Chung sức vượt qua thiên tai - dịch họa
Xã hội - Ngày đăng : 00:48, 31/03/2020
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam có khoảng 56 triệu lao động, nhưng chỉ 27% tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, một bộ phận rất lớn lao động sẽ không có hợp đồng lao động,
không tham gia bảo hiểm xã hội, không được bảo vệ bởi các khung pháp lý, mà theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đây là lao động khu vực phi chính thức. Thu nhập của họ thường ở mức thấp nhất trong thang lương trên thị trường. Nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu lao động khu vực phi chính thức không thể kiếm được việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ, kéo theo bất ổn xã hội gia tăng.
Phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa |
Ở giác độ rộng hơn, với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đang khiến thế giới lâm vào tình cảnh tồi tệ nhất trong thế kỷ này. Các dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc - FAO cho thấy, sẽ có khoảng trên 100 triệu người trên thế giới cần sự giúp đỡ lương thực từ bên ngoài và đang đối mặt với đói ăn và suy dinh dưỡng. Trong đó, nhiều quốc gia do hệ thống y tế và năng lực cung cấp lương thực quốc gia còn hạn chế, sẽ không đáp ứng nổi việc chống đỡ dịch bệnh và bảo đảm cung ứng đủ thực phẩm cho người dân.
Kèm theo đó là việc nhiều nước buộc phải đóng cửa biên giới để kiểm soát tình hình dịch bệnh, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và hạn chế thương mại càng làm gia tăng mức độ bất an về lương thực và thực phẩm.
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long gay gắt và kéo dài. Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, không chỉ dịch bệnh, thiên tai gây hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến nền kinh tế càng thêm khó khăn. Theo dự báo của các chuyên gia, Việt Nam hiện nay và cả trong trường hợp xấu hơn do sự bùng phát dịch bệnh, chúng ta vẫn có thể đủ gạo ăn trong khi chờ vụ thu hoạch sắp tới. Kỳ canh tác tới phải cần chừng 4 - 5 tháng nữa, vì hiện nay, đang đi vào đỉnh điểm mùa khô hạn, ít ra hai tháng nữa mưa mới xuất hiện trên diện rộng ở các tỉnh ở ĐBSCL, khi đó đến giữa tháng 5 mới gieo sạ hầu hết lúa Hè Thu và phải đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, mới tới kỳ thu hoạch lúa rộ.
Nếu lúa trong kho dự trữ chúng ta còn đủ nhiều và Nhà nước thu mua thêm được gạo từ những vùng có nước tưới, với một thời gian ngắn nữa chúng ta có triển vọng bán được lúa giá cao và nhiều hơn so với hiện nay.
Vì vậy, sự hấp tấp xuất khẩu lúa lúc này sẽ kích thích một số nông dân vội vã xuống giống Hè Thu, vét hết các nguồn nước ngọt hiếm hoi đầu nguồn còn lại cho cây lúa, khiến khô hạn, nhiễm mặn vùng ven biển và cả sụt lún thêm trầm trọng.
Thiên tai và dịch bệnh cùng lúc ập đến, đang khiến nền kinh tế phải hứng chịu nhiều rủi ro. Chính phủ phải chi tiêu rất nhiều cho phòng, chống dịch bệnh và ứng phó với thiên tai. Đã có một số giải pháp được kiến nghị, thực hiện để giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân như giãn, giảm thuế, giãn nợ, hạ lãi suất, giãn đóng bảo hiểm xã hội...
Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành công bố bởi Tổng cục Thống kê, xăng dầu chiếm khoảng 3% trong tổng giá trị sản xuất và 5% trong tổng chi phí trung gian của nền kinh tế, nếu giá xăng dầu giảm 10% sẽ khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 1,2% và nếu giá xăng dầu giảm 20%, GDP tăng xấp xỉ 2% và làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,17%. Nếu nới lỏng chính sách tiền tệ, hoặc đưa ra gói kích cầu, có thể có những rủi ro về đạo đức và lạm phát, nhưng giảm giá xăng dầu thì an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều.
Với những diễn biến về tình hình thiên tai, dịch bệnh và thị trường thời gian qua, đang cho thấy, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ. Cả nước đã bước vào giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định phòng, chống dịch. Các biện pháp phòng, chống dịch đã được đề ra kịp thời, phù hợp và được thực hiện có kết quả. Tất cả đang cùng thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm góp phần giảm thiểu khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn gian khó khăn này!