Quảng Nam: Cổ đông tố cáo giám đốc tư lợi tài sản Công ty

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 17:24, 31/03/2020

(TN&MT) - Thời gian gần đây, báo Tài nguyên và Môi trường có nhận được đơn thư phản ánh của bà N.T.H.S (SN 1976) trú tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh về những dấu hiệu khuất tất trong việc hợp tác kinh doanh giữa bà với Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng hạ tầng Quảng Nam.

Bán tài sản không thông qua họp cổ đông.

Theo bà S., năm 2017, bà quen biết ông Đào Duy Trung (trú cùng địa phương, hiện tạm trú tại khối phố Câu Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thời điểm này, ông Trung cho bà S. biết có nhiều dự án lớn và muốn cùng góp vốn thành lập công ty để làm ăn.

“Ông Trung đưa tôi đến nhiều công trình, tài sản, máy móc… và nói đều là của ông ấy. Tôi đã bị lừa từ đó nên bỏ vốn vào làm ăn chung”, bà S. nói.

Công ty CP tư nhân nhưng trên bảng hiệu lại núp bóng sở kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Nam.

Công ty Đầu tư xây dựng hạ tầng Quảng Nam ra đời từ đó, với 5 thành viên góp vốn đó là ông Trung, bà S. và 3 người khác. Tổng số vốn điều lệ của công ty là 50 tỷ đồng, tổng số cổ phần là 5.000.000 cổ phần. Trong đó, ông Trung giữ chức danh Giám đốc nên góp 3.000.000 cổ phần, tương ứng 30 tỷ đồng; bà S. đóng 1.000.000 cổ phần, tương ứng 10 tỷ đồng, 3 người còn lại nắm giữ số cổ phần còn lại.

“Tôi là thành viên góp vốn nhưng rất tuân thủ điều lệ công ty, đã thực hiện góp vốn vào công ty hàng chục tỷ đồng. Còn ông Trung là người đại diện pháp luật của công ty, thế nhưng ông vẫn chưa bỏ một đồng vốn nào vào công ty. Trong thời gian hoạt động, mọi vấn đề của công ty đều do ông Trung tự quyết định, không hề thông qua họp cổ đông. Số tiền tôi góp vốn vào công ty, ông Trung dưới danh nghĩa Giám đốc đã đem đi mua máy móc rồi tự ý bán trục lợi, không hề thông qua ý kiến cổ đông. Kính mong các cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ việc giúp tôi”, bà S. nói.

Giấy công ty xác nhận đóng cổ phần của bà S.

Cụ thể, theo bà S, số máy móc, xe tải bị đem bán, cụ thể gồm: máy đào bánh xích nhãn hiệu EX400-3, số khung 166-5242, số máy 6RB1-5D8959; máy đào bánh xích nhãn hiệu Komatsu PC400, số khung PC400-470675, số máy 6D125.53408; máy ủi hiệu Komatsu D58O-1, số khung D58P1-80896, số máy 6D125.30416; cùng 3 xe tải mang biển kiểm soát 92C-14.194; 92C-14.150; 33M-0027.

Điều đáng nói ở đây, khi bán tài sản công ty nhưng không có biên bản họp lấy ý kiến các cổ đông mà vẫn thực hiện được. Đặc biệt hơn nữa, trong số những xe đã bán, giấy tờ của một số xe hiện nay bà S. vẫn còn đang giữ?. Dư luận đặt câu hỏi?, vậy bằng cách nào ông Trung có thể hoàn tất thủ tục mua bán đối với khối tài sản trên?.

Mong muốn ghi nhận thêm thông tin khách quan, chúng tôi tìm đến trụ sở công ty Đầu tư xây dựng hạ tầng Quảng Nam. Tại đây, ông Đào Duy Trung đi vắng. Kế toán đơn vị này cho hay, bà chỉ trả lời khi ông Trung cho phép.

“Công ty hiện có 3 người: Anh Trung giám đốc, tôi kế toán và 1 lái xe. Toàn bộ máy móc thiết bị để trước công ty là của một ông Trung khác, không phải của công ty này”, vị kế toán đơn vị này nói.

