Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tối 30/3: Hơn 725.000 người mắc, hơn 34.000 ca tử vong trên thế giới

Thời sự - Ngày đăng : 21:24, 30/03/2020

(TN&MT) - Tính đến 17 giờ ngày 30/3/2020, trên toàn thế giới đã có hơn 725.000 người mắc và hơn 34.000 ca tử vong vì COVID-19, trong đó, Mỹ có gần 143.000 ca nhiễm và Ý xác nhận gần 11.000 người tử vong.

Đông Nam Á tiếp tục thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại

Tại Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob cho biết nước này sẽ áp dụng các biện pháp thắt chặt hơn trong bối cảnh tiếp tục thực hiện lệnh hạn chế đi lại (MCO) từ ngày 1/4-14/4.

Theo ông Ismail Sabri Yaakob, cảnh sát và quân đội Malaysia sẽ tăng cường các chốt kiểm soát giao thông và hoạt động tuần tra để đảm bảo việc thực hiện nghiêm chỉnh MCO của người dân.

Ngày 30/3, Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia đã quyết định áp dụng mức trần giá bán khẩu trang ở mức 1,5 ringgit/chiếc (tương đương 8.200 đồng/chiếc).

Tính đến chiều cùng ngày, Malaysia xác nhận 2.626 ca nhiễm và 37 ca tử vong.

Cũng trong ngày 30/3, Bộ Thương mại Campuchia kêu gọi các chủ cửa hàng và những người kinh doanh trực tuyến bình ổn giá cả và cho biết sẽ xử phạt nghiêm các hành vi tranh thủ cơ hội tăng giá để trục lợi.

Nhật Bản: Thống đốc Tokyo kêu gọi hạn chế đi lại

Thống đốc Tokyo trong ngày 30/3 đã kêu gọi cư dân tránh đi ra ngoài vào buổi tối và cuối tuần khi cuộc khủng hoảng virus corona ngày càng sâu sắc, nhưng cho biết chính Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19.

Một phụ nữ đeo khẩu trang trong đợt bùng phát dịch COVID-19 bên trong Bảo tàng Olympic Nhật Bản đã đóng cửa tại Tokyo vào ngày 30/3/2020. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh phần lớn những nơi còn lại trên thế giới đã tiến hành phong tỏa để phòng chống virus corona, cho đến nay, Nhật Bản đã cố gắng tránh dịch bệnh COVID-19 đang tàn phá các khu vực ở Châu Âu và Mỹ và yêu cầu hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến số ca nhiễm tại Tokyo, cùng với cái chết của một diễn viên hài được yêu mến vào ngày 30/3 khiến nước này có nguy cơ tiềm ẩn về COVID-19.

“Nếu chúng ta chờ đợi cho đến khi số ca nhiễm bùng nổ, sau đó mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp thì sẽ quá muộn”, Satoshi Kamayachi, thành viên ban điều hành của Hiệp hội Y khoa Nhật Bản cho biết tại một cuộc họp báo.

Châu Âu tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng cao

Tại Australia, chính phủ nước này cam kết chi thêm 130 tỉ AUD (tương đương 79,85 tỉ USD), trong đó tập trung trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu người lao động.

Thụy Sĩ xác nhận số ca nhiễm tăng từ 14.336 lên 15.475 ca và số ca tử vong tăng từ 257 lên 295 người.

Ngày 30/3, Iran ghi nhận số ca mắc COVID-19 vượt 40.000 và 2.757 người tử vong. Chỉ trong 24 giờ, nước này có thêm 3.186 ca nhiễm và 117 ca tử vong mới.

Cùng ngày, Áo tuyên bố cấm du khách ở khách sạn để ngăn chặn COVID-19 lây lan và người dân phải đeo khẩu trang trong siêu thị để có thể tự bảo vệ mình ở khu vực đông người.

Pháp: Kết quả thử nghiệm các loại thuốc điều trị COVID-19 sẽ có trong tuần tới

Bộ trưởng Nghiên cứu Frédérique Vidal cho biết sẽ có kết quả thử nghiệm các loại thuốc điều trị COVID-19 trong tuần tới.

Các loại thuốc được thử nghiệm gồm remdesivir (thuốc điều trị Ebola), lopinavir-ritonavir (thuốc điều trị HIV), hydroxychloroquine (thuốc điều trị sốt rét) và interferon-beta. Hơn 3.000 người đã tình nguyện tham gia thử thuốc khi đợt thử nghiệm bắt đầu vào tuần trước.

Johnson & Johnson và Mỹ lên kế hoạch sản xuất 1 tỷ liều vắc-xin chống COVID-19

Ngày 30/3, Johnson & Johnson (JNJ.N) - công ty dược phẩm, thiết bị y tế và đóng gói hàng hóa tiêu dùng của Mỹ cho biết họ đã thực hiện một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với chính phủ Mỹ để tạo ra đủ năng lực sản xuất cho hơn 1 tỷ liều vắc-xin mà họ đang thử nghiệm để chống lại virus corona chủng mới đã làm chết hơn 34.000 người trên thế giới.

“JNJ.N đã chọn ứng cử viên vắc-xin hàng đầu của riêng mình và sẽ bắt đầu thử nghiệm vắc-xin chống virus corona đối với người vào tháng 9, với mục đích sẵn sàng sử dụng khẩn cấp vào đầu năm 2021”, nhà sản xuất thuốc cho biết trong ngày 30/3.

Theo JNJ.N, lô vắc-xin đầu tiên có thể được cung cấp theo ủy quyền sử dụng khẩn cấp vào đầu năm 2021, nhanh hơn nhiều so với thời gian 18 tháng thông thường mà vắc-xin cần được thử nghiệm, phê duyệt và sau đó được sản xuất.

Logo của công ty Johnson & Johnson tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở New York, Mỹ vào ngày 17/9/2019. Ảnh: Reuters

JNJ.N cũng cam kết đầu tư hơn 1 tỷ USD cùng với Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh nâng cao (BARDA) trực thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ để đồng tài trợ cho nghiên cứu vắc-xin, mở rộng sự hợp tác trước đó.

Virus corona chủng mới, bắt đầu ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã lây nhiễm cho người dân ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Mỹ hiện có số ca nhiễm nhiều nhất trên toàn cầu và nhiều người trong số họ ở New York, nơi các bệnh viện đang khan hiếm nguồn lực y tế để điều trị COVID-19.

JNJ.N cho biết hồi tháng 1, họ đã bắt đầu nghiên cứu một loại vắc-xin chống virus corona, sử dụng các công nghệ tương tự như công nghệ tạo ra vắc-xin Ebola thử nghiệm.

Cập nhật lúc 17h00 ngày 30-03-2020:

Thế giới: 725.230 người mắc, 34.034 người tử vong, trong đó:

- Mỹ: 142.737 người mắc; 2.489 người tử vong.
- Trung Quốc: 81.470 người mắc; 3.304 người tử vong.
- Ý: 97.689 người mắc; 10.779 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 80.110 người mắc; 6.803 người tử vong.

Việt Nam: 203 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

39 bệnh nhân (BN17, BN18, BN22, BN23, BN24, BN27, BN33, BN35, BN39, BN46, BN47, BN51, BN53, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN62, BN64, BN66, BN69, BN70, BN71, BN75, BN77, BN79, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN110, BN112, BN113, BN130, BN140, BN187) mắc COVID-19,  tính từ ngày 6/3 đến 30/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Mai Đan