Liên Hợp Quốc triển khai kế hoạch đánh bại Covid-19
Thế giới - Ngày đăng : 16:45, 01/04/2020
Tổng thư ký LHQ António Guterres phát biểu trước truyền thông về các tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội. Ảnh: Liên Hợp Quốc |
Tổng thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh những tác động tiềm ẩn lâu dài đối với nền kinh tế toàn cầu và các quốc gia riêng lẻ là nguy hiểm.
Báo cáo mới, với tên gọi “Chia sẻ trách nhiệm, sự đoàn kết toàn cầu: Phản ứng với các tác động kinh tế - xã hội của Covid-19”, mô tả tốc độ và quy mô của sự bùng phát, mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm và sự gián đoạn kinh tế và xã hội do virus corona gây ra.
“Covid-19 là phép thử lớn nhất mà các nước phải cùng nhau đối mặt kể từ khi thành lập LHQ”, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh.
Theo ông Guterres, cuộc khủng hoảng này đòi hỏi phải có hành động chính sách phối hợp, quyết đoán, toàn diện và đổi mới từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới – cũng như hỗ trợ tài chính và kỹ thuật tối đa cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Cải thiện hệ thống y tế yếu kém
Ông Guterres đã kêu gọi phối hợp nhanh chóng để đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh trong cộng đồng và chấm dứt đại dịch, nâng cao năng lực y tế để kiểm tra, truy tìm, kiểm dịch và điều trị, trong khi giữ an toàn cho những người ứng phó đầu tiên, kết hợp với các biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc.
Ông Guterres nhấn mạnh rằng các nước phát triển phải hỗ trợ những nước kém phát triển hơn hoặc có khả năng phải đối mặt với cơn ác mộng của căn bệnh lan nhanh như cháy rừng khiến hàng triệu người chết.
Tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất
Để giải quyết các khía cạnh kinh tế và xã hội tàn khốc của cuộc khủng hoảng, người đứng đầu LHQ đã tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất bằng cách đưa ra các chính sách, trong số những điều khác, nhằm hỗ trợ cung cấp bảo hiểm y tế và thất nghiệp và bảo vệ xã hội, đồng thời giúp các doanh nghiệp ngăn chặn phá sản và mất việc làm.
Ông Guterres cho rằng việc giảm nợ cũng phải là ưu tiên hàng đầu và nhấn mạnh LHQ đã huy động đầy đủ và đang thành lập một Quỹ ủy thác đa đối tác mới đương đầu với cuộc chiến chống Covid-19 nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp và phục hồi sau cú sốc kinh tế - xã hội.
“Khi chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn. Chúng ta có thể quay trở lại thế giới như trước đây hoặc giải quyết dứt điểm những vấn đề khiến chúng ta dễ bị tổn thương một cách không cần thiết trước khủng hoảng”, người đứng đầu LHQ cho biết.
Tham khảo Chương trình nghị sự 2030 và 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), ông Guterres cho rằng khi phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19, các quốc gia phải tập trung vào việc xây dựng các nền kinh tế toàn diện và bền vững, kiên cường hơn khi đối mặt với đại dịch, biến đổi khí hậu và nhiều thách thức toàn cầu khác.
“Những gì thế giới cần bây giờ là sự đoàn kết. Với sự đoàn kết, chúng ta có thể đánh bại virus và xây dựng một thế giới tốt hơn” - Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh.
Ước tính kinh tế xã hội năm 2020
Báo cáo bao gồm các ước tính từ một loạt các cơ quan của LHQ.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cơ quan của LHQ, trên toàn thế giới sẽ mất 5-25 triệu việc làm và sẽ mất 860 tỷ đô la đến 3,4 nghìn tỷ đô la thu nhập lao động.
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo áp lực giảm 30-40% đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu trong khi Tổ chức Du lịch Thế giới đã giảm 20-30% lượng khách quốc tế.
Trong khi đó, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) dự đoán rằng 3,6 tỷ người sẽ không được kết nối với mạng Internet và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) dự báo sẽ có 1,5 tỷ sinh viên nghỉ học.
Báo cáo kêu gọi một phản ứng đa phương có tính chất quy mô, phối hợp, toàn diện, chiếm ít nhất 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và cảnh báo rằng không có thời gian để bỏ lỡ sự hợp tác mạnh mẽ nhất trên thế giới nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Gọi đại dịch Covid-19 là một “thời điểm xác định cho xã hội hiện đại”, ông Guterres cho rằng lịch sử sẽ đánh giá hiệu quả của sự phối hợp phản ứng chứ không phải qua hành động đơn lẻ của từng nước.
“Với những hành động đúng đắn, đại dịch COVID-19 có thể đánh dấu sự khởi đầu của việc hợp tác thành công trên phạm vi toàn cầu và xã hội mới”, ông Guterres kết luận.