Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 31/3: Nhiều nước áp dụng biện pháp kích thích kinh tế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Thời sự - Ngày đăng : 10:11, 31/03/2020

(TN&MT) - Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã tiếp tục bước vào một tuần cách ly nghiêm ngặt và một số quốc gia đã đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới để hỗ trợ công dân và các các doanh nghiệp bị đại dịch tấn công.

Số người chết và nhiễm bệnh tiếp tục tăng

Cho đến nay, đã có hơn 784.000 người mắc và gần 38.000 người tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới.

Reuters cho biết, để có thể xem đồ họa tương tác theo dõi sự lây lan toàn cầu, hãy mở liên kết tmsnrt.rs/3aIRuz7 bằng trình duyệt bên ngoài.

Để theo dõi số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ với bản đồ chi tiết cho từng tiểu bang và quận, Reuters cũng cho biết cần mở liên kết tmsnrt.rs/2w7hX9T bằng trình duyệt bên ngoài.

Châu Âu

Chính phủ Ý cho biết họ sẽ mở rộng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc chống lại sự bùng phát của virus corona gây dịch bệnh COVID-19, ít nhất là cho đến mùa Phục sinh vào tháng 4 tới.

Cố vấn cấp cao của Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông Dominic Cummings, đang tự cách ly tại nhà sau khi có các triệu chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Boris Johnson có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Pháp đã ghi nhận số người chết vì COVID-19 hàng ngày tồi tệ nhất vào ngày 30/3, lần đầu tiên vượt quá 3.000 người và trực thăng quân đội đã vận chuyển các bệnh nhân nguy kịch từ phía đông đến bệnh viện hải ngoại.

Hàng chục khu vực của Nga bao gồm thành phố St Petersburg đã phong tỏa một phần.

Phần Lan sẽ mở rộng hầu hết các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19 thêm một tháng từ ngày 13/4 cho đến ngày 13/5.

Đan Mạch có thể dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau lễ Phục sinh nếu số ca mắc và tử vong vì COVID-19 không tăng cao.

Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc về số lượng người nhiễm COVID-19, với gần 88.000 ca nhiễm tại Tây Ban Nha so với hơn 81.000 ca nhiễm ở Trung Quốc.

Đức dự kiến sẽ ra mắt một ứng dụng điện thoại thông minh theo kiểu Singapore trong vòng vài tuần để giúp theo dõi quá trình lây nhiễm.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã bảo đảm các quyền hạn khẩn cấp để chống lại sự bùng phát của dịch bệnh.

Châu Mỹ

Mọi người chào đón tàu bệnh viện Comfort của Hải quân Mỹ khi tàu đến New York, “điểm nóng” của Mỹ đang ngăn chặn sự bùng phát của virus corona tại trung tâm nước Mỹ khi số ca mắc bệnh tăng vọt.

Một chiếc xe đạp trên những bậc thang dẫn đến Dinh Tổng thống Quirinale được thắp sáng với màu cờ của Ý khi đất nước tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh COVID-19, tại Rome, Ý vào ngày 30/3/2020. Ảnh: Reuters

Chính phủ Mỹ đã ký thỏa thuận với Johnson & Johnson và Moderna Inc và cho biết Mỹ đang đàm phán với ít nhất hai công ty khác để mở rộng năng lực sản xuất vắc-xin chống COVID-19 tại Mỹ.

Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro cho rằng nền dân chủ nước này có thể gặp rủi ro nếu cuộc khủng hoảng virus corona dẫn đến hỗn loạn xã hội.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro rời Cung điện Alvorada trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan tại Brasilia, Brazil vào ngày 30/3/2020. Ảnh: Reuters

ELN, nhóm vũ trang du kích tại Colombia đã tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong một tháng kể từ ngày 1/4 nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Châu Á và Thái Bình Dương

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát các trường hợp nhiễm virus corona không có triệu chứng”, truyền thông nhà nước đưa tin.

Cảnh sát ở Ấn Độ đã bắn hơi cay để giải tán đám đông công nhân nhập cư bất chấp lệnh đóng cửa ba tuần của đất nước nhằm chống lại COVID-19 khiến hàng trăm nghìn người nghèo không có việc làm và đói.

Thống đốc Tokyo, Nhật Bản kêu gọi cư dân tránh đi ra ngoài, nhưng cho biết tùy thuộc tình hình, Thủ tướng Chính phủ phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Tại Việt Nam, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải tạm dừng toàn bộ hoạt động của xe hợp đồng trên 9 chỗ và xe du lịch trên 9 chỗ có điểm đi/đến Hà Nội và TP.HCM từ ngày 30/3 đến hết ngày 15/4.

