Lý giải nguyên nhân COVID-19 gây tử vong ở nam nhiều hơn nữ
Thế giới - Ngày đăng : 16:09, 27/03/2020
Một người đàn ông đeo khẩu trang đạp xe ở Rome, Ý vào ngày 22/3/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Trong bài phát biểu tại cuộc họp giao ban hàng ngày tại Nhà Trắng, Tiến sĩ Deborah Birx, Điều phối viên Nhóm đặc trách chống Covid-19 của Nhà Trắng cho biết theo một báo cáo của Ý, đàn ông ở hầu hết mọi lứa tuổi đều có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao hơn nữ.
Theo các cơ quan y tế Ý, nam giới chiếm 58% trong tổng số 13.882 trường hợp mắc COVID-19 tại Ý trong khoảng thời gian từ ngày 21/2 đến 12/3 và 72% trong số 803 trường hợp tử vong.
Đàn ông nhập viện vì COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn 75% so với phụ nữ nhập viện.
Mọi người đi bộ trên đường phố quanh chợ Seomun ở Daegu, Hàn Quốc vào ngày 17/3/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Dữ liệu từ các quốc gia khác cũng cho thấy nhiều đàn ông đang chết vì COVID-19 hơn phụ nữ. Một báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho thấy tỷ lệ tử vong ở những người đàn ông bị nhiễm COVID-19 đã được xác nhận cao hơn khoảng 65% so với phụ nữ.
Các chuyên gia cho biết, những thói quen không lành mạnh như hút thuốc và uống rượu xảy ra ở nhiều nam giới hơn nữ giới, điều này có thể gây hại cho phổi và là nguyên nhân gây viêm khi chiến đấu với nhiễm trùng.
Theo Global Health 50/50, một viện nghiên cứu kiểm tra sự bất bình đẳng giới trong y tế toàn cầu, đàn ông có xu hướng chịu nhiều tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như tăng huyết áp, bệnh tim mạch và bệnh phổi mãn tính.
Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, Susan Kovats, nhà miễn dịch học và nhà vi trùng học tại Quỹ nghiên cứu y tế Oklahoma, Mỹ cho biết: "Mặc dù các yếu tố khác - có thể thúc đẩy nhiễm trùng nặng như tiền sử hút thuốc và bệnh tim - cũng khác nhau giữa nam và nữ nhưng hệ thống miễn dịch hoạt động khác nhau giữa hai giới”.
Một người đàn ông đeo khẩu trang đi bộ trên đường phố ở trung tâm thành phố Tehran, Iran vào ngày 12/3/2020. Ảnh: Ahmad Halabisaz / Tân Hoa Xã |
“Sự khác biệt về giới tính trong tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của việc nhiễm COVID-19 đã được ghi nhận rõ trên mô hình người và chuột và tương quan với sự khác biệt trong hoạt động của tế bào miễn dịch”, bà Susan Kovats cho biết.
“Các tế bào miễn dịch có khả năng đáp ứng với estrogen và testosterone, cho thấy mức độ khác nhau của các hormone này ở nam giới và phụ nữ có thể đóng một vai trò trong các phản ứng miễn dịch khác biệt của họ”, Kovats giải thích.
Để ứng phó với một số virus, so với các tế bào nam, các tế bào nữ tạo ra mức protein cao hơn được gọi là "interferon" - một phần quan trọng của phản ứng miễn dịch bẩm sinh sớm. Theo Kovats, interferon kích hoạt một loạt các protein có khả năng chống virus trực tiếp và hành động để làm giảm sự lây lan của virus.
"Bằng chứng cho thấy việc sản xuất interferon được thúc đẩy bởi estrogen. Trong quá trình nhiễm virus đường hô hấp, khả năng sản xuất interferon lớn hơn có thể giúp giảm sự lây lan virus và tổn thương phổi ở phụ nữ", Kovats nói.
Công nhân của công ty tư nhân Ấn Độ điều khiển máy bay không người lái để phun thuốc khử trùng ở Bangalore, Ấn Độ vào ngày 24/3/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Tiến sĩ Stanley Perlman, Giáo sư về vi trùng học và miễn dịch học tại Đại học Iowa (Mỹ) đã nghiên cứu những con chuột đực và cái bị nhiễm virus corona gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Ông Stanley Perlman phát hiện chuột đực dễ bị nhiễm virus hơn chuột cái.
"Các thí nghiệm của chúng ta trên chuột cho thấy đây là một phần nội tiết tố. Nếu chúng ta loại bỏ estrogen khỏi chuột, hiện giờ bọn chúng cũng nhạy cảm với SARS-CoV như con người", Perlman nói với Tân Hoa xã.
“Phản ứng miễn dịch giữa nam và nữ có thể liên quan đến nội tiết tố, nhưng vẫn chưa được hiểu rõ”, Kent Pinkerton, Giáo sư của trường Y thuộc trường Đại học California, Davis - một phần của hệ thống Đại học California cho biết.
“Nếu các nhà khoa học có thể khám phá ra cách thức hoạt động, họ có thể xác định các chiến lược tốt hơn để chống lại COVID-19 nói chung”, các chuyên gia nhấn mạnh.