Lai Châu: Mưa đá gây thiệt hại trên 10,4 tỷ đồng

Môi trường - Ngày đăng : 20:35, 25/03/2020

(TN&MT) - Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hội tụ gió trên cao 1.500m, từ ngày 24/3 đến ngày 25/3/2020, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xuất hiện mưa đá, gió lốc đã gây thiệt hại về tài sản của người dân.

Mưa đá với kích thước lớn gây thiệt hại nặng về nhà cửa của người dân.

Thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lai Châu, mưa đá từ ngày 24/3 đến ngày 25/3, đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ước tổng giá trị thiệt hại trên 10,4 tỷ đồng (tính đến 17h ngày 25/3).

Tại Huyện Tân Uyên, hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa đá, trong đó, trên 600 hộ dân bị vỡ, thủng, tốc mái (thiệt hại từ 70 -100%). 16,7ha chanh leo (xã Mường Khoa); 3ha lúa, 27ha ngô (xã Trung Đồng) bị thiệt hại.

Tại huyện Nậm Nhùn, 29 hộ dân xã Trung Chải bị vỡ, thủng, tốc mái (thiệt hại từ 10-50%). 11 hộ dân xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ bị vỡ, thủng, tốc mái (thiệt hại từ 10-50%).

Tại huyện Sìn Hồ có gần 500 hộ gia đình bị ảnh hưởng do mưa đá. Riêng tại xã Pa Tần, có khoảng 400 hộ dân bị ảnh hưởng thủng mái lợp bằng prô xi măng tại 14/14 bản của xã. Trong đó có 19 hộ bị thủng mái 100%; 129 hộ bị thủng mái trên 50%; 113 hộ bị thủng mái từ 30-49%; còn 139 hộ bị ảnh hưởng thủng mái dưới 30%.

Đây là trận mưa đá thứ 3 xảy ra trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Ngay sau khi mưa đá xảy ra, UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện đã khẩn trương chỉ đạo UBND, ban chỉ huy phòng chống thiên tai các xã, thị trấn tuyên truyền nhân dân các hộ chủ động khắc phục, sửa chữa nhà bị hư hỏng để ổn định cuộc sống. Đối với hộ dân bị thiệt hại về nhà, trước mắt chính quyền đã huy động người dân hỗ trợ hộ gia đình di chuyển đồ đạc, tài sản đến ở tạm tại nhà người thân, chủ động mua vật tư sửa chữa nhà, khắc phục thiệt hại; tiến hành kiểm tra, rà soát, báo cáo chi tiết thiệt hại.

Đối với các diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, ảnh hưởng: Vận động nhân dân sớm thu hoạch, canh tác lại với các loại cây ngắn ngày. Riêng đối với các diện tích cây trồng theo mùa vụ, dài ngày, tổ chức làm đất, thu dọn phầnbị thiệt hại và chuẩn bị canh tác cho mùa vụ tiếp theo.

Cùng với đó, tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ để nắm bắt tình hình thiên tai qua các thông tin đại chúng khi có diễn biến thời tiết bất thường xảy ra để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Hà Thuận