Bộ TN&MT: Chủ động triển khai công tác chuyên môn, quyết liệt phòng chống dịch COVID-19

Thời sự - Ngày đăng : 18:16, 30/03/2020

(TN&MT) - Ngày 30/3, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa; Võ Tuấn Nhân; Trần Quý Kiên; Lê Công Thành và Lê Minh Ngân đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19 và bàn các giải pháp phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL và khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian vừa qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được triển khai rộng khắp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và của toàn dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ động triển khai các nhiệm vụ chính trị, công việc được giao phó với tinh thần không để dịch bệnh làm ảnh hưởng tới các nhiệm vụ; đồng thời cùng với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh chụp qua màn hình máy tính. Ảnh: Khương Trung

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bảo đảm những hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ TN&MT được xuyên suốt, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân để phát triển kinh tế, xã hội, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng; đưa ra các giải pháp linh hoạt để ứng phó với dịch bệnh trong thời gian tới.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt Chỉ thị 15/CT-TTg phòng, chống dịch COVID-19

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ Tổ chức Cán bộ và Văn phòng Bộ TN&MT lần lượt cho biết, ngay sau khi dịch COVID-19 xảy ra, các cơ quan tham mưu của Bộ TN&MT đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành nhiều văn bản để chủ động ứng phó với dịch bệnh đang diễn ra phức tạp; Đồng thời phối hợp với Cục Công nghệ Thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường để triển khai các cuộc họp trực tuyến nhằm vừa hạn chế các hoạt động đông người, vừa giải quyết được công việc cụ thể.

Bộ Tài nguyên và Môi trường họp trực tuyến với Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh chụp qua màn hình máy tính. Ảnh: Khương Trung

Ngay sau khi có Chỉ thị 15/CT-TTg phòng, chống dịch COVID-19, Bộ TN&MT tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt Chỉ thị 15/CT-TTg để kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên toàn quốc, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân; tiến hành vệ sinh môi trường cơ quan, trụ sở làm việc; khẩn trương rà soát, yêu cầu thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe. 

Bộ TN&MT cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, lên các phương án cụ thể dự phòng nếu dịch bệnh bùng phát cao đảm bảo các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT cũng như lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ luôn được thông suốt...

Tháo gỡ khó khăn của địa phương, doanh nghiệp và người dân

Ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị Bộ TN&MT trong việc việc quyết liệt phòng, chống dịch, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra những khó khăn hiện nay về các vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề khô hạn, thiếu nước cho người dân, vấn đề khó khăn trong tài chính do ảnh hưởng từ dịch bệnh…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, song song với việc quyết liệt phòng, chống dịch, các đơn vị Bộ TN&MT cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong lĩnh vực môi trường, Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, Tổng cục đã tham mưu tới Lãnh đạo Bộ ban hành các công văn gửi tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tăng cường các biện pháp quản lý chất thải và phòng, chống dịch bệnh, trong đó tập trung hướng dẫn cụ thể về việc lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm (bao gồm khẩu trang y tế thải bỏ sau khi sử dụng) theo đúng quy định và đảm bảo phòng, ngừa dịch bệnh;

Đồng thời tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã; phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 

Về nội dung này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết sẽ chỉ đạo Tổng cục Môi trường tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Y tế và các Bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu hướng dẫn việc xử lý chất thải y tế đặc biệt là việc xử lý khẩu trang y tế, khẩu trang để tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, giảm thiểu tác động của dịch bệnh; đồng thời trong dịp này sẽ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực thành thị và nông thôn phòng tránh các dịch bệnh khác phát sinh.

Theo báo cáo của Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, với việc để dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng tới nhiệm vụ chuyên môn, các cán bộ, người lao động của Tổng cục đã chủ động phân bổ nguồn nhân lực để đảm bảo công tác dự báo thiên tai, khí hậu thuỷ văn luôn cập nhật đầy đủ các số liệu chính xác nhất, kịp thời nhất cho các địa phương và người dân. Để làm được điều đó, các cán bộ ngành Khí tượng Thuỷ văn đã thể hiện tinh thần làm việc với 200% năng suất lao động.

Bên cạnh đó, trong công tác chuyên môn, luôn chủ động đưa ra các dự báo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn gửi tới các địa phương, chia sẻ các dữ liệu để các ngành, các cấp, các địa phương chỉ động ứng phó và đưa ra những giải pháp với những vấn đề về hạn mặn, thiếu nước, mưa bão…

Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn cũng phối hợp với Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường để xây dựng trụ sở Tổng cục trở thành trụ sở làm việc dự phòng của Bộ TN&MT khi trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp.