Điều kỳ lạ, như lời cô kế toán công ty này nói, nhân sự thực hiện tại của công ty chỉ có 3 người, thế nhưng công ty này vẫn tham gia thực hiện một số dự án lớn trên địa bàn. Được biết, công ty này cũng vừa thi công một dự án Nâng cấp, mở rộng đường trục chính GTNT, đô thị xã Điện Trắng Trung, thị xã Điện Bàn. 

Giám đốc công ty thừa nhận

Để tìm hiểu thêm về vụ việc, phóng viên báo TN&MT đã có buổi làm việc với Đại úy Nguyễn Ngọc Thủ Đô, Phó Trưởng Công an phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đại úy Đô cho biết, vừa qua, bà S. có gửi đơn đến phường với một số nội dung liên quan đến Công ty Đầu tư xây dựng hạ tầng Quảng Nam.

“Chúng tôi đã hướng dẫn bà S. gửi đơn lên Công an tỉnh Quảng Nam, Công an thị xã Điện Bàn để được giải quyết. Hiện, công an đang giải quyết vụ việc này. Vừa rồi, cũng đã có gửi giấy mời làm việc đối với một số người liên quan”, Đại úy Đô nói.

Quyền lợi của cổ đông khi đóng cổ phần chỉ được xác nhận bằng giấy vở, không có sổ chứng nhận cổ phần.

Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã tiếp nhận và thụ lý đơn thư của bà S. “Chúng tôi đang làm. Đơn vị cũng có thông báo gửi đến bà S. đã thụ lý đơn xác minh”, vị lãnh đạo này nói.

Tìm hiểu về Công trình: Nâng cấp, mở rộng đường trục chính GTNT, đô thị xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, trả lời chúng tôi, ông Dương Tấn Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn cho rằng, không hề biết đến cái tên Đào Duy Trung và cũng không biết Công ty Đầu tư xây dựng hạ tầng Quảng Nam. Dự án đường giao thông nông thôn trên được tổ chức đấu thầu qua mạng, đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển Hoàng Dương (trụ sở tại Hải Phòng), theo Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 12046/QĐ-UBND ngày 26/12/2019.

Để có thêm ý kiến đa chiều, chúng tôi tiếp tục liên lạc với ông Trung, tại buổi làm việc với chúng tôi tại văn phòng công ty, ông Trung chia sẻ, hiện nay công ty chỉ còn 3 cổ đông, trong đó ông là người đại diện pháp luật, giữ 70% cổ phần công ty; bà S. 20% cổ phần và còn 10% cổ phần là của bà Nga, hiện nay bà Nga vẫn chưa thực hiện đóng cổ phần. “Cho đến thời điểm hiện nay, cộng tổng các chi phí lo việc cho công ty, số tiền tôi đóng vào công ty tầm 1,5 tỷ đồng” ông Trung nói.

Ông Trung cũng thừa nhận, trong lúc khó khăn, bản thân ông có bán 7 đến 8 chiếc xe cơ giới, việc mua bán này bà S. cũng biết và đã đồng ý bằng miệng. “Trong số các xe đã bán, có 2 đến 3 chiếc chưa đưa vào công ty, còn 4 đến 5 chiếc là tài sản của công ty, vì là công ty gia đình nên việc mua bán không thực hiện họp lấy ý kiến cổ đông”, ông Trung phân trần.

Đối với dự án đường GTNT tại xã Điện Trắng Trung, thị xã Điện Bàn, ông Trung cho biết, công ty ông chỉ là nhà thầu phụ, tham gia cung cấp vật tư là bê tông thương phẩm cho dự án, không phải là đơn vị trúng thầu.

Điều khó hiểu, đối với dự án đường giao thông nông thôn, sau khi chuẩn bị mặt bằng xong, vật liệu duy nhất đó là bê tông thương phẩm. Tại sao, nhà thầu chính là Công ty Hoàng Dương không ký hợp đồng cung ứng trực tiếp với đơn vị sản xuất bê tông, mà phải ký hợp đồng “vòng” qua nhà thầu phụ là công ty ông Trung?. Dư luận đặt nghi vấn ông Đào Duy Trung là ai, có quan hệ như thế nào với dự án mà được ký hợp đồng nhà thầu phụ cung ứng bê tông tươi, trong khi công ty ông Trung không có chức năng và cũng không sản xuất được bê tông thương phẩm?.  

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin!

Võ Hà