Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 25/3: Mỹ có thể là “tâm điểm” với hơn 53.000 người mắc, gần 700 ca tử vong

Thời sự - Ngày đăng : 09:28, 25/03/2020

(TN&MT) - Mỹ có thể trở thành “tâm dịch” COVID-19 trong bối cảnh 85% các trường hợp nhiễm mới là ở Châu Âu và Mỹ và trong số đó, 40% ở Mỹ.

Mỹ có thể là “tâm dịch” COVID-19 tiếp theo 

Ngày 24/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, Mỹ có thể trở thành tâm điểm toàn cầu của đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra khi Ấn Độ tuyên bố phong tỏa toàn quốc 24 giờ tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

Ấn Độ cùng với Anh và các quốc gia khác đang kìm hãm để ngăn chặn virus khi hoạt động kinh doanh “sụp đổ” từ Nhật Bản đến Mỹ với tốc độ kỷ lục vào tháng 3.

Virus corona (virus SARS-CoV-2) rất dễ lây lan đã khiến toàn bộ các khu vực bị phong tỏa. Ở một số nơi, binh lính đang tuần tra trên đường phố để đảm bảo người tiêu dùng và công nhân trong nhà, tạm dừng các dịch vụ và sản xuất, cũng như chuỗi cung ứng.

“Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đang nhanh chóng dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, vì có một sự căng thẳng rõ ràng giữa việc ngăn chặn lây nhiễm và hủy hoại nền kinh tế”, Edoardo Campanella, một nhà kinh tế tại Ngân hàng UniCredit ở Milan, Ý cho biết.

Một người đơn độc đi dưới mưa trong Quảng trường Thời đại vắng vẻ vì dịch COVID-19, ở quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ vào ngày 23/3/2020. Ảnh: Reuters

Tại Geneva, Thụy Sĩ, phát ngôn viên của WHO Margaret Harris cho biết các ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đã tăng cao. Trong 24 giờ trước, 85% các trường hợp nhiễm mới là ở Châu Âu và Mỹ và trong số đó, 40% ở Mỹ.

Một số quan chức tiểu bang và địa phương của Mỹ đã tuyên bố thiếu hành động phối hợp liên bang và cho rằng việc các địa phương tự hành động đã khiến họ phải cạnh tranh để cung cấp trang thiết bị y tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận khó khăn.

“Thị trường thế giới về khẩu trang và máy thở đang rất khó khăn. Chúng tôi đang giúp các tiểu bang có đủ thiết bị nhưng không việc đó không hề dễ dàng” – ông Trump cho biết.

Trong khi đó, ngày 24/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết Chính phủ nước này sẽ thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc từ 0h ngày 25/3 trong 21 ngày.

Những con đường vắng vẻ ở Ahmedabad, Ấn Độ trong thời gian phong tỏa đất nước để hạn chế sự lây lan của virus corona. Ảnh: Reuters

Các nhà nghiên cứu y tế đã cảnh báo rằng hơn một triệu người ở Ấn Độ có thể bị nhiễm virus corona vào giữa tháng 5, khiến chính phủ phải đóng cửa tất cả các chuyến bay và chuyến đi bằng tàu hỏa, cũng như các doanh nghiệp và trường học.

Trong ngày 24/3, ông Modi đã ra lệnh tất cả mọi người không được phép rời khỏi nhà của họ.

Tính đến ngày 24/3, Ấn Độ có 482 ca nhiễm COVID-19 và 9 ca tử vong.

Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ bị hoãn đến năm 2021 do COVID-19

Các nhà tổ chức Thế vận hội Olympic và Chính phủ Nhật Bản đã hy vọng rằng sự kiện thể thao lớn nhất thế giới có thể diễn ra, nhưng cuối cùng họ đành phải tuyên bố Thế vận hội Tokyo 2020 đã trở thành “nạn nhân” mới nhất và lớn nhất của lịch thể thao bị hoãn vì COVID-19.

Sau cuộc gọi với Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Thế vận hội Tokyo 2020 dự kiến tổ chức từ ngày 24/7 – 9/8 sẽ bị hoãn lại đến mùa hè năm 2021 nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ bị hoãn đến năm 2021 do COVID-19

Theo ông Shinzo Abe, Chủ tịch Bach đồng ý hoàn toàn với ý kiến của ông.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội 124 năm, IOC phải hoãn sự kiện lại một năm, để đảm bảo sự an toàn cho tất cả người tham gia. Trước đó, Thế vận hội đã bị hủy bỏ vào năm 1916, 1940 và 1944 trong hai cuộc chiến tranh thế giới.

Ý: Tỷ lệ tử vong cao nhất trong số 10 quốc gia có số ca nhiễm lớn nhất

Trong số 10 quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới, Ý xác nhận tỷ lệ tử vong cao nhất, khoảng 10%, ít nhất một phần phản ánh dân số già. Tỷ lệ tử vong trên toàn cầu - tỷ lệ tử vong so với các ca nhiễm đã được xác nhận - là khoảng 4,3%, tuy nhiên các số liệu quốc gia có thể thay đổi đáng kể tùy theo số lượng ca xét nghiệm được thực hiện.

Ngày 24/3, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết nước này xác nhận thêm 743 ca tử vong chỉ trong 24 giờ qua, số người chết cao thứ hai từng được ghi nhận kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này và tăng mạnh so với 602 người chết trong ngày 23/3.

Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ điều trị một bệnh nhân mắcCOVID-19 trong một đơn vị chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Casalpalocco ở Rome, Ý vào ngày 24/3/2020. Ảnh: Reuters

Như vậy, tính đến hết ngày 24/3, tổng số ca nhiễm và tử vong tại Ý lần lượt là 69.176 và 6.820 ca. Tuy nhiên, Hãng tin Reuters đưa tin, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết nước này chỉ làm xét nghiệm với những người đã có triệu chứng nên ước tính số người mắc COVID-19 thật sự có thể cao gấp 10 lần con số hiện tại.

Thổ Nhĩ Kỳ: Thêm 343 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 1.900

Theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 24/3, nước này xác nhận thêm 7 ca tử vong và 343 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm trên cả nước lên lần lượt là 44 và 1.872.

Bộ Y tế cũng cho biết, đã tiến hành xét nghiệm 3.952 ca trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca xét nghiệm toàn quốc lên khoảng 28.000 ca.

Anh: Tất cả cửa hàng thiết yếu đều đóng cửa

Tại Anh, vào ngày 24/3, quốc gia này bắt đầu yêu cầu người dân hạn chế đi lại – việc chưa từng có tiền lệ trong thời bình - sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson ra lệnh cho cư dân ở trong nhà.

Đường phố thủ đô vắng lặng vì tất cả các cửa hàng thiết yếu đều đóng cửa và mọi người chỉ đi làm nếu bắt buộc.

Mặc dù ban đầu Thủ tướng Johnson không ra lệnh phong tỏa hoàn toàn nước Anh ngay cả khi các nước châu Âu khác đã làm như vậy, nhưng sau đó ông đã buộc phải thay đổi chiến thuật vì dự đoán cho thấy hệ thống y tế đất nước có thể quá tải do dịch COVID-19.

Vũ Hán sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại vào ngày 8/4

Trong khi đó, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, tâm dịch đầu tiên của đại dịch COVID-19, sẽ kiểm soát những người rời khỏi khu vực, trong khi các khu vực khác sẽ thắt chặt kiểm soát khi các trường hợp nhiễm mới tăng gấp đôi do các ca nhiễm nhập khẩu.

Mọi người ngắm hoàng hôn trên một con đường lát ngang tại Hồ Đông ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 18/3/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã

Thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, nơi đã phong tỏa hoàn toàn kể từ ngày 23/1, sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại vào ngày 8/4.

Tuy nhiên, nguy cơ từ các ca nhiễm ở nước ngoài đang gia tăng, khiến các biện pháp kiểm dịch và cách ly khó khăn hơn ở các thành phố như Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Singapore: Người trốn cách ly sẽ bị phạt tiền hoặc ngồi tù hoặc cả 2 hình phạt

Singapore cho biết, từ ngày 25/3, tất cả cư dân Singapore trở về nước từ Anh và Mỹ sẽ phải ở trong các khách sạn được chỉ định làm khu cách ly trong 14 ngày. Nếu trốn lệnh cách ly, những người này sẽ bị phạt tiền gần 10.000 USD hoặc ngồi tù dưới 6 tháng hoặc chịu cả hai hình phạt trên.

Trong bối cảnh Singapore bước sang giai đoạn mới trong cuộc chiến chống COVID-19 với các ca nhiễm nhập khẩu tăng cao, trong thời gian từ 26/3-30/4, nước này sẽ đóng cửa tất cả quán bar, rạp chiếu phim và các địa điểm giải trí khác. 

Theo tờ Straits Times, Singapore đưa ra các biện pháp trên sau khi ghi nhận thêm 49 ca COVID-19 trong ngày 24/3, trong đó chủ yếu là các ca nhập khẩu từ nước ngoài, với 32 ca, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên 558.

Cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 lúc 8h ngày 25/3/2020: 

Thế giới: 421.187 người mắc, 18.804 người tử vong, trong đó:

Ý: 69.176 người mắc; 6.820 người tử vong.

Mỹ: 53.595 người mắc; 696 người tử vong.

Việt Nam: 134 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

1 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Mai Đan