Vinatex - Chia sẻ việc làm để cùng vượt qua khó khăn

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 18:30, 29/03/2020

(TN&MT) - Cuộc sống của mỗi con người chúng ta, chung quy, luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống của Doanh nghiệp nơi ta làm việc. Sức khỏe của DN ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi cá nhân nhân viên, cán bộ, và ngược lại. Nhất là trong khủng hoảng mang tên Covid-19 này, thì sự sống còn chung ấy lại rõ hơn bao giờ hết.

Mỗi người chúng ta, mỗi ngày đều trải qua 8 tiếng vàng ngọc của đời mình tại nơi làm việc. Điều đó, không phải luôn có nghĩa là cái giá mà ta phải trả để đổ đầy nồi cơm nhà ta, mà đó còn là ý nghĩa chúng ta sống, cống hiến, thể hiện bản thân, đem năng lực của mình để phục vụ xã hội, mà xã hội ấy hiện hữu trực tiếp tại DN nơi ta gắn kết. Khi DN phát triển, đời sống mỗi nhân viên cũng được nâng cao chất lượng, khi DN nâng tầm giá trị, mỗi nhân viên làm việc tại DN cũng được tự hào.

Nhưng bản chất của đời sống là luôn đổi thay, và có những thay đổi, lại chẳng hề như mong muốn của con người. Có những thay đổi mang tính thách thức, buộc mỗi con người phải nỗ lực vượt qua, dù đau khổ, mà để trở nên giỏi giang, trưởng thành hơn, nhưng cũng có thể khiến ai đó gục ngã vĩnh viễn. DN cũng vậy, có những cuộc khủng hoảng đẩy hàng loạt DN xuống vực thẳm mãi mãi.

Chỉ tính riêng tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến cuối tháng 2 dịch bệnh Covid - 19 đã ảnh hưởng đến khoảng 9.000 người lao động (NLĐ). Trong đó ngành nông, lâm và thủy sản có 3.227 người; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người; ngành vận tải, kho bãi có 1.121 người; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có 665 người. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng khiến 181.597 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Còn sang tháng 3, khi dịch lan rộng hơn, ảnh hưởng việc làm trở nên khủng khiếp trên toàn cầu, ngày 27.3 ghi nhận 3,28 triệu người đăng ký nhận hỗ trợ thiếu việc làm tại Mỹ - cao nhất từ năm 1967. Dự báo từ 30-40 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ mất sau dịch Covid-19.

Để tránh bị phá sản, bảo vệ nguồn tài chính của mình, một số DN chọn phương án sa thải nhân viên, có doanh nghiệp lại chọn phương án giảm giờ làm của từng cá nhân nhưng tất cả còn đi làm, có doanh nghiệp lại vận động người có điều kiện tốt hơn nghỉ không lương nhường công việc cho đồng nghiệp. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp làm gương, quyết định tất cả lãnh đạo cấp cao nhất sẽ giảm 30% thu nhập. Sau đó là đến đội ngũ quản lý cấp trung, rồi đến nhân viên. Và cuối cùng, nếu vẫn không thể cứu vãn mới đến việc cực chẳng đã, đó là sa thải nhân viên. Làm thế nào để trong tình huống khó khăn bất khả kháng, thị trường dừng đột ngột như hiện nay, mọi chi phí đều mất khả năng chi trả, trong đó có tiền lương, mà vẫn giữ được hình ảnh doanh nghiệp, vẫn có động lực để nếu thị trường phục hồi, doanh nghiệp lại đứng được lên tiếp tục hoạt động. Trong khó khăn sẽ có những hy sinh mất mát nhưng làm thế nào vẫn giữ được tình cảm của người lao động với doanh nghiệp, kể cả với những người phải ra đi? Đây là câu hỏi lớn đối với trái tim mỗi người lãnh đạo và tất cả người lao động trong doanh nghiệp.

Cuộc họp của Vinatex với 22 đơn vị trọng yếu của Tập đoàn

Ở Tập đoàn Dệt May Việt Nam, với hơn 120 ngàn nhân sự, quỹ chi lương khổng lồ mỗi tháng, cũng đang đứng trước những rủi ro lớn khi nhiều khách hàng đã hủy, tạm hoãn đơn hàng từ nửa cuối tháng 3/2020. Nếu đại dịch không sớm bị chặn lại, thì chắc chắn các doanh nghiệp với trên 90% sản lượng cho xuất khẩu của Vinatex sẽ không khỏi ảnh hưởng. Trước mắt, hầu hết các DN thiếu từ 30-50% việc trong tháng 4 và tháng 5/2020.

Do lượng nhân sự đông đảo, chỉ cần 3 tháng không có việc làm, mà vẫn duy trì trả lương cho toàn bộ lực lượng lao động, thì các DN dệt may sẽ hết vốn. Làm thế nào để DN không phá sản, NLĐ không mất việc làm? Đó là một thách thức chưa có tiền lệ đặt ra cho Vinatex do khủng hoảng của đại dịch Covid-19.

Với mục tiêu “Người lao động là trung tâm của sự phát triển DN”, và truyền thống văn hóa qua hơn một thế kỷ “Đoàn kết là sức mạnh”, Vinatex và các DN thành viên cùng đội ngũ NLĐ của mình sẽ đồng sức đồng lòng nắm tay nhau vượt qua cơn bão. Ưu tiên số một là bảo đảm sự an toàn tính mệnh, sức khỏe cho NLĐ trong sản xuất trong giai đoạn đại dịch đang hoành hành. Tiếp đó là đảm bảo việc làm cho NLĐ, sao cho không ai bị mất việc làm, không ai bị sa thải, không ai bị bỏ lại phía sau, trong khi vẫn giữ gìn để DN không bị phá sản.

