Nối vòng tay online bảo vệ hành tinh xanh

Môi trường - Ngày đăng : 10:24, 31/03/2020

(TN&MT) - Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2020, cả nước đã tiết kiệm được 436.000 kWh điện, tương đương khoảng 812,9 triệu đồng.

Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam, Giờ Trái đất 2020 được tổ chức trực tuyến thay vì các sự kiện hưởng ứng với nhiều người tham gia như những năm trước đây.

Không có những hình ảnh các bạn trẻ trên cả nước tập trung tại các thành phố lớn cùng nhau đi bộ, đạp xe diễu hành hưởng ứng Giờ Trái đất, thay vào đó, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam WWF - đơn vị tổ chức sự kiện dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Bộ TN&MT đã tổ chức truyền thông trực tuyến, kêu gọi người dân, các tổ chức, doanh nghiệp hưởng ứng tắt điện trong 1 giờ (từ 20 giờ 30 phút - 21 giờ 30 phút, ngày 28/3) cho Giờ Trái đất 2020. Năm 2020, lần đầu tiên Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam được thực hiện online đã thu hút hơn 80.000 tình nguyện viên tham gia.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, Việt Nam đã thể chế các mục tiêu, ý nghĩa, nhiệm vụ của sự kiện Giờ Trái đất vào các cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch về quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lăng lượng, bảo vệ và phát triển rừng như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường… Đây là những chủ trương chính sách sáng suốt, thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong hành động ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện tiết kiệm năng lượng để bảo vệ hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

Thay đổi hành vi tiêu dùng vì một hệ sinh thái khỏe mạnh

Chiến dịch Giờ Trái đất được triển khai ngay từ đầu tháng 3/2020, với nhiều hoạt động online. Các tình nguyện viên ghi hình chuyển về cho Ban Tổ chức những hoạt động bảo vệ môi trường tại khu vực dân cư, gia đình mình sinh sống. Rất nhiều hoạt động môi trường được các bạn thực hiện như vấn đề bảo vệ nguồn nước, thực hiện phân loại rác tại nguồn, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường sống, giảm thiểu sử dụng nhựa, ưu tiên sử dụng sản phẩm xanh... Ban Tổ chức đã tổng hợp từ hàng ngàn video clip gửi về thành những clip chung, có tính chất điển hình để phát trên Fanpage Giờ Trái đất Việt Nam.

Hoạt động bảo vệ môi trường đơn lẻ của tình nguyện viên ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo vệ môi trường của Chiến dịch Giờ Trái đất đến khắp Việt Nam. Điều này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Mô hình tình nguyện viên online đã mở ra cơ hội để các bạn phát huy khả năng, sáng tạo theo cách riêng của mình trong bảo vệ môi trường.

Với thông điệp “Thay đổi hành vi tiêu dùng vì một hệ sinh thái khỏe mạnh”, Giờ Trái đất 2020 kêu gọi người dân, doanh nghiệp chung tay cùng thực hiện: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo; giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần và chỉ sử dụng khi cần thiết; không sử dụng sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, việc thực thi tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam đã được cụ thể hóa bằng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các chương trình mục tiêu quốc gia về thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tháng 2/2020, Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết số 55/NQ-TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc ưu tiên khai thác, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam được tổ chức từ năm 2009, cho đến nay, Chiến dịch đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, góp phần tiết kiệm được nguồn năng lượng rất lớn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

 

Giờ Trái đất 2020 kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng hành động để góp phần thúc đẩy những sáng kiến thay đổi hành vi tiêu dùng như tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng đồ nhựa, nói không với tiêu thụ động vật hoang dã,... chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.

 

Phương Anh