diễn ra rầm rộ, ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật...

Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc.

Bài, ảnh: Văn Dinh