Về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Bộ TN&MT đã và đang triển khai các nhiệm vụ về quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long; điều tra, đánh giá, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất. 

Theo báo cáo, tại Khu vực Nam Bộ, đã có 37 vùng được thực hiện, thuộc 10 tỉnh với số lượng 45 công trình khai thác, tổng lưu lượng 75.000m3/ngày, nguồn nước đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho hơn 900.000 người; Khu vực Tây nguyên đã có 35 vùng được thực hiện, với số lượng 88 công trình khai thác, tổng lưu lượng đạt 16.000m3/ngày, có thể xây dựng 35 trạm cấp nước tập trung với công suất từ 150 đến 1500m3/ngày, nguồn nước đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho hơn 200.000 người (80lít/người/ngày).

Tuy nhiên, vẫn còn ở những vùng sâu, vùng xa tình trạng thiếu nước đặc biệt là nước sinh hoạt vẫn còn, ngoài việc hỗ trợ cụ thể cho các địa phương Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia cũng đưa ra các phương án tăng cường triển khai các quy hoạch, dự báo, thông báo hướng dẫn về tình hình nước ngầm ở những vùng hạn hán và thiếu nước để từ đó cùng các bộ, ngành, địa phương cùng nhau đưa ra các giải pháp kịp thời.

Chủ động triển khai công tác chuyên môn, quyết liệt phòng chống dịch bệnh

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định rằng, Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là “Kim chỉ nam” để các cấp, các ngành, địa phương cùng nhau đoàn kết chủ động phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có Bộ TN&MT. Trong thời gian qua, với việc chủ động của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, dù dịch bệnh COVID-19 có nhiều phức tạp nhưng các nhiệm vụ của Bộ TN&MT vẫn đảm bảo thực hiện kịp tiến độ. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT phải luôn sẵn sàng thực hiện “mục tiêu kép” là luôn phải đề cao cảnh giác và chủ động hơn nữa trong việc phòng, chống dịch bệnh với mục tiêu cao nhất bảo đảm sức khoẻ cho cá nhân, cán bộ, người lao động, đồng thời công tác chỉ đạo điều hành luôn được xuyên suốt, thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước, hỗ trợ địa phương phát triển.

Đối với việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị thuộc Bộ TN&MT ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế... các đơn vị cần xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh phù hợp với đơn vị của mình, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, phải luôn phải chủ động đưa ra các dự báo phức tạp nhất, thách nhức nhất để từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu giảm thiệt hại tối đa và hiệu quả nhất.

Với những công việc chuyên môn cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị cần chủ động hơn nữa báo cáo Lãnh đạo Bộ TN&MT tình hình thực hiện và các khó khăn vướng mắc tại địa phương để đưa ra các phương án và giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Môi trường cần chủ động lắng nghe các ý kiến của địa phương trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ TN&MT trong việc bảo đảm công tác môi trường được an toàn trong và sau dịch bệnh; tuyên truyền các chính sách đúng đắn về pháp quản lý chất thải và phòng, chống dịch bệnh; quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã tới người dân và các địa phương.

Bộ trưởng đồng tình với Thứ trưởng Trần Quý Kiên về việc đề nghị các đơn vị cần báo cáo và rà soát cụ thể để tham mưu Lãnh đạo Bộ đưa ra các kiến nghị tới Chính phủ miễn giảm các loại thuế, phí trong lĩnh vực mà Bộ TN&MT đang quản lý; đơn giản các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân. Cụ thể:

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam lên các kế hoạch để báo cáo Lãnh đạo Bộ sẵn sàng hỗ trợ tới các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong thời gian sớm nhất.

Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường cần chủ động và hỗ trợ các đơn vị trực thuộc Bộ nhằm triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn.., Bộ trưởng thống nhất với ý kiến của Thứ trưởng Lê Công Thành, chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Cục Quản lý Tài nguyên nước và các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn, ban hành kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo tới các cơ quan chức năng phục vụ chỉ đạo điều hành phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động cung cấp thông tin tới các cơ quan truyền thông tuyên truyền tới người dân để chủ động nắm bắt...

Khương Trung