Trung Đông và châu Phi

Iran đã có 117 trường hợp tử vong mới vì COVID-19 trong 24 giờ qua, khiến quốc gia bị thiệt hại nặng nhất ở Trung Đông phải cân nhắc các biện pháp hạn chế thắt chặt hơn.

Bộ trưởng Y tế Ả Rập Xê Út cho biết nước này sẽ chi toàn bộ kinh phí điều trị cho bất kỳ ai bị nhiễm COVID-19 trong khi Bộ Nông nghiệp nước này thực hiện các bước để tăng cường cung cấp lúa mì và thúc đẩy chăn nuôi.

Các thành viên Mỹ của Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô đeo khẩu trang tập trung tại sân bay quốc tế Toncontin trước khi về nhà trong mùa dịch COVID-19 tại Tegucigalpa, Honduras vào ngày 29/3/2020. Ảnh: Reuters

Một trợ lý của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 30/3 nhưng những phát hiện ban đầu cho thấy bà không có nguy cơ lây nhiễm cho nhà lãnh đạo 70 tuổi.

Zimbabwe bắt đầu phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày, theo sau nước láng giềng Nam Phi trong việc thực hiện một số biện pháp chống COVID-19 mạnh nhất thế giới có thể gây tổn hại cho nền kinh tế đang bị lạm phát và thiếu lương thực.

Sụt giảm kinh tế

Chứng khoán toàn cầu tăng vào ngày 30/3 mặc dù giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002 trong bối cảnh các ngân hàng trung ương và Mỹ đã cố gắng ngăn chặn thiệt hại từ COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới.

Ngày 30/3, các bộ trưởng thương mại thuộc Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) đã nhất trí giữ cho thị trường của họ mở và đảm bảo nguồn cung đầy đủ các vật tư y tế, thiết bị và hàng hóa thiết yếu khác.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết việc nới lỏng các quy tắc tài chính và sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Cơ chế Ổn định Châu Âu là rất quan trọng đối với phản ứng mạnh mẽ của khu vực.

Các ngân hàng trên toàn khu vực đồng euro ngừng thanh toán cổ tức để tăng dự trữ khi dịch bệnh đe dọa đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái sâu sắc.

Israel sẽ chi 80 tỷ shekels (tương đương 22 tỷ USD) để giúp nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng virus corona.

Thụy Sĩ có thể phải mở rộng quỹ khẩn cấp cho các công ty sau khi các ngân hàng cho vay 6,89 tỷ USD trong bốn ngày đầu tiên của kế hoạch.

Peru đã sẵn sàng gói kích thích trị giá khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội.

Sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 sẽ đẩy Đức vào suy thoái trong nửa đầu năm nay và có thể dẫn đến sụt giảm 5,4% sản lượng đầu ra trong năm nay.

Giá dầu giảm khiến một số thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không chỉ mất doanh thu khi họ cần nó nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng virus corona, mà cả thị phần của họ cũng có thể không bao giờ thu hồi được.

Hàn Quốc sẽ tiến hành thanh toán tiền mặt khẩn cấp cho tất cả các gia đình trừ những gia đình giàu nhất và lập ngân sách bổ sung thứ hai vào tháng tới.

Đồng tiền Nigeria đã giảm xuống còn 415 naira mỗi đô la trên thị trường chợ đen vào ngày 30/3 sau khi tổng thống của nước này ra lệnh phong tỏa hai thành phố lớn nhất của đất nước

Ngân hàng trung ương Singapore tích cực nới lỏng chính sách tiền tệ của đất nước này nhằm ứng phó với sự suy thoái trầm trọng của nền kinh tế.

Cập nhật lúc 7h00 ngày 31-03-2020:
Thế giới: 784.005 người mắc, 37.778 người tử vong, trong đó:
- Mỹ: 163.287 người mắc; 3.148 người tử vong.
- Ý: 101.739 người mắc; 11.591 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 87.956 người mắc; 7.716 người tử vong.
- Trung Quốc: 81.470 người mắc; 3.304 người tử vong.
Việt Nam: 204 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).
39 bệnh nhân (BN17, BN18, BN22, BN23, BN24, BN27, BN33, BN35, BN39, BN46, BN47, BN51, BN53, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN62, BN64, BN66, BN69, BN70, BN71, BN75, BN77, BN79, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN110, BN112, BN113, BN130, BN140, BN187) mắc COVID-19, tính từ ngày 6/3 đến 30/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Mai Đan