Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:19, 31/03/2020

(TN&MT) - Sáng 31/3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các đơn vị liên quan về việc xây dựng đề án “Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường”.

Các đại biểu tham dự họp trực tuyến sáng 31/3

Thách thức từ hội nhập

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói riêng đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam với vai trò là một thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, đồng thời mang lại những lợi ích về nhiều mặt cho đất nước thời gian qua.

Ngày nay, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế về môi trường nói riêng tiếp tục diễn biến theo theo xu thế sâu hơn về nội dung và mức độ, và rộng hơn về phạm vi và hình thức. “Xu thế hội nhập quốc tế này đã và đang mang lại nhiều lợi ích, cơ hội và tiềm năng cho các quốc gia, nhưng cũng đồng thời tạo ra những thách thức không nhỏ đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chỉ rõ những thách thức này, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, năng lực đội ngũ cán bộ tham gia công tác hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế về môi trường nói riêng chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế của quá trình hội nhập, cụ thể là đội ngũ cán bộ tham gia trực tiếp và gián tiếp từ công tác đàm phán quốc tế, nội luật hóa các cam kết và nghĩa vụ quốc tế (xây dựng chính sách và pháp luật liên quan đến môi trường) và thực thi các chính sách và pháp luật liên quan. Tình trạng năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật tham gia vào các hoạt động liên quan đến hội nhập quốc tế hiện nay cũng làm ảnh hưởng đến việc thực thi nghiêm túc các cam kết và nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã tham gia là thành viên, đồng thời làm giảm tính tích cực và chủ động của Việt Nam khi tham gia, đóng góp trong các hoạt động và sự kiện quốc tế. 

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho các hoạt động liên quan đến hội nhập quốc tế cả ở trong nước và ngoài nước và cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, thực thi các cam kết và nghĩ vụ về môi trường thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa được bố trí đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế của quá trình hội nhập quốc tế cũng đã dẫn đến hiệu quả chưa cao trong các hoạt động thực thi cam kết và nghĩa vụ quốc tế liên quan đến môi trường.

Đối với khối doanh nghiệp tư nhân, thực tế, trong quá trình hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường, khối doanh nghiệp tư nhân sẽ gặp phải nhiều khó khăn về nguồn lực (nhân lực và tài chính) đầu tư công nghệ sản xuất và xử lý ô nhiễm để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước liên quan đến môi trường nhằm đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế về môi trường của Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trong nước và thị phần ở nước ngoài. Đồng thời, khối doanh nghiệp tư nhân cũng gặp phải khó khăn và rủi ro nhất định trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về môi trường ở các thị trường quốc tế trong quá trình xuất khẩu hàng hóa.

“Để tháo gỡ những khó khăn đó, việc tăng cường, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực môi trường là rất cần thiết”, ông Thức nhấn mạnh.

Hội nhập quốc tế về bảo vệ môi trường để đảm bảo cho phát triển bền vững

Cần nâng cao năng lực của Việt Nam

Theo đề xuất của Tổng cục Môi trường, đề án “Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực môi trường” được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay và xu thế hội nhập quốc tế trong tương lai, đóng góp cho bảo vệ môi trường và hội nhập về kinh tế, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Cụ thể, việc tăng cường năng lực để đáp ứng yêu cầu và điều kiện hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực môi trường sẽ thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn vốn nước ngoài, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đối với môi trường, hạn chế các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Thực hiện tốt các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ môi trường còn góp phần nâng cao uy tín quốc gia và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và tin cậy đối với các đối tác nước ngoài. Hơn nữa, việc tuân thủ các quy định trong nước về bảo vệ môi trường giúp các doanh nghiệp phòng tránh được những rủi ro xuất phát từ việc nảy sinh các tranh chấp quốc tế liên quan đến các vấn đề môi trường hiện nay và trong tương lai.

Với ý nghĩa tích cực đó, Đề án Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường được xây dựng trên cơ sở quán triệt chủ trương, đường lối và định hướng về hội nhập quốc tế và bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước. Đề án sẽ đưa ra những giải pháp có tính toàn diện nhằm tăng cường năng lực hội nhập quốc tế về môi trường cho cơ quan quản lý các cấp, doanh nghiệp và người dân; đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ về môi trường đã cam kết trong các khuôn khổ quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Góp ý vào việc xây dựng Đề án, đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Cục Biến đổi khí hậu, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Khoa học và Công nghệ, Viện Chiến lược chính sách TN&MT… đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đề án, đồng thời cho rằng, Đề án cần chú trọng vào việc tăng cường năng lực thể chế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế về lĩnh vực môi trường, có cơ chế khuyến khích các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác, xây dựng các khóa đào tạo để tăng chất lượng nhân lực, quan tâm thu hút khối tư nhân tham gia chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực môi trường…

Ghi nhận sự nỗ lực của Tổng cục Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, Tổng cục cần tiếp thu ý kiến đóng góp của các đơn vị để rà soát, chỉnh sửa hoàn thiện, trình lãnh đạo Bộ và Chính phủ, đảm bảo tiến độ đã đề ra./.

Tống Minh