Chính lúc này, đội ngũ những người lãnh đạo các DN lại chứng tỏ bản lĩnh của mình, họ đang ngày đêm chiến đấu với thách thức khó lường, vắt óc nghĩ suy, trăn trở tìm kiếm các hợp đồng trong cơn bão hủy hợp đồng, sáng tạo các phương án tài chính khả thi để bổ sung các nguồn trang trải lương cho NLĐ, tổ chức lại sản xuất để cho dù hàng thiếu, việc không nhiều, thì máy vẫn chạy, công nhân vẫn có việc. Dưới đây là ba bài học lớn cần tích cực triển khai và giữ vững trong tình thế khủng hoảng.

Một là, phát huy tinh thần sáng tạo, đừng sợ những ngã rẽ mới, hãy khai phá cả những con đường mà chúng ta chưa từng đi qua. Trong 2 tháng qua, chúng ta đã sản xuất những mặt hàng chưa bao giờ làm như khẩu trang phòng dịch, tiến tới là khẩu trang y tế, quần áo phòng dịch, quần áo dành cho bệnh viện và y bác sĩ. Những sản phẩm mới này vừa kịp thời phục vụ xã hội nhưng cũng là một phần nhỏ bù đắp thiếu hụt đơn hàng trong thời gian này. Chúng ta đã thử nghiệm làm việc từ xa - việc mà chúng ta nghĩ không thể thực hiện với 1 ngành “con mọn” như ngành dệt may, từ đó mở ra khả năng mới cho mô hình hoạt động linh hoạt, chi phí thấp của bộ phận dịch vụ, chăm sóc khách hàng.

Hai là, người lãnh đạo phải tự chấn chỉnh tinh thần trước tiên: mạnh mẽ và không được phép bi quan. Suy nghĩ tích cực, tất cả các doanh nghiệp trong xã hội đều gặp khó khăn như ta, chỉ có người mạnh mẽ, quyết tâm mới vượt qua được. Chính khó khăn mới tạo nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp – doanh nhân tầm thường và những doanh nghiệp – doanh nhân có ý chí mạnh mẽ.

Ba là, lấy cái tâm yêu thương chân thành làm gốc. Khủng hoảng chính là lúc doanh nghiệp nhìn lại và củng cố triết lý kinh doanh của mình. Cái tâm sẽ luôn là điều quan trọng nhất trong kinh doanh. Nếu cái tâm trong sạch, công việc kinh doanh sớm muộn cũng sẽ ổn định trở lại. Người lao động nhìn thấy cái tâm và sự yêu thương chân thành của doanh nghiệp với họ cũng sẽ sẵn sàng cùng chia sẻ với doanh nghiệp - doanh nhân trong thời điểm khó khăn, bởi họ tin ở tương lai và tin ở văn hoá nhân văn của doanh nghiệp. Họ tin “gái có công, chồng chẳng phụ” để cùng doanh nghiệp xây dựng tương lai tươi sáng hơn sau khủng hoảng. Người lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ nợ một lời hứa với người lao động là phấn đấu hết mình để đưa doanh nghiệp vượt qua gian khó, cùng người lao động chia sẻ thành quả của thành công. Thông đạt và thấu hiểu trong toàn thể đội ngũ lúc này là vô cùng quan trọng, chỉ có thông tin minh bạch, chính xác, ứng xử công bằng mới khơi dậy được tinh thần hy sinh, san sẻ trong doanh nghiệp.

Đội ngũ NLĐ dệt may, trong khủng hoảng đại dịch cũng sẽ biết chia khó khăn với DN, thể hiện sự gắn kết, yêu thương lẫn nhau bằng việc san sẻ việc làm, cho dù việc ít, lương giảm, nhưng chúng ta vẫn làm việc với năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt nhất, và tin tưởng vào sự phục hồi, sự phát triển mạnh mẽ của DN khi “cơn bão” qua đi. Khi chúng ta bên nhau, trọn vẹn yêu thương và biết bảo vệ chính mình, bảo vệ đồng nghiệp, trân trọng giá trị cuộc sống của mình và DN, thì không khủng hoảng nào có thể khiến khối đoàn kết này tan rã.

Hình ảnh những bác sĩ xung phong vào làm nhiệm vụ trong tâm dịch, người lớn tuổi đòi vào làm trực tiếp vì thương những người trẻ chưa có gia đình, thì người trẻ lại đòi vào vì các anh, chị có gia đình phải chăm sóc, chúng em có một mình,… Đây là những hình ảnh sâu sắc cho đội ngũ người dệt may chúng ta học tập, hành động theo phương châm “san sẻ để tất cả cùng vượt qua khó khăn, mỗi người khó một chút, nhưng cả đội ngũ chúng ta nguyên vẹn vượt qua thử thách”.

Vinatex cam kết ưu tiên số 1 cho giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống cho mọi NLĐ, bằng cách tận dụng các gói hỗ trợ từ chính phủ, các nguồn vay ngân hàng, tìm kiếm những hợp đồng mới bù đắp lượng việc làm thiếu hụt do nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn. Tổ chức lại sản xuất để đảm bảo ai cũng được đi làm. Trên tinh thần giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, chứ không sa thải NLĐ. Quyết liệt bảo toàn lực lượng. Tận dụng thời gian để sáng tạo, tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, thay đổi phương thức làm việc hiệu quả hơn. Chúng ta kích hoạt trạng thái “năng lượng thấp – ngủ đông” để sống sót qua mùa dịch.

 